15/01/2009 15:46 GMT+7 | Phim
Trước khi Giải cứu Thần Chết ra mắt khán giả chính thức vào 15/1. Có nhiều bài báo cho rằng phim “sặc mùi” phim teen và phim ca nhạc của Mỹ như High School Musical, Mean Girls… Thậm chí một số tình huống như nhân vật chính lộn đầu vào thùng rác, thầy cô thú tội… được cho rằng láy lại các tình huống trong phim Mean Girls. Thực ra thì các nhà làm phim đâu có giấu điều đó, các thần tượng nhạc trẻ, hiphop, bóng rổ… đều là sản phẩm của tuổi vị thành niên Mỹ cả. Ngay cả cái từ “giải cứu” cũng làm ta nhớ tới phim Mỹ (Giải cứu binh nhì Ryan). Mặc dù theo đúng nội dung phim, nên đặt là: “Giải thoát Thần Chết” thì đúng chuyện hơn. Một Thần Chết vị thành niên đi xé màn ảnh, đi lạc vào thế giới người. Vô tình cậu ta vướng phải một cô bé đậm đụt, ghanh tỵ, luôn mơ thành “sao”. Cô ta muốn trả thù bạn bè và thầy cô vì bị coi thường. Thần Chết nhỏ này có nhiệm vụ phải làm ba việc cho cô bé sung sướng thì cậu ta mới được giải thoát về với địa phủ. Nhưng thực hiện những mơ ước trả thù và nổi danh của cô bé so với khả năng thực tế của Thần Chết vị thành niên là điều rất khó.Thế là mọi sự trớ trêu sinh ra và câu chuyện phim cũng phát triển từ đây… Phải công nhận đây là một kịch bản phim giải trí thông minh. Mà những "tình tiết Mỹ” ấy là “mồi câu” cho một câu chuyện Mỹ nói tiếng Việt. Nhà làm phim, đạo diễn gồm những người giỏi giang và thông minh nên nhắm rất trúng đích vào đối tượng chính sẽ bỏ tiền mua vé xem phim - lứa tuổi teen. Là độ tuổi đông nhất vào rạp, quen thuộc nhất với hình ảnh Mỹ trong các rạp kiểu Mỹ thuộc loại bán vé đắt nhất ở các thành phố lớn của Việt Nam, bây giờ!
Phải công nhận là gạt chất Mỹ ra, phim cũng đánh động đến một vài câu chuyện nghiêm trọng của xã hội hiện nay, đó là sự “phê bình bệnh thành tích trong giáo dục” là thứ nhất, và thứ hai là “cảnh tỉnh lối sống chạy theo hình thức” của lớp trẻ. Cho nên phim cũng có ý nghĩa “giáo dục” nhất định. Chỉ có điều là việc phê và tự phê của các nhân vật thầy cô trong phim là theo kiểu: Sói nghiêm khắc tự nhận khuyết điểm đã nuốt bà của Cô bé quàng khăn đỏ. (Lý do chính là sói không tiêu hóa được quần áo của bà cô bé, nên phải ợ ra). Và phê bình lối sống chạy theo hình thức của lớp trẻ, nhưng nhân vật teen (nhất là nữ, tất nhiên) lại ấn tượng nhất là những màn khoe váy ngắn trong lớp học. Chưa kể, tuy có tới 3 ca sĩ “già”, (Siu Black, Phương Thanh, Hồng Nhung) và hai ca sĩ trẻ (Minh Hằng, Đông Nhi) tham gia đóng phim, nhưng đạo diễn vẫn rất mạnh tay phê bình tệ “hát nhép” (lypsinc), lại còn đặt vào miệng một nhân vật ca sĩ bào chữa: “Vừa hát vừa nhảy khó lắm, cho nên tui mới phải hát nhép chớ bộ”. Cũng phải kể một thành công nữa của phim GCTC là các màn kỹ xảo bay lượn dụng công đi “chuốt” ở nước ngoài của nó khá hơn hẳn những cảnh bay lượn trong “ông anh” Nụ hôn Thần Chết năm ngoái!
Có một điều, một điểm mà tôi xem hầu hết các phim Việt từ trước đến nay, và cho đến cả phim GCTC lần này, dù đã nói nhiều lần, nhưng vẫn phải nhắc lại. Không biết khán giả khác thế nào, nhưng giọng nói và văn thoại của các nhân vật vẫn chưa thật xuôi với đôi cái tai của tôi. Có gì đó cưng cứng, gượng gượng rất khó chịu tựa như ăn cơm “ghế” (trộn cơm nguội vào nồi cơm mới nấu cho nóng, lúc cơm mới gần chín). Có lẽ các nhà làm phim nói chung cần phải dành thì giờ “chít chuốt” nhiều hơn nữa ở điểm này.
Nói gì thì nói, mặc dù không phải “fan” cuồng nhiệt lắm của bóng đá. Nhưng khi xem bóng đá Việt thắng Thái ở giây cuối của phút cuối, tôi vẫn sướng lây cái sướng âm ỉ và cuồng nộ của đám đông người xem chúng ta. Bởi dù thế nào, thì tôi vẫn là người Việt chứ không phải người Thái. Và tôi là người Việt nên tôi sẽ bỏ tiền mua vé đi xem phim Tết GCTC. Vì giữa biển phim nhập ngoại, vẫn có lác đác phim Việt có thể làm tôi xem mà cười được. Xem xong, ra cửa rạp, quên luôn phim và cũng quên luôn một số vấn đề nhức đầu trước khi tôi đến rạp. Thế là thành công đối với riêng số tiền nhỏ nhoi của tôi đóng góp cho phim Việt rồi. Tôi vẫn nghĩ rằng người Việt, với cái khiếu có thể cười mọi lúc mọi nơi, sẽ là mảnh đất mầu mỡ cho mọi loại thể loại phim hài, tấu hài, cười cợt… không chỉ bây giờ mà còn dài dài…
Ước mong rằng mỗi mùa phim Tết, không chỉ có một vài phim xem được như vậy, mà phải có hàng chục, hàng vài chục phim như thế để khán giả có thể lựa chọn. Một dịch giả văn học Đức nổi tiếng nói với tôi: Nền điện ảnh Đức (chưa dám với tới Mỹ) một năm làm được 500 phim, trong đó 495 phim là phim thương mại, còn lại khoảng 5, 6 phim tác giả, đem chiếu rạp là chết. Nhưng họ sẽ đem 5 phim chiếu rạp không ai xem đó đi dự thi ở các Liên hoan phim lớn. Xem những phim đó mới thấy người Việt mình rất thiệt thòi. Bởi cái mức ở ta mới là trên dưới một chục phim nhựa một năm, trong đó một phần ba được coi là phim nghệ thuật, còn lại là phim giải trí. Thế thì còn lâu mới có thể có được 5, 6 phim tác giả để có thể "tranh đấu” trên trường quốc tế? Đành ngậm ngùi với câu nói của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên: Điện ảnh VN bây giờ đang nằm dưới đường biên nghệ thuật. Vì động đến điện ảnh là liên quan đến tiền, ở một nước mà GDP chia theo đầu người dưới 1000 USD thì đừng bàn tới nghệ thuật vội!
Châu Sơn (Hà Nội)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất