17/08/2023 05:55 GMT+7 | Bóng đá Việt
Những câu hỏi dành cho các nhà quản lý về việc tạo cơ hội cho cho cầu thủ trẻ được thi đấu nhiều hơn, hay góp ý về hệ thống giải dành cho các đội hình dự bị (đội B) trước các trận đấu của đội A đã nhiều lần được báo giới đặt ra. Nhưng…
Dù chưa biết CAHN có vô địch ngay lần đầu tiên lên chơi V-League hay không nhưng đã xác định được đội rớt hạng là SHB Đà Nẵng. Một đội tân binh trở thành một thế lực nhờ đội hình ra sân toàn cầu thủ tên tuổi, dày dạn kinh nghiệm. Còn đội rớt hạng lại là nơi sử dụng nhiều cầu thủ trẻ nhất. Một ví dụ khác là tân binh Khánh Hòa, tiềm lực tài chính yếu, cũng chỉ vừa quay lại V-League sau gần 9 năm vắng bóng và trong danh sách đăng ký của họ chỉ có đúng 3 cầu thủ sinh từ năm 2000 trở về trước. Như đã biết, Khánh Hòa trụ hạng thành công dù họ chẳng có gì so với SHB Đà Nẵng cả.
Vậy thì câu hỏi đặt ra: Lý do gì để các CLB "phải" dùng cầu thủ trẻ? Thậm chí còn một câu hỏi còn khó hơn: Liệu các CLB có cầu thủ trẻ để mà dùng không? Ở câu hỏi thứ nhất thì có lẽ không cần phải chứng minh nữa. Hôm Khánh Hòa thua Bình Dương ở lượt đấu áp chót giai đoạn 2, để trả lời cho dư luận về việc "lỏng chân" cho Bình Dương thắng, thì HLV của Khánh Hòa nói rằng vì ông đưa cầu thủ trẻ vào làm quen không khí V-League nên gần như không có cửa thắng. Nói cách khác, muốn xuống hạng thì cứ dùng cầu thủ trẻ!?
Ở câu hỏi thứ hai, chúng ta cứ nhìn vòng loại giải U21 quốc gia 2022 thì biết. Chỉ có 22 đội trên toàn quốc đăng ký tham gia (không phân biệt hạng) nhưng chỉ có đúng 6 CLB của V-League đăng ký. Tầm U21 mà họ còn không có người để rèn luyện thì làm sao có cầu thủ trẻ để đá V-League kể cả khi HLV muốn trẻ hóa. Tóm lại, nếu "đá quả bóng" về phía các CLB thì chẳng có tác dụng gì cả. Có quá ít động cơ để CLB sử dụng cầu thủ trẻ.
Thế nên, trái bóng thật ra lại nằm ở các nhà quản lý và mọi thứ vẫn bỏ ngỏ. Cách chúng ta thiết kế ra hệ thống bóng đá chuyên nghiệp gần như không có đủ chế tài, áp lực cho các CLB trong việc tái tạo nội lực của chính họ. Trong khi đó, một giải đấu dành cho đội hình B diễn ra trước các trận đấu của đội hình A chẳng hạn, lại đụng đến vấn đề về kinh phí tổ chức. Mà cứ đụng đến kinh phí, thì mọi thứ lại… tắc!
Trong danh sách Vua phá lưới tính đến thời điểm hiện tại, Top 15 chân sút tốt nhất chỉ có đúng 3 cầu thủ Việt, là Nguyễn Văn Quyết, Phạm Tuấn Hải (cùng Hà Nội FC) và Nguyễn Đức Chiến (Viettel). Trong Top 30, ngoài 2 tiền đạo của Hà Nội FC ra thì các cầu thủ Việt chẳng có ai đá vai tiền đạo nữa cả. Hãy hình dung, HLV Troussier đang xây dựng một đội tuyển quốc gia mới với tiêu chí kiểm soát bóng – tấn công, thế mà V-League chẳng giới thiệu được ai đá ở phía trên cả. Chân sút số 1 của tuyển là Nguyễn Tiến Linh đá cả mùa 18 trận ghi được 3 bàn và đều chỉ ở giai đoạn 2 khi Bình Dương gặp các đối thủ nằm trong nhóm trụ hạng.
Vấn đề cầu thủ trẻ ở V-League thực sự đáng báo động và nghiệt ngã hơn, đó lại là chuyện chẳng dễ giải quyết cả về khía cạnh CLB lẫn các nhà tổ chức. Cho đến thời điểm này, chúng ta chỉ biết là phải cần một nguồn cung cấp cầu thủ trẻ cho bóng đá Việt Nam nhưng lại không biết lấy từ đâu.
Về lý thuyết, cầu thủ trẻ chỉ xuất hiện ở những CLB có chiến lược đầu tư dài hạn, làm bóng đá chuyên nghiệp nghiêm túc và lâu dài, không chạy theo thành tích trước mắt. Những CLB như thế mới đủ kiên trì cho hoạt động đào tạo hoặc tuyển mộ tài năng trẻ.
Nên hiểu một cách sâu xa thì khi bóng đá Việt Nam không còn nhiều cầu thủ trẻ thì đồng nghĩa số CLB chuyên nghiệp bền vững của chúng ta đang ngày càng ít. Đó chính là thứ đáng lo và các nhà quản lý ở VFF hay VPF phải có động thái quyết liệt trước khi quá muộn.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất