Bóng đá TP.HCM: Vì sao nên nỗi?

25/08/2010 12:23 GMT+7 | V-League

(TT&VH) - Sau những thất bại, lãnh đạo bóng đá TP.HCM lại xắn tay vào để vực dậy phong trào, cũng như thế mạnh của môn thể thao vua ở địa phương này. Thì cái cách lấy lại thể diện cho bóng đá Sài thành bằng việc mua QK4 về cũng là một việc làm (dù không phải là tốt) vậy. Nhưng điều đó lại không phải ý nguyện của người dân TP.HCM. Chẳng ai muốn đến sân để cổ vũ cho một đội bóng mà cầu thủ toàn nói giọng xứ khác. Cũng như thế, giờ thử hỏi TP.HCM ngoài cái tên ra có bao nhiêu cầu thủ là dân Sài thành? E rằng không nhiều, có khi còn ít hơn thành phần BHL – những danh thủ cũ của Cảng.

Lãnh đạo bóng đá TP.HCM bấy lâu nay luôn nói và cổ súy cho những cầu thủ gốc Sài Gòn về chơi bóng ở ngay chính mảnh đất sinh ra mình. Nhưng nói thì cũng hay, vỗ tay thì cũng to, chỉ có điều bắt tay vào làm thực sự thì không. Chưa có cầu thủ Sài Gòn nào đang chơi bóng ở địa phương khác nhận được lời mời một cách đàng hoàng để về thi đấu cho đội bóng quê nhà cả.

Đấy là sự thật, kể cả bây giờ khi Ngọc Thanh và một số cầu thủ khác sinh tại TP.HCM đang nhận được lời mời từ Navibank SG cũng không phải bắt nguồn từ chuyện màu cờ sắc áo, mà chủ yếu “miếng trầu” lại là chuyện kinh tế.


Navibank SG (phải) là đội bóng mang tên Sài Gòn, nhưng lại chẳng có chút dáng dấp nào của bóng đá Sài Gòn. Ảnh: Quang Nhựt

Đành rằng, giờ lên chuyên nghiệp rồi vấn đề “đầu tiên” là quan trọng nhưng rõ ràng một điều rằng về thi đấu ở mảnh đất mình lớn lên, có gia đình và người thân cũng quan trọng chẳng kém. Nhưng có mấy ai đoái hoài, hoặc trọng vọng thực sự các cầu thủ, để họ gật đầu về chơi bóng ở TP.HCM.

Thể thao nói chung, hay bóng đá TP.HCM nói riêng đã từng là “anh cả” của dải đất hình chữ S. Nhưng nay đã khác, điền kinh, cầu lông, bóng chuyền và vài môn thể thao đỉnh cao khác đều đã phải đứng nhìn cảnh “chảy máu nhân tài”, bóng đá cũng chẳng phải ngoại lệ. Tất cả đều bắt nguồn từ những cách làm không giống ai của lãnh đạo thể thao nơi đây nói chung, và bóng đá nói riêng.

Tất cả khi ngồi vào ghế “nóng” đều hừng hực quyết tâm đưa nhân tài trở lại, nhưng khi bắt tay thì chỉ là “nụ cười nhạt và bắt tay lỏng”, thế mới có chuyện suốt thời gian dài qua, khi kinh tế TP.HCM tiếp tục phát triển mạnh mẽ thì thể thao hay bóng đá cứ đi xuống.

Mai Hà

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm