Bóng đá TPHCM, tại sao thế?

22/07/2022 08:04 GMT+7 | Bóng đá Việt

Mới đá 8 vòng mà 2 đội bóng của TP.HCM đã rơi xuống đáy bảng xếp hạng. Dù biết là mùa giải vẫn còn rất dài, nhưng có lẽ cũng cần đặt câu hỏi: Vì sao bóng đá TP.HCM lại rơi vào tình cảnh bi kịch như hiện tại?

 

Lịch thi đấu V-League 2022 vòng 9

Lịch thi đấu V-League 2022 vòng 9

Lịch thi đấu V-League 2022 vòng 9: SLNA vs Hải Phòng, Bình Định vs Đà Nẵng, HAGL vs Thanh Hóa, Hà Tĩnh vs Hà Nội, Viettel vs TPHCM, Sài Gòn vs Nam Định. Lịch thi đấu bóng đá Việt Nam mới nhất.

1. Mùa giải dang dở 2021, vị trí cuối cùng của 2 đại diện TP.HCM lần lượt là 11 (TP.HCM) và 13 (Sài Gòn FC) sau 12 vòng đấu. Như vậy, trung bình điểm số của 2 đội là vào khoảng 1,1 điểm/trận.

Hiện tại, sau khi đá 7 trận trong số 8 vòng, số điểm lần lượt của TP.HCM và Sài Gòn FC là 6 và 3, kém hơn cả mùa giải trước. Thông tin cho biết, mùa này chắc chắn sẽ có ít nhất 1 đội bóng của TP.HCM phải xuống hạng.

Vì sao hơn 1 năm nghỉ thi đấu nhưng 2 đội bóng của TP.HCM vẫn không tiến bộ? Hay nói đúng hơn, họ đã làm gì để cải thiện tình hình suốt 1 năm qua để rồi chẳng ai thấy họ đổi thay gì cả? Phải chăng họ chẳng đầu tư gì, nên mới lâm vào cảnh càng đá càng tệ? Và câu hỏi cuối cùng: Liệu bóng đá TP.HCM sẽ đi về đâu?

Hãy nhìn vào thực tế các trận đấu để thấy rằng chất lượng chuyên môn của 2 đội TP.HCM không hề cao. Cách đây 2 mùa giải, đội Sài Gòn FC do Chủ tịch kiêm HLV Vũ Tiến Thành dẫn dắt chơi thứ bóng đá “kinh điển” phòng ngự - phản công của thời HLV Calisto, cựu HLV đội tuyển Việt Nam.

Còn TP.HCM, họ vận hành theo mô hình Dream – Team, qui tụ nhiều ngôi sao để chơi thứ bóng đá áp đặt. Chính lối chơi có phong cách rõ ràng ấy đã giúp TP.HCM đoạt ngôi á quân năm 2019 và Sài Gòn FC về hạng 3 năm 2020. Vấn đề nằm ở chỗ sau mùa giải thành công của mình, cả 2 đội đều thay đổi HLV và họ không còn là chính mình từ đó.

Hiện nay, Sài Gòn FC và CLB TP.HCM chỉ là những đội bóng ở mức trung bình, chấp chới ở ranh giới trụ và xuống hạng. Nếu họ không “liên minh” với nhau, thì rất có thể hai đội sẽ phải “tương tàn” để tìm suất trụ hạng. Nếu điều đó xảy ra, thì bóng đá TP.HCM chưa bao giờ có trận “derby” buồn đến thế.

2. Nếu nói bóng đá chuyên nghiệp cần tiền để có thành tích thì chắc chắn bóng đá TP.HCM không thiếu tiền. Đơn giản là vì chi phí để vận hành một đội bóng tại đô thị lớn như TP.HCM không hề nhỏ, nhưng làng cầu này vẫn có 2 đại diện từ năm 2017 đến nay.

Nhưng có một thực tế, cả CLB TP.HCM và Sài Gòn FC đều chưa có ‘đại bản doanh” riêng. Họ phải thuê sân thi đấu lẫn sân tập, trong điều kiện cũng không thể nói là hoàn hảo. Ví dụ như sân tập CLB TP.HCM hiện đang dùng chung với hàng chục sân bóng đá phủi ở Trung tâm thể thao Phú Thọ.

bóng đá Việt Nam, V-League, lịch thi đấu vòng 9 V-League, trực tiếp bóng đá V-League, TPHCM, Sài Gòn FC, HLV Trần Minh Chiến, HLV Phùng Thanh Phương, trực  tiếp bóng đá
Sài Gòn FC đang chôn chân ở đáy bảng xếp hạng sau 8 vòng đấu và vẫn chưa nhìn thấy cánh cửa thoát hiểm. Ảnh: Hoàng Linh

Nghĩa là bóng đá TP.HCM dường như chỉ đang mang một vỏ bọc bóng bẩy, khi bên trong hầu như chẳng có gì. “An cư mới lạc nghiệp”, hai đội bóng TP.HCM chưa có cơ sở riêng thì cũng chẳng hy vọng là họ đủ khả năng “nuôi” các tuyến trẻ một cách thường xuyên, đừng nói gì đến hoạt động đào tạo.

Dù đã chơi V-League hơn 5 năm qua, nhưng nếu chúng ta nhìn vào danh sách các đội tuyển từ U23 đến quốc gia thì sẽ thấy vấn đề lớn nhất của bóng đá TP.HCM chính là nền tảng trẻ. Đội U23 chỉ có 1 cầu thủ là Trần Đình Khương nhưng anh này vốn xuất thân từ đội trẻ Khánh Hòa.

Ở đội U19 vừ đá giải Đông Nam Á, không có cầu thủ đến từ TP.HCM nào ngoài các thành viên của học viện Nutifood JMG đang đóng quân tại…Gia Lai. Còn tại đội U16 quốc gia, bóng đá trẻ TP.HCM cũng chỉ có 1 thành viên. “Vùng trắng” ở các đội tuyển trẻ quốc gia đã phản ảnh một thực tế: TP.HCM không phát triển được bóng đá trẻ.

Trong khi đó, thành công của Hà Nội FC hay Viettel trong nhiều năm qua có dấu ấn đậm nét từ bóng đá trẻ. Những CLB này thi đấu rất thành công ở các giải U19, U17 quốc gia và theo lẽ tự nhiên, họ luôn có nguồn cầu thủ đều đặn để bổ sung cho đội 1 đá V-League.

Đó là công thức thành công của bóng đá Việt Nam trong 5 năm qua, nên khi đứng ngoài cuộc, bóng đá TP.HCM thất bại cũng là chuyện dễ hiểu.

Nhìn rộng hơn, bản sắc của bóng đá TP.HCM chính là bóng đá trẻ. Thời hoàng kim của làng cầu này há chẳng phải được xây dựng trên nền cầu thủ của trường Năng khiếu nghiệp vụ đó sao? Nhưng hơn một thập niên qua, công tác đào tạo bóng đá trẻ của thành phố đã và đang ở đâu, hoàn toàn không thấy có đánh giá cụ thể nào.

Những “ông chủ” của CLB TP.HCM cũng có trung tâm đào tạo riêng, nhưng lại đặt ở Bà Rịa Vũng Tàu, nơi cũng đang có đội bóng chuyên nghiệp đá ở giải hạng Nhất nên cũng không biết các cầu thủ trẻ trưởng thành từ đó liệu có thể xem là sản phẩm của TP.HCM hay không.

Tương tự là trường hợp của Trung tâm PVF vừa được Vingroup chuyển giao cho các “ông chủ” CLB Sài Gòn nhưng trụ sở lại nằm tại Hưng Yên.

Câu chuyện không nằm ở các hệ thống đào tạo “xa nhà” đó, mà là sự thiếu vắng mảng đào tạo tại chỗ ở TP.HCM. Không có trung tâm bóng đá trẻ đặt ở thành phố, thì làm sao có thể khai thác nguồn lực từ trường học hay vùng ven từ chương trình “bóng đá học đường” do LĐBĐ TP.HCM triển khai?

Làm sao để gắn kết được cư dân thành phố với các đội bóng khi con em của họ không có điều kiện luyện tập và cống hiến cho đội bóng của thành phố mình đang sống?

3. Trong nỗ lực có phần mờ nhạt, các ông chủ của 2 đội bóng TP.HCM đều bổ nhiệm các HLV cũng như thành phần ban huấn luyện là những cựu cầu thủ bóng đá thành phố. Sài Gòn FC sau ông Vũ Tiến Thành là ông Phùng Thanh Phương, còn CLB TP.HCM do danh thủ Trần Minh Chiến dẫn dắt. Họ đều là một phần lịch sử của bóng đá thành phố, nhưng hỡi ôi, chỉ là các cái tên chứ “hồn cốt” thì chẳng còn.

Từ năm 2008 đến nay, có 2 lần làng cầu TP.HCM rơi vào tình trạng “vùng trắng”, tức là không còn CLB nào đá V-League. Tính ra, chỉ trong khoảng 15 năm thì bóng đá thành phố chỉ góp mặt tại V-League có 8 năm. Nghiêm trọng hơn, trong khoảng thời gian đó, thành phố “góp mặt” đến 4 cái tên khác nhau. Xét về mặt tỷ lệ, thì bóng đá Sài Gòn kém rất xa so với các địa phương khác.

Có thể nói vấn đề của bóng đá TP.HCM không phải là tiền, mà là cách dùng tiền như thế nào? Không phải tự nhiên mà chẳng ai xác định danh tính các “ông chủ” của 2 đội bóng. Đội TP.HCM được cho là của tập đoàn Vạn Thịnh Phát, còn Sài Gòn FC là một phần trong hệ sinh thái giáo dục – thể thao của tập đoàn Capella Holdings cũng có nguồn gốc từ bất động sản.

Chỉ có điều, các “ông chủ” này đều không ra mặt, dù ai cũng biết là làm bóng đá chuyên nghiệp tại Việt Nam là hình thức “chi nhiều hơn thu”. Vậy thì các “ông chủ” này có thực sự làm bóng đá hay không?

Hay họ chỉ đang xem việc đầu tư cho các CLB như một hình thức “nghĩa vụ”? Và phải chăng vì điều đó mà cả 2 đội bóng đều ở trong trạng thái “thân” ở Sài Gòn nhưng “hồn” thì chẳng biết …về đâu?!

Quang Việt

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm