Bóng đá sẽ đi về đâu sau EURO 2012?

04/07/2012 06:01 GMT+7

(TT&VH Online)- Hỡi các Tifosi “vẫn hạnh phúc dù thua Tây Ban Nha trong trận chung kết”, tôi đang rất buồn dù chưa bao giờ là fan của đội quân Áo Thiên Thanh, vì sau trận đấu niềm tin vào bóng đá đã bị lung lay dữ dội.

Hãy nhìn vào chính Tây Ban Nha, bốn năm trước sức mạnh của tiqui-taca vẫn bị nhiều người nghi ngờ nhưng họ đã chứng minh EURO 2008 Tây Ban Nha là đội mạnh nhất, năm 2010 Đoàn quân đỏ cứu rỗi một World Cup nhàm chán nhất trong lịch sử, đó là những chiến thắng hoàn toàn xứng đáng, là chiến thắng của bóng đá tấn công và là sự tưởng thưởng cho lối đá quyến rũ của mình. Như vậy bóng đá, rất giống cuộc đời (lý do làm nên sự thành công của môn thể thao Vua) : luôn công bằng, luôn có công lý và kết thúc có hậu, như rất nhiều trường hợp sau đây:

-    Pháp vô địch World Cup 98 và EURO 2000, nhưng thua Italia năm 2006 họ dù hai đội không hơn kém nhau là bao, một lý do ngoài chuyên môn có thể đưa ra: Pháp đã giành vinh quang quá nhiều còn thế hệ vàng của Italia lúc đó dù có rất nhiều cầu thủ đẳng cấp vẫn trắng tay, và đó là kết cục hợp lý.

-    Tại Champions League, M.U đã vô địch năm 1999 một cách may mắn nhất trong lịch sử, nhưng không thể phủ nhận thế hệ của họ thật sự hay, phần lớn tự đào tạo và may mắn của đội bóng áo đỏ được tạo ra từ lối chơi nhiệt tình luôn hướng về phía trước.

-    Chelsea vô địch Champions League 2012: Họ không gặp may trong một thời gian dài: thua Liverpool bằng bàn thắng ma, thua M.U trên chấm luân lưu, thua Barca vì trọng tài... nhưng mùa cuối cùng, cơ hội cuối cùng của thế hệ đã cống hiến quá nhiều, ông trời đã trả lại cho họ cái mà họ đáng được nhận ít nhất một lần – dù mùa cuối không phải mùa hay nhất của họ (Cũng phải nói thêm rằng không có bàn thắng nào “Rùa” trong suốt cuộc hành trình cả: Ngược dòng quật cường trước Napoli; phải đá trận lượt về trên sân Barca, bị dẫn trước, bị đuổi người. Đá trận chung kết trên sân khách, tổn thất lực lượng hơn đội chủ nhà). Dường như thượng đế không phụ lòng ai cả, chỉ cần có quyết tâm, lòng kiên trì rồi thì sẽ có thành công.



Italia và TBN đại chiến tại chung kết EURO 2012- Ảnh Getty

Luôn có lý do để người ta chiến thắng một cách xứng đáng. Vậy chúng ta hãy nhìn lại nhà vô địch EURO năm nay và đặt ra một câu hỏi (dù đối với nhiều người là ngớ ngẩn): Họ vô địch để làm gì? Tây Ban Nha được cả thế giới hoan nghênh vì vô địch World Cup 2010 dù đã chiến thắng ở EURO hai năm trước, người ta xem tiqui-taca là cứu tinh của bóng đá. 2012 các chàng trai áo đỏ lên ngôi hầu như không nhờ may mắn và cũng chẳng có tình huống gây tranh cãi nào ảnh hưởng đến kết quả các trận đấu, nhưng ít nhất cũng phải có một lý do nào đó để người ta thấy thỏa mãn với kết quả này chứ:

Lối chơi? Giữa một EURO nhàm chán, Tây Ban Nha nổi lên như là một tập thể có khả năng gây buồn ngủ cho khán giả nhất.       

Đội quân hùng mạnh nhất thế giới, không chơi tiền đạo, chuyền bóng cả trận và mong một trong các đường chuyền trở thành bàn thắng. Người Anh và Pháp sợ rằng đi hơi xa khỏi khung thành thì bị đối phương tấn công, còn người Tây Ban Nha, nói một cách hài hước và hơi tiêu cực, thậm chí còn nhát gan hơn: sợ đối thủ có bóng, không dám sút nhiều (sút mà hỏng thì thủ môn đối phương lại có bóng để phát lên) nên cũng hạn chế dùng những Torres, Llorente… Có một kiểu chơi bị cho là quá xấu và không ai dùng: chuyền bóng qua lại ở sân nhà để chờ hết giờ. Nhưng chiến thuật của nhà đương kim vô địch thì không bị đánh giá nặng nề như vậy, vì có một điểm khác biệt: địa điểm chuyền bóng chủ yếu trên sân đối phương. Với một đội yếu phải co cụm phòng ngự thì không nói làm gì, nhưng với tư cách là đội mạnh nhất mà phải đá vậy thì có thể hiểu tại sao không ít cổ động viên đã không giấu nổi thất vọng với đội bóng con cưng của mình (Những tiếng huýt sáo trong trận đấu với Bồ Đào Nha là bằng chứng rõ nhất).

Tây Ban Nha gây thất vọng, vậy giờ phải hy vọng vào ai, ai là ngôi sao sáng nhất giữa trời đêm Ukraina tăm tối? Câu trả lời là Italia - những người con của “Đất nước hình chiếc ủng” đã lặn lội đến tham dự trong những tháng ngày giông bão nhất của họ. Từ trận mở màn cho đến trận chung kết: Italia đã chơi tấn công, dù đó là trước những nhà đương kim vô địch, hay trước những đại diện của giải bóng đá sôi động nhất hành tinh (Premier League),  chuyện giống như Tuyết tháng Tư vậy. Dũng cảm không? - Có. Vì sở trường của họ không phải là tiqui-taca của Cơn cuồng phong màu đỏ, vì lực lượng của họ vốn đã chẳng mạnh lại bị tổn thất hơn nhiều những người tự coi mình là khốn khổ bên kia chiến tuyến (Thông tin cho những ai nghĩ rằng Anh buộc phải đá như vậy do điều kiện nhân sự không thuận lợi: Hàng tứ vệ gần như hoàn hảo nhất giải: Johnson – Terry – Lescott – Cole + Joe Hart. Tiền vệ: Lampart chấn thương ư? Lampard đá cùng Gerrard có hay bao giờ, Young, Milner, Parker ở đẳng cấp nào? (Đó là còn chưa kể đến dự bị). Tiền đạo: Rooney đã trở lại vào thời điểm quan trọng nhất, không thì đã có Walcott và  Andy Carroll… nhưng đội quân có biệt danh rất kêu: “Những chú sư tử Anh” vẫn đá như thể mình là một đàn hươu đang bị săn mồi.)

Và vì thế Italia xứng đáng chiến thắng, xứng đáng là đội đáng xem nhất giải. Các fan trung lập kỳ vọng các chàng trai xứ Mỳ ống sẽ sắm vai người hùng giải cứu Châu Âu (EURO). Nhưng các Avengers  (Biệt đội siêu anh hùng bảo vệ thế giới trong bộ phim bom tấn của Hollywood) trong đó có Người khổng lồ Xanh Balotelli đã thua. Thua? Thì sao? Thắng thua là chuyện thường tình. Nhưng khi mà các Avengers thua khi bảo vệ Trái Đất, số phận loài người sẽ ra sao? Còn trong bóng đá, người hùng Italia thua rồi, bóng đá sẽ đi về đâu. Có 2 xu hướng chiến thuật chủ đạo:

1.    Tập trung hết quân gần khung thành, không tấn công cũng được, mong sao có một tình huống may mắn (Anh, Pháp)

2.    Không đá tiền đạo (những người chỉ biết sút), chuyền bóng lòng vòng, thà không vào chứ không chịu mất bóng (Phỏng theo phong cách của các nhà đương kim vô địch)

Bóng đá là môn thể thao được nhiều quốc gia hâm mộ nhất, nhưng chưa chắc đã đứng nhất về số lượng người yêu thích: Mỹ - Trung Quốc- Ấn Độ, tại những quốc gia đông dân nhất hành tinh này bóng đá không phải là số một. Tiêu biểu là Mỹ, đối với người Mỹ một trận đấu phải có thật nhiều bàn thắng để được ăn mừng liên tục (Bóng rổ, Bóng Bầu dục, Bóng chày…) hoặc sau mỗi pha bóng đều phải có điểm (Tennis), họ không thể hình dung được việc ngồi xem một trận đấu dài đến 90 phút (nhiều khi hơn) mà có khi chả có bàn thắng nào được ghi - một tính cách rất thực dụng, nhưng cũng chỉ ra điểm yếu của bóng đá: Bóng đá hay thật nhưng không phải khi nào cũng hấp dẫn, có những trận đấu vô cùng tẻ nhạt. Yếu tố cảm xúc (thường vô cùng mãnh liệt và “giàu có” trong các trận đấu mang tính quyết định) cùng với các tình huống hết sức đa dạng và phức tạp trên sân – vốn là những thứ có thể áp đảo được các môn thể thao khác, hoàn toàn có thể mất đi thì vì những toan tính (xin lỗi các nhà vô đich) hết sức nhỏ mọn, đầy tính chiến thuật nhưng thiếu thực tế. Người Tây Ban Nha sẽ phản bác rằng họ vẫn vô địch đấy thôi, nhưng hãy nhìn Barca – con cưng của họ vẫn quyến rũ và hiệu quả với 4-6-0, đó là vì đội bóng xứ Catalan có Messi – người mà tài năng không cần phải bàn thêm, có hậu vệ kiêm tiền đạo cánh người Brazil Daniel Alves, có một trong mười cầu thủ nhanh nhất thế giới Alexis Sanchez. Còn đội tuyển của họ dành phần lớn thời gian để bôi xấu tiqui-taca với toàn thế giới.

Không còn đa dạng trên sân, Bóng đá chỉ còn trơ lại Bàn thắng – cái nghèo nhất của môn thể thao Vua. Người ta có thể sẽ chuyển sang những thứ bóng khác, như bóng rổ chẳng hạn – môn thể thao mà trong trận trung bình có hơn 100 bàn thắng cho mỗi đội.

Bóng đá sẽ đi về đâu nếu còn những giải đấu như EURO 2012?

Trần Công Hưng

* Bài viết thể hiện quan điểm của cá nhân độc giả. Bạn đọc có thể phản hồi ngay trong mục comment dưới đây, hoặc gửi ý kiến, bài vở về địa chỉ hòm thư điện tử quocte.ttvhonline@gmail.com.

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm