EURO vẫn là mỏ vàng, nhưng Champions League thì không

21/03/2020 07:18 GMT+7 | Champions League

(Thethaovanhoa.vn) - Dịch Covid-19 đang đảo lộn hoàn toàn kế hoạch tổ chức các giải đấu ở châu Âu trong năm 2020. Thách thức cho Liên đoàn bóng đá châu Âu (UEFA) là giảm thiểu tác động kinh tế tới các CLB và đội tuyển quốc gia.

MU gặp rắc rối với hợp đồng của Odion Ighalo vì Covid-19

MU gặp rắc rối với hợp đồng của Odion Ighalo vì Covid-19

Odion Ighalo có hợp đồng với MU đến ngày 30/6 và do ảnh hưởng của dịch COVID-19, “Quỷ đỏ” có thể mất sự phục vụ của cầu thủ người Nigeria khi mà Premier League có thể thi đấu vào tháng Bảy năm nay.

Ai cũng muốn mọi chuyện được giải quyết sớm nhất có thể khi rơi vào bất cứ cuộc khủng hoảng hay khó khăn nào. Phía UEFA trong suy nghĩ của mình về quyết định đầu tiên liên quan đến các giải đấu trong năm 2020, cũng chọn một phương án dễ nhất (và ít người phản đối nhất): Đẩy EURO 2020 lùi lại 12 tháng so với dự kiến.

EURO bị hoãn? Vẫn là miếng mồi béo bở

Những thách thức vẫn chưa chịu rời đi. Trước mắt tổ chức quyền lực nhất của bóng đá châu Âu là một vấn đề lớn hơn: Tìm ra lịch thi đấu phù hợp cho các giải đấu châu lục còn lại trong năm 2020, cũng như đánh giá và giảm thiểu tác động kinh tế từ việc kế hoạch thi đấu bị xáo trộn.

Phía UEFA khẳng định việc hoãn EURO 2020 sẽ gây thiệt hại kinh tế khoảng 300 triệu euro (327 triệu USD), trong khi kịch bản tệ nhất là hủy bỏ giải đấu ấy sẽ lấy đi số tiền xấp xỉ 400 triệu euro (436 triệu USD). Khoan hãy vội lo lắng, bởi nếu EURO vẫn được tổ chức vào mùa hè 2021 như thông báo chính thức hôm thứ Ba vừa rồi, UEFA dự kiến bỏ túi nguồn thu lên tới 2,1 tỷ euro (2,5 tỷ USD). Con số này thừa sức bù đắp thiệt hại trong ngắn hạn từ việc giải đấu không thể tổ chức đúng dịp sinh nhật 60 năm. UEFA tìm mọi cách tổ chức giải đấu này bằng mọi giá có lý của riêng mình, bởi họ sẽ không thể tìm đâu ra nguồn bù đắp nào khác nếu phải hủy giải đấu này.

Tại sao vậy? Tiền chảy vào nguồn thu của UEFA thực chất không phải tiền riêng của họ. UEFA sẽ phải phân bổ nguồn thu ấy vào tiền thưởng cho các CLB tham dự Champions League và Europa League, cũng như tiền hỗ trợ các liên đoàn bóng đá, đội tuyển quốc gia tham dự giải đấu do UEFA tổ chức.

Nếu cần tính thuyết phục cao hơn, hãy nhìn vào tỷ lệ hơn 85% doanh thu mùa 2017-18 của UEFA phải phân bổ cho các CLB, đội tuyển tham dự các sân chơi châu lục, những liên đoàn bóng đá có liên quan và các khoản chi cố định. 9,4% tiếp theo hướng đến ban tổ chức, đội ngũ trọng tài, nhân viên liên quan đến trận đấu cũng như các đơn vị nắm giữ bản quyền truyền hình. Chỉ khoảng gần 3% còn lại mới được tính vào quỹ lương cho các nhân viên trong tổ chức bóng đá quyền lực nhất châu Âu.

Chú thích ảnh
Thách thức với UEFA là giảm thiểu thiệt hại từ việc đảo lộn kế hoạch tổ chức các giải đấu do Covid-19, từ EURO đến Champions League

Nỗi lo về Champions League và Europa League

Trong khi EURO dẫu sao vẫn được đảm bảo cố định về thời gian và cách thức tổ chức giải đấu, những dấu hỏi về Champions League và Europa League, hai sân chơi dành cho các CLB ở châu Âu lại rất rõ ràng. Con số 300 triệu euro thâm hụt của UEFA hoàn toàn có thể bị nới rộng nếu các đơn vị sở hữu bản quyền truyền hình và đối tác thương mại tìm cách đòi lại số tiền họ đã bỏ ra cho hai giải đấu nói trên. Trong hợp đồng tài trợ của các đối tác nói trên chắc chắn đã có những điều khoản về sự hiện diện của họ trong số lượng trận đấu nhất định mỗi mùa. Giờ những gì họ nhận được ít nhất ở mùa này sẽ giảm đi đáng kể khi hai giải đấu nói trên nhiều khả năng sẽ phải đi theo mô hình giảm số trận đấu nhằm đảm bảo mục tiêu kết thúc muộn nhất là 30/6.

Đáng chú ý, khoản tiền chia cho các quốc gia hay CLB không hề giống nhau. Những CLB hàng đầu từ các thị trường truyền hình tiềm năng mới là những người được hưởng lợi lớn nhất. Các đơn vị nắm bản quyền truyền hình ở những nước nhỏ như Luxembourg hay Lithuania chi tiền mua những giải đấu lớn như Champions League để phục vụ lượng khán giả xem các trận đấu của những đội bóng tên tuổi như Real Madrid hay Liverpool, chứ không phải một đội bóng lần đầu hiện diện cỡ như Krasnodar (Nga) hay Dinamo Zagreb (Croatia).

Trách nhiệm vì thế sẽ đặt lên vai nhóm chuyên trách của UEFA. Chia một khoản tiền đã bị giảm đi cho quá nhiều tập thể có nhu cầu là chuyện hết sức rắc rối. Họ có thể phải nghĩ đến việc đem ra khoản dự trữ hiện có (ước tính khoảng nửa tỷ USD) hoặc chấp nhận nới lỏng Luật công bằng tài chính.

Điều tích cực rõ ràng nhất vào thời điểm này là sự hợp tác giữa UEFA và FIFA trong việc giải quyết tác động của Covid-19. FIFA đồng ý dời FIFA Club World Cup dự kiến vào mùa hè 2021 sang một thời điểm khác để dọn đường cho EURO. Quả bóng bây giờ chỉ còn nằm trong chân UEFA: Làm thế nào để dung hòa và giảm thiểu thiệt hại của virus corona đến các giải đấu trong năm nay?

Đức Hùng (Tổng hợp)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm