19/08/2022 21:00 GMT+7
Sau mùa giải kém nhất trong kỷ nguyên Premier League, MU tiếp tục lận đận khi bước vào chiến dịch mới. Erik ten Hag cần phản ứng trước khi mọi chuyện quá muộn.
HLV Ten Hag không chỉ phải thay đổi lối chơi với những con người phù hợp mà ông có trong tay hiện nay, mà quan trọng nhất là thể hiện bản lĩnh để áp đặt yếu tố kỷ luật cho tập thể.
Đến lúc Ten Hag phải hành động
Nếu luật bóng đá cho phép, Ten Hag có lẽ đã thay toàn bộ đội hình MU trong trận thua Brentford ở vòng 2 Premier League. Cả 4 bàn thua diễn ra ngay trong hiệp một, cách nhau vỏn vẹn 25 phút. “Các cầu thủ đã không tuân thủ chiến thuật”, vị HLV người Hà Lan thẳng thắn. Sự khởi đầu thảm họa gợi nhớ về màn ra mắt của David Moyes sau khi Sir Alex Ferguson nghỉ hưu. Ngày ấy, họ bắt đầu mùa giải bằng trận thua Newcastle ngay trên sân nhà.
Với Moyes, lần đầu tiên MU - với tư cách ĐKVĐ - thua trận mở màn sân nhà kể từ 2002, cũng là lần đầu tiên Newcastle rời Old Trafford với 3 điểm tính từ thời điểm 1975. Bây giờ, với Ten Hag, Brighton lần đầu tiên trong lịch sử thắng MU trên sân khách, trong khi Brentford có chiến thắng đậm nhất lịch sử giải đấu cao nhất bóng đá Anh. Moyes sớm bị sa thải và Ten Hag phải lấy đó làm bài học cho mình.
HLV Ten Hag đang cố gắng áp dụng phong cách yêu thích của mình cho MU, với lối chơi triển khai bóng từ sau. Việc thiếu nhân tố phù hợp, nhất là Frenkie de Jong mà Ten Hag yêu thích, khiến lối đá này tạo rất nhiều cơ hội cho đối thủ ghi bàn. Một nửa số bàn mà Brentford ghi được xuất phát từ những đường bóng hỏng của MU phía trước khu cấm địa nhà. Lisandro Martinez tổ chức bóng không tốt, trong khi các tiền vệ được sử dụng thi đấu thảm họa.
Sau 180 phút, MU thủng lưới nhiều nhất, 6 bàn, ngang với Leicester và Southampton. Ngược lại, chỉ có 1 bàn được ghi, khác xa chuyến du đấu Thái Lan và Australia. MU kiểm soát bóng trung bình 64%, chỉ thua Man City (70%) và Liverpool (69%). Họ nằm trong Top 4 đội đưa bóng lên 1/3 cuối sân nhiều nhất. Chưa hết, “Quỷ đỏ” đạt chính xác 78,86% đường chuyền trên phần sân đối phương, sau Man City (87,54%) và Chelsea (80,84%). Ngược lại, chưa có cầu thủ MU nào tạo được cơ hội ăn bàn. Ở Premier League, Liverpool và Man City hiện đang dẫn đầu về chỉ số này, với 28 đường chuyền có khả năng dẫn đến bàn thắng. 3 đội khác giống như MU là West Ham, Everton và Nottingham Forest.
Chỉ số tạo cơ hội tệ đến thế giải thích hiệu suất tấn công kém của MU. Họ dứt điểm 21 lần, chỉ sau Man City và Liverpool (cùng 23), để rồi bàn duy nhất cho đến nay là pha phản lưới của đối phương (Mac Allister của Brighton). Như vậy, trước khi nghĩ đến De Jong hoặc một tiền vệ nào đó giỏi khâu tổ chức, Ten Hag cần điều chỉnh cách chơi cho phù hợp với tình hình chung.
Chờ đợi bản lĩnh và kỷ luật
Có một chỉ số kỳ lạ: MU, cùng với Southampton, có nhiều pha đánh chặn nhất, 27 lần. Nhưng thống kê này không nói lên sự chắc chắn của đội hình, mà chỉ rõ một hệ thống lỏng lẻo khiến từng cá nhân phải hoạt động chật vật. Trong hệ thống ấy, Harry Maguire không tạo được độ an toàn cần thiết. Chất lượng chuyên môn thấp, anh đồng thời không truyền được tinh thần cho đồng đội mà một người đội trưởng cần phải có.
Một người đội trưởng dẫn đội đứng sai vị trí đường hầm (trận Brighton) là không thể chấp nhận. Chính điều này thể hiện rõ hơn tâm lý không vững của Maguire và anh không có tố chất thủ lĩnh. Vấn đề của Maguire khiến đội mất đi cá tính và các cầu thủ không thoải mái khi thi đấu. Họ cần một thủ lĩnh thực sự, có khả năng chỉ huy và khích lệ tinh thần chiến đấu.
Khi vừa đến Carrington, Ten Hag tuyên bố muốn áp dụng kỷ luật cao và đưa ra một số quy định nội bộ. Tuy nhiên, ông chưa đủ bản lĩnh để có thể áp đặt kỷ luật lên các ngôi sao mà tiền lương tỷ lệ nghịch với thái độ thi đấu. Thay đổi đội trưởng là một cách để ông khẳng định quyền lực của mình. Thay De Gea, người trực tiếp mắc lỗi trong hai bàn thua đầu tiên trước Brentford, là không dễ, vì Henderson đã bị đẩy sang Nottingham, nhưng chọn người thích hợp hơn làm thủ quân hứa hẹn giúp Ten Hag gần gũi hơn với đội. Đến lúc đó, ông có thể kiểm soát được tập thể.
Tất nhiên, Ten Hag cũng cần mạnh mẽ trong việc giải quyết vấn đề Cristiano Ronaldo, một trong những nguyên nhân lớn khiến nội bộ thiếu đoàn kết. Án phạt nội bộ cho CR7 cần thiết để Ten Hag khẳng định quyền lực của mình, thay vì phải nhìn cảm xúc của cầu thủ để đưa ra quyết định. Ten Hag phải có hành động cụ thể để tự giúp mình và chờ quân tiếp viện, chứ không ai giúp ông.
Ngọc Linh
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất