Bóng đá Đông Nam Á với thầy nội: Hiếm khi thành công

08/12/2012 08:30 GMT+7 | AFF Cup 2012

(Thethaovanhoa.vn) - Sau thất bại cùng với ĐT Việt Nam tại AFF Cup 2012, HLV Phan Thanh Hùng đã chính thức đệ đơn xin từ chức và được VFF chấp thuận. Xét cho cùng, đây cũng không phải là một kết cục quá bất ngờ bởi nhìn sang các quốc gia của khu vực Đông Nam Á trong vòng 10 năm trở lại đây, cũng không có mấy HLV nội giành được thành công khi dẫn dắt ĐTQG.

Sự vươn lên của ĐT Philippines ở giải khu vực 3 năm gần đây in đậm dấu ấn của HLV ngoại
và dàn ngoại binh nhập tịch. Ảnh: Kim Ngọc

Trước đây, trong những năm cuối của thập niên 90 của thế kỷ trước, ĐT Thái Lan liên tục sử dụng các HLV nội (Worawit Sumpachanyasathit, Chatchai Paholpat, Arjhan Srongngamsub, Thawatchai, Sartjakul, Withaya Laohakul) và gặt hái được không ít thành công với 4 chức vô địch SEA Games liên tiếp từ năm 1993 đến năm 1999, vô địch Tiger Cup 1996, lọt vào bán kết Asian Games 1998.

Tuy nhiên, trong vòng 10 năm trở lại đây, bóng đá Thái Lan chỉ còn đặt niềm tin vào 2 ông thầy nội. Gần đây nhất là HLV Charnwit Polcheewin dẫn dắt ĐT Thái Lan từ đầu năm 2005 đến tháng 6 năm 2008 với thành tích đáng kể nhất là giành ngôi á quân AFF Cup 2007.

Còn trước đó là HLV Chatchai Paholpat mới chỉ vẻn vẹn 3 tháng cầm quân (từ 6/2004 đến 9/2004) đã phải “khăn gói ra đi” sau khi ĐT Thái Lan không vượt qua được vòng bảng của Asian Cup 2004.

Nhìn sang xứ sở vạn đảo, bóng đá Indonesia trong vòng một thập kỷ gần đây cũng không mấy mặn mà với HLV nội. Bằng chứng là trong số 7 HLV trưởng của ĐT Indonesia từ năm 2002 đến nay, cũng chỉ có đúng 2 ông thầy nội. Người đầu tiên là Benny Dollo - dẫn dắt ĐT Indonesia trong giai đoạn 2008-2010 với thành tích tốt nhất là giành ngôi á quân AFF Cup 2010.

Còn đầu năm 2012, bóng đá xứ sở vạn đảo lần thứ 2 dũng cảm “trao gửi” niềm tin cho một ông thầy nội khác là Nil Maizar. Tuy nhiên, với việc phải dừng chân ngay từ vòng đấu bảng AFF Cup 2012 (giống như ĐT Việt Nam), tương lai của HLV Nil Maizar đang bị đặt dấu hỏi.

Cũng giống như Indonesia, Philippines và Myanmar trong vòng 10 năm qua cũng chỉ trọng dụng có đúng 2 ông thầy nội. Đối với Philippines là HLV Aris Caslib (2004-2007, 2009) và HLV Norman Fegidero (2008) nhưng cả 2 đều không để lại được bất kỳ dấu ấn gì trong thời gian cầm quân.

Bóng đá Philippines chỉ bắt đầu khởi sắc trong vòng 3 năm trở lại đây khi quay trở lại với các ông thầy ngoại là Simon Mc Menemy (2010) và Michael Weiss (từ 2011 đến nay). Còn đối với Myanmar, 2 ông thầy nội Sann Win và Tim Myint Aung cũng không giành được thành tích gì trong khoảng thời gian “tại vị” ngắn ngủi của mình (đều dưới một năm).

Rõ ràng là trong vòng 10 năm trở lại đây, phần lớn các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á đều đã từng “thử” sử dụng HLV nội nhưng rất hiếm khi giành được thành công như mong đợi. Chính vì thế, không phải là vô cớ mà Singapore từ trước đến nay vẫn kiên quyết nói không với các HLV nội và cũng mới chỉ sử dụng đúng 2 HLV ngoại trong vòng 10 năm qua là Poulsen (2000-2002) và Avramovich (từ 2003 đến nay).

Ở khu vực Đông Nam Á, có lẽ chỉ có Malaysia là mạnh dạn và trung thành nhất với chính sách sử dụng các nhà cầm quân nội trong vòng một thập kỷ trở lại đây. Đầu tiên là HLV Rajagopal (năm 2004), sau đó là đến HLV Nozian Bakar (2005-2007) và HLV Sathianathan (2007-2008).

Tất cả đều thất bại nhưng LĐBĐ Malaysia (FAM) vẫn kiên trì với chính sách của mình, để rồi cuối cùng trong thời gian gần đây Malaysia liên tiếp gặt hái được những “quả ngọt” ở đấu trường khu vực.

Trong lần thứ 2 nắm quyền (kể từ năm 2009), HLV Rajagopal đã giúp bóng đá Malaysia 2 năm liên tiếp xưng vương ở đấu trường khu vực: năm 2009 là chức vô địch SEA Games 25 (cùng ĐT U23) và năm 2010 là chức vô địch AFF Cup (cùng với ĐTQG). Đấy là chưa kể tới một HLV nội khác là Ong Kim Swee cũng đã thành công khi giúp U23 Malaysia bảo vệ thành công chức vô địch ở SEA Games 26.

Thành Quang
Thể thao & Văn hóa


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm