Bóng đá Đông Nam Á nhìn từ Vientiane

10/09/2015 18:09 GMT+7 | Bóng đá Việt

(Thethaovanhoa.vn) - Giải bóng đá U19 Đông Nam Á vừa kết thúc với bao cảm xúc vui buồn lẫn lộn. Có mặt tại Vientiane (Lào), phóng viên báo Thể thao & Văn hóa ghi nhận bức tranh toàn cảnh về bóng đá Đông Nam Á đang có những chuyển dịch phức tạp.

1. Đêm trước trận chung kết giữa U19 Việt Nam - U19 Thái Lan,  chúng tôi ngồi vừa uống cà phê bên bờ sông Mê Kông  vừa lướt mạng xem tin tức bóng đá Đông Nam Á.  Phó Chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn thi thoảng  lại “ối! ối!” cảm thán vì các đội bóng khu vực thua tơi tả.

Đúng là không khỏi chán nản, thất vọng và cả xấu hổ khi 6 đội trong một ngày để thua đến 38 bàn. Trong đó, Malaysia, biểu tượng mới của bóng đá khu vực thảm bại đến 0-10 trên sân của UAE. Thất bại này nâng tổng số bàn thua của đội bóng từng nhiều lần vô địch AFF Suzuki Cup lên con số 16 sau hai trận liên tiếp. Lần trước, họ thua Palestine với tỷ số 0-6. Hàn Quốc thắng Lào 8-0, Kuwait hạ Myanmar 9-0.

Bóng đá Đông Nam Á đã có nhiều nỗ lực vươn lên trong bức tranh toàn cảnh bóng đá thế giới. Dù thế, sự phát triển manh mún, nặng thành tích, nền tảng không được coi trọng, tiêu cực leo thang…,  khiến cho vài thập niên trở lại đây các nước trong khu vực vẫn không thể vươn được ra xa.

Malaysia tưởng đã thăng hoa sau khi dành vị trí số 1 tại SEA Games từ năm 2009, AFF Cup, giờ đây họ đang gây ám ảnh cho khán giả về sự thoái trào, khi trận tranh HCĐ giải vô địch U19 Đông Nam Á còn để thua cả U19 Lào.


Cả Việt Nam lẫn Malaysia đều bị tụt lại phía sau so với Thái Lan

Cách đây 6 năm, SEA Games 2009 cũng trên đất Lào, người viết chứng kiến trận bán kết Malaysia thắng Thái Lan. Tiến vào trận chung kết gặp Việt Nam, Malaysia đã khiến hàng triệu khán giả Việt tan nát, dù vòng bảng thầy trò HLV Calisto lấy trọn 3 điểm quá dễ dàng trước người Mã.

Từ đó người ta thấy sự vươn lên mạnh mẽ của bóng đá Malaysia, và đã cả mừng. Vậy mà, người Mã chỉ giữ được chu kỳ phát triển chỉ dăm năm mà thôi. U19 lần này được tạo điều kiện đi châu Âu tập huấn với 11 trận đấu, cũng không làm nên kỳ tích như họ tuyên bố trước giải.

2. Bóng đá cần cảm hứng, cần những khoảnh khắc mang tính bước ngoặt lịch sử để “rũ bùn đứng dậy”. Đấy cũng là tâm trạng của chúng ta, hôm đá chung kết với U19 Thái Lan.

Cuối cùng, không có cổ tích, Thái Lan vẫn vô địch một cách thuyết phục tuyệt đối.

Cách làm của người Thái vẫn thế, vô cùng chuyên nghiệp, nghiêm  túc, trong công tác chuẩn bị, trong thái độ chơi bóng, và trong việc xây dựng bản sắc, triết lý cho riêng mình. Nhìn U19 Thái Lan chơi bóng, người ta thấy hình hài của niềm tin, hy vọng, sự phát triển rõ ràng.

Nên nhớ, Thái Lan đã quá no nê thành tích ở các giải trong khu vực. Chúng ta chỉ một lần vô địch AFF Cup, SEA Games gần nửa thế kỷ chưa một lần đăng quang.

Vậy thì cơ sở nào để U19 Việt Nam, bóng đá Việt Nam nói chung, có thể vượt qua được bóng đá Thái?

Ngay cả lứa U19 thế hệ Công Phượng, được đào tạo bài bản, “tiền hô, hậu ủng”, được đi tập huấn châu Âu, Nhật Bản, cũng không thể vượt qua Thái Lan để vô địch.

 U19 Việt Nam đến Vientiane chỉ có sự chuẩn bị 1 tháng, với 6 trận đấu với các đội bóng “hạng ruồi”. Chế độ đãi ngộ cho HLV trưởng và cầu thủ quá thấp. Ông Hoàng Anh Tuấn chỉ được nhận lương 15 triệu đồng/ tháng.

Trong bối cảnh đó, U19 Việt Nam thua 0-6 trước Thái Lan là hoàn toàn dễ hiểu. Ngay cả trước vòng loại U19 châu Á sắp diễn ra tại Myanmar, dự định đi tập huấn nước ngoài của U19 Việt Nam đã phá sản, chỉ quanh quẩn với các đối thủ cọ xát trong nước.

Sau trận thua U19 Thái Lan, một sự bi quan, mất niềm tin về bóng đá Việt thực sự bao phủ cả nền bóng đá quốc nội. Rõ ràng, năng lực điều hành nền bóng đá của VFF là chưa tốt. Hệ thống giải đấu chuyên nghiệp vẫn chỉ tồn tại ở mức “nghiệp dư lĩnh lương cao”.

Tài năng cầu thủ Việt không thiếu, nhưng sự đầu tư cho các tuyến U là quá mỏng.

Bóng đá Việt sẽ đi về đâu, với một thực trạng đáng buồn như thế?

3. Thế giới coi bóng đá Đông Nam Á là “ao làng” là đúng với bản chất. Cũng không phải vô lối khi nhiều HLV, cầu thủ châu Âu từng so sánh, cạnh khóe về bóng đá Việt Nam.

Vậy thì nhóm thứ 2, thứ 3 của bóng đá Đông Nam Á càng bi đát hơn.

Chúng ta cùng nói về bóng đá Lào. Tấm HCĐ do HLV người Việt mang lại cho họ khiến bóng đá Lào đi vào lịch sử với danh hiệu chính thức đầu tiên tại khu vực. Tuy thế, sự hân hoan của người Lào chỉ theo khuynh hướng thỏa mãn niềm vui là chính. Người Lào yêu thích không khí lễ hội, vô cùng ham chơi. 8h30 sáng làm việc xuyên trưa, 15h30 từ nhà nước đến tư nhân đều đóng cửa nghỉ ngơi.

Cho nên, lần đầu tiên có tấm huy chương lịch sử của bóng đá Lào không được họ đón nhận là nguồn cảm hứng lớn, cơ hội để phát triển bóng đá xứ Triệu Voi. SEA Games năm 2009, Lào vào bán kết cũng là lịch sử, rồi đi vào lãng quên. Cầu thủ Lào tố chất tốt, đá với họ rất khó chịu. Có điều, lương, thưởng thấp, nên không đánh thức được tiềm năng.

Câu chuyện Lào vào bán kết được thưởng 1 con bò để cầu thủ liên hoan, vẫn như câu chuyện vui. HLV Phan Tôn Lợi, trong trận bán kết gặp Việt Nam, bị Phó Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Lào đề nghị không được chỉ đạo. Thế là ông Lợi phải ngồi im thin thít trong ca bin, điều đó làm người ta vô cùng ngạc nhiên.

Tối hôm thua trận chung kết, chúng tôi thấy quá thương cảm khi thấy một nhóm CĐV lặn lội từ Hải Phòng sang, thần sắc tả tơi sau chuyến đi vất vả, cùng chấn thương tâm lý khi U19 Việt Nam thua. Họ sang bắt tay động viên  lãnh đạo VFF, HLV Hoàng Anh Tuấn, bảo “thôi đừng buồn nữa, sức chúng ta chỉ thế thôi, đừng buồn nữa các anh ạ!”. Và rồi,  hai bên cứ động viên nhau qua lại.

CĐV chúng ta luôn tuyệt vời. Có điều, cũng phải nói thẳng, văn hóa cổ vũ còn thấp. CĐV đốt pháo sáng ầm ầm ngay khi trận đấu mới diễn ra vài phút. Đang “oai” như thế, nhưng U19 Việt Nam thua thì xìu xuống như bánh đa nhúng nước. Họ bỏ về khi tận đấu còn chục phút, thế là không công bằng với thầy trò Hoàng Anh Tuấn. Trong khi, Hội CĐV Thái Lan vô cùng chuyên nghiệp, họ dành thời gian để làm trọn sứ mệnh của mình, không cần xem trên sân đang đá thế nào, thắng thua ra sao.

“Cầu thủ trẻ sốc quá. Tôi cũng hoang mang, chán chường lắm về con đường bóng đá. Sau chuyến này, có lẽ tôi sẽ chia tay bóng đá thôi bạn ạ. Bóng đá Việt giờ không có lối thoát sáng sủa”.

Đấy là tâm sự của HLV thủ môn U19 quốc gia, Võ Văn Hạnh. Hạnh là một chiến binh đích thực, mấy năm nay đầu quân cho lò PVF, đang nuôi hoài bão về nghiệp cầm quân, nhưng đã không còn niềm tin vào bóng đá Việt, vào nghề HLV đang theo đuổi.

Bóng đá Đông Nam Á, bóng đá Việt Nam đang phát triển ở mức bi quan nhất. Có lẽ, trong các vấn đề cần cách mạng, trước hết phải bắt đầu từ Liên đoàn bóng đá các nước. Khi lãnh đạo các liên đoàn đủ tâm, tầm, tự khắc sẽ tạo được niềm tin để xã hội ủng hộ, đầu tư.

Hữu Quý
Thể thao & Văn hóa cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm