Bọn đầu trọc Nga - chúng là ai?

13/01/2009 11:00 GMT+7 | Trong nước

(TT&VH) - Cái chết oan nghiệt của sinh viên Việt nam 20 tuổi Tăng Quốc Bình hôm 9/11 vừa rồi cũng như một loạt vụ giết hại người nước ngoài ở thủ đô Moskva trong thời gian gần đây cho thấy lực lượng đầu trọc ở Nga lại gia tăng các hoạt động tội ác. Điều đó khiến người ta một lần nữa đặt ra câu hỏi: Bọn đầu trọc - chúng là ai?
 

Từ một phong trào văn hóa nhóm

Thành viên lực lượng
đầu trọc Nga 
Vào cuối những năm 1950, sự bùng nổ kinh tế của nước Anh thời hậu chiến đã dẫn tới việc kiếm tiền trở nên dễ dàng hơn và một bộ phận thanh niên vốn thuộc tầng lớp dân nghèo ở Anh đã sử dụng khoản thu nhập dễ kiếm để tiêu vào các loại quần áo theo mốt các nhóm nhạc soul ở Mỹ, các ban nhạc R&B ở Anh, một số diễn viên điện ảnh... Những thanh niên này được gọi là những “người tân thời” (mod), một phong trào văn hóa nhóm.

Khoảng năm 1965, một sự chia rẽ hình thành trong phong trào nói trên dẫn tới việc có một nhóm tách ra phát triển thành phong trào riêng, có xu hướng chống đối giai cấp tư sản và những đặc điểm của giai cấp đó như đi xe mô tô, mặc áo da, nghe nhạc rock. Họ thích nhấn mạnh tới nguồn gốc lao động của mình, ăn mặc như phu khuân vác và cạo trọc đầu. Vì thế đây còn được gọi là phong trào đầu trọc (skinhead).

Văn hóa đầu trọc trở nên phổ biến vào cuối những năm 1960, tới mức ngay cả ban nhạc rock Slade có thời gian cũng sử dụng phong cách thời trang cạo trọc đầu như một kiểu tiếp thị hình ảnh. Những thanh niên tham gia đầu trọc còn được biết đến nhiều hơn nhờ một loạt các tiểu thuyết đậm chất bạo lực và tình ái xác thịt của tác giả Richard Allen, nhất là những cuốn Đầu trọc Đầu trọc chạy trốn.

Đầu những năm 1970, văn hóa đầu trọc dần phai lạt và chỉ được “hồi sinh” bước vào giai đoạn mới từ năm 1977, nhưng bắt đấu mang một sắc thái hoàn toàn khác. Những thanh niên đầu trọc thời gian này có thể nói chính là sản phẩm phụ của cuộc khủng hoảng kinh tế Anh vốn dẫn tới tình trạng thất nghiệp hàng loạt. Đây là lúc những kẻ phát xít mới ở Anh bắt đầu gây ảnh hưởng và truyền bá các quan điểm phân biệt chủng tộc. Chúng đổ lỗi cho người nước ngoài đã lấy đi việc làm của người Anh. Những khẩu hiệu như “Giữ nước Anh màu trắng” và các quan điểm cực đoan khác bắt đầu xuất hiện. Một số nhóm đầu trọc lớn mang tư tưởng phân biệt chủng tộc như Mặt trận quốc gia, Phong trào Anh, Máu và Danh dự ra đời. Từ đây báo chí bắt đầu gán cho cộng đồng đầu trọc biệt hiệu những kẻ phát xít mới. Từ Anh, văn hóa đầu trọc lan rộng sang Australia, Bắc Mỹ, châu Âu và một số khu vực khác của thế giới.

Đầu trọc Nga trỗi dậy

Văn hóa đầu trọc xuất hiện ở Nga khá muộn, vào đầu những năm 1990 với khởi nguồn từ phương Tây giống nhiều phong trào văn hóa nhóm khác từng gây ảnh hưởng lên giới trẻ Nga. Trung tâm của đầu trọc Nga nằm ở Moskva, St. Petersburg và vùng Nizhni Novgorod.
 
Đầu trọc Nga đuổi đánh một người nhập cư

Trang tin Pravda cho biết vào giữa năm 1998, có khoảng từ 700 - 1.500 thành viên đầu trọc ở St. Petersburg và khoảng 1.000 thành viên khác ở vùng Nizhni Novgorod. Ngoài ra các thành phố khác như Yaroslavl, Voronezh, Irkutsk, Omsk, hay xa xôi như Rostov-on-Don và Krasnodar ở phía nam, Vladivostok ở vùng Viễn Đông, đều có vài trăm thành viên đầu trọc. Tới cuối năm 1999, số thành viên đầu trọc ở Moskva tăng lên từ 3.500-3.800, ở St. Petersburg tăng lên 2.700 và Nizhni Novogorod lên hơn 1.500 thành viên. Đây là những con số khổng lồ nếu biết rằng chỉ có 10 thành viên đầu trọc ở Moskva vào năm 1992 và 5 ở St. Petersburg.

Các chuyên gia khoa học chính trị ở Nga tin rằng phong trào đầu trọc nảy nở nhanh do hai lý do: sự khủng hoảng kinh tế và sự sụp đổ của hệ thống giáo dục diễn ra trong giai đoạn những năm 90. Đầu trọc thường tụ tập thành các nhóm nhỏ ở nơi chúng sống và học tập. Thành viên đầu trọc thường là học sinh, sinh viên và cả người thất nghiệp. Đầu trọc cũng tập hợp trong các nhóm lớn với tổ chức chặt chẽ như 4 nhóm "Quân đoàn đầu trọc" "Máu và danh dự - chi nhánh Nga", "Lữ đoàn thống nhất 88," và "Mục tiêu của người Nga". Đó là còn chưa kể tới những băng nhóm đầu trọc đặc biệt như “Các cô gái Nga” gồm toàn nữ giới. Theo ông Oleg Yelnikov, phụ trách báo chí của Bộ Nội vụ Nga, cơ quan này không có con số chính xác về số lượng thành viên các băng đầu trọc hiện nay. Nhưng các con số không chính thức vào đầu năm 2007 là khoảng 100.000 tên. Và tất cả bọn chúng đều mang tư tưởng phân biệt chủng tộc, kỳ thị người nước ngoài và thậm chí là phát xít mới.

Chống bằng cách nào?

Theo nhận xét của trang web rt.com, cho tới gần đây, các nỗ lực chống lực lượng đầu trọc và phát xít mới ở Nga hầu như không đem lại kết quả. Đưa một vài kẻ đầu trọc vào tù không phải là giải pháp hiệu hiệu. Trong khi đó đại diện của các phong trào phân biệt chủng tộc cùng phát xít mới như Ku Klux Klan, Đảng Công nhân quốc gia xã hội Đức.., thoải mái tới Nga để chia sẻ kinh nghiệm với các tay đầu trọc trẻ tuổi. Tổ chức đầu trọc duy nhất bị đưa ra ngoài vòng pháp luật là Dân tộc Nga thống nhất.

Cũng cần phải biết rằng lực lượng phát xít mới ở Nga chưa tuyên bố mục đích chính trị và chưa có động thái nào để thiết lập vị trí của chúng trên chính trường. Có thể chúng thấy rằng thời cơ chưa đến. Nhưng theo RT.com, thời cơ đó sẽ nhanh chóng xuất hiện và chính phủ Nga sẽ bỏ lỡ cơ hội nếu không nhanh chóng đưa ra các đạo luật hiệu quả chống lại chủ nghĩa cực đoan và các tổ chức phát xít mới.
 

Nga điều tra vụ sát hại sinh viên Tăng Quốc Bình

 Ngày 11/1, hãng thông tấn Nga Ria Novosti cho biết cảnh sát Nga đã mở cuộc điều tra 2 vụ án mạng nghiêm trọng liên quan tới người nước ngoài tại thủ đô Moskva, gồm vụ sinh viên Việt Nam Tăng Quốc Bình bị đâm chết tối 9/1 .

Cảnh sát cho biết Bình, 20 tuổi, quê Hải Dương, đã bị một kẻ không rõ danh tính đâm vào ngực tại khu vực phía nam Moskva, khiến anh thiệt mạng. Ngoài Bình, một công dân Nigeria 25 tuổi cũng bị ba thanh niên đâm 4 nhát vào lưng tại khu vực đông bắc Moskva vào tối 10/1 và qua đời tại bệnh viện. Tháng trước, người ta đã phát hiện thi thể không đầu của một người Tajikistan trong thùng rác bên ngoài tòa nhà Cơ quan hành chính địa phương tại trung tâm thủ đô Moskva.

Một tổ chức theo khuynh hướng dân tộc cực đoan đã nhận trách nhiệm về vụ giết người này và tuyên bố đó là "lời cảnh báo" đối với chính quyền về tình trạng gia tăng người nhập cư tại thủ đô của Nga. Theo Văn phòng Nhân quyền Moskva, đã có 113 người thiệt mạng và 3.400 bị thương trong tổng số 254 vụ tấn công do kỳ thị chủng tộc tại Nga trong thời gian từ tháng 1-10/2008.
 
Tường Linh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm