Bộ Y tế nói gì trước thông tin giá viện phí cao gấp 100 lần thực tế?

29/06/2018 16:34 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Sáng 29/6, Bộ Y tế tổ chức họp báo cung cấp thông tin về vấn đề bảo hiểm y tế, triển khai các biện pháp nâng cao chất lượng khám chữa bệnh bảo hiểm y tế và tăng cường nhân lực cho y tế cơ sở.

Tại cuộc họp, nhiều vấn đề liên quan đến việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế, bảo hiểm y tế, y tế cơ sở được đưa ra thảo luận và giải đáp.

Chú thích ảnh
Các bác sỹ điều trị cho các bệnh nhân. (Ảnh: Thế Duyệt/TTXVN)

Điều chỉnh giảm 70 dịch vụ

Trước đó, trên báo chí có phản ánh thông tin "có sự chênh lệch giá, có giá gấp 100 lần..." khi xây dựng giá dịch vụ y tế.

Tại cuộc trả lời báo chí, ông Nguyễn Nam Liên - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính (Bộ Y tế) đã phản bác lại ý kiến cho rằng, Bộ Y tế xây dựng giá viện phí cao gấp 100 lần giá sử dụng thực tế.

“Đây là thông tin không đúng. Cơ quan có ý kiến về vấn đề này cũng đã báo cáo Phó Thủ tướng đính chính thông tin này,” ông Liên cho hay.

Theo ông Liên, Bộ Y tế đã căn cứ vào kết quả trúng thầu của các bệnh viện, cả trung ương và địa phương, cả kết quả trúng thầu do đấu thầu tập trung của địa phương.

“Bộ Y tế không lấy giá trung bình cộng của các kết quả trúng thầu để xác định trên cơ sở 2 vòng: vòng thứ nhất so sánh giá trung bình với giá trúng thầu của các đơn vị, loại các giá trung thầu cao hơn, thấp hơn trên 25%, chỉ giữ lại các giá trúng thầu cao hơn hoặc thấp hơn dưới 25% để tính mức giá trung bình, làm cơ sở tính chi phí và quyết định mức giá,” vị đại diện Bộ Y tế giải thích.

Ông Nam Liên khẳng định: "Như vậy, ý kiến nêu có sử dụng mức giá cao gấp 100 lần là không đúng. Về vấn đề này, cơ quan Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã có công văn báo cáo Phó Thủ tướng đính chính thông tin này. Các mức giá, mức cao hơn, thấp hơn như thông tin báo nêu đã được loại trừ khi tính mức giá trung bình.”

Theo ông Nguyễn Nam Liên, Bộ Y tế, Bộ Tài chính và Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã khảo sát, tính toán chi phí thực tế và thống nhất nguyên tắc điều chỉnh giá của một số dịch vụ, tập trung vào các dịch vụ có số lượng sử dụng lớn.

Trên cơ sở đó, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 15/2018/TT-BYT thay thế Thông tư 37 nêu trên, so với Thông tư 37. Cụ thể, điều chỉnh, bổ sung giá của 88 dịch vụ kỹ thuật.

Thông tư số 15 điều chỉnh giảm 70 dịch vụ, gồm: 6 giá khám bệnh (của 5 hạng bệnh viện và trung tâm y tế xã), bình quân giảm 17%; 34 giá ngày giường bệnh (của 5 hạng bệnh viện và các loại giường), bình quân giảm 6%; 30 dịch vụ kỹ thuật và xét nghiệm, bình quân giảm 24%.

Điều chỉnh tăng 9 dịch vụ, gồm: 7 giá ngày giường chủ yếu là giường hồi sức tích cực và giường hồi sức cấp cứu, bình quân điều chỉnh tăng 5%; 2 dịch vụ xét nghiệm.

Theo Bộ Y tế, việc điều chỉnh giá lần này sẽ góp phần tăng khả năng cân đối quỹ bảo hiểm y tế đến năm 2020 trong điều kiện chưa điều chỉnh mức đóng bảo hiểm y tế. Đối với các cơ sở khám chữa bệnh có bị ảnh hưởng là giảm nguồn thu dịch vụ y tế. Bên cạnh đó, các dịch vụ điều chỉnh phần lớn là các dịch vụ về giường bệnh, chẩn đoán hình ảnh và xét nghiệm nên giảm việc chỉ định dịch vụ quá mức cần thiết.

Đề xuất sửa đổi một số quy định về bảo hiểm y tế

Cũng tại cuộc họp, ông Phạm Văn Toàn – Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm Y tế (Bộ Y tế) cho hay, hiện tỷ lệ người tham gia bảo hiểm y tế ở Việt Nam đã đạt 86,6% dân số. Để thực hiện được mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân và giải quyết những bất cập về bảo hiểm y tế, Bộ Y tế đã đề xuất sửa đổi bổ sung một số điều của luật bảo hiểm y tế.

Trong đó, sẽ sửa đổi về nhóm đối tượng tham gia để bảo đảm tính bao quát, nâng mức hỗ trợ tham gia bảo hiểm y tế cho học sinh, sinh viên và sửa đổi quy định liên quan đến thông tuyến khám chữa bệnh bảo hiểm y tế đối với trạm y tế và phòng khám đa khoa khu vực.

Đây là lần thứ 2 Luật bảo hiểm y tế được sửa đổi, bổ sung.

Bộ Y tế cũng đã trình Chính phủ sửa đổi Nghị định 105/2014/ NĐ-CP theo hướng ưu tiên sử dụng quỹ Bảo hiểm y tế cho tuyến y tế cơ sở. Trong đó, đề xuất bỏ những quy định gây bất cập trong khám chữa bệnh bảo hiểm y tế tại trạm y tế xã, phường hiện nay.

Ông Phạm Văn Toàn cho hay: “ Nhiều trạm y tế chưa thực hiện được hết gói dịch vụ y tế cơ bản là do quỹ bảo hiểm y tế chưa chi trả nhiều. Do vậy chúng tôi đề xuất bỏ quy định giao quỹ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế cho trạm y tế không quá 20% quỹ khám chữa bệnh ngoại trú. Thay vào đó, đề xuất cơ quan Bảo hiểm xã hội thanh toán dựa trên chi phí bình quân của năm trước và thanh toán chi phí thực tế đối với chi phí phát sinh, ví dụ như chi phí của những kỹ thuật mới và chi phí điều trị các bệnh mãn tính...”

TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm