Bộ Y tế muốn tăng viện phí nhưng phải tính

22/07/2010 13:46 GMT+7 | Y tế

(TT&VH) - Sau một thời gian dài soạn thảo ngày 21/7 lần đầu tiên Bộ Y tế công bố rộng rãi dự thảo điều chỉnh giá viện phí. Thời điểm này, khi bảng giá viện phí mới được đưa ra nhiều người sẽ “sốc” nên Bộ Y tế rất thận trọng. Quan điểm mà Bộ Y tế đưa ra là muốn thay đổi giá viện phí hiện nay, nhưng sẽ không làm ảnh hưởng nhiều đến người bệnh. Nhưng trên thực tế, điều này thật khó tránh.

* Lý giải cho sự tăng giá

Để người dân không bị ‘sốc” khi công bố giá viện phí mới, Bộ Y tế đưa ra giải thích: giá viện phí hiện áp dụng từ 15 năm nay đã không còn phù hợp.

Để minh chứng cho điều này, Bộ Y tế đưa ra dẫn chứng tiền điện năm 1995 giá 640 đồng/kwh nay là 1.170đồng/kwh; xăng dầu từ 4.700 đồng/lít nay khoảng 16.000 đồng/lít… trong khi đó giá viện phí hiện nay vẫn là mức đóng từ năm 1995. Nguồn thu từ viện phí và bảo hiểm y tế (BHYT) chiếm trên 50% tổng số thu của các bệnh viện, nhiều bệnh viện chiếm tới 90%. Thực tế cho thấy nếu không có viện phí thì các bệnh viện không thể triển khai các hoạt động khám chữa bệnh cho người dân được. Điều chỉnh viện phí mới tạo điều kiện để dành ngân sách nhà nước cho việc thực hiện các chính sách khám, chữa bệnh cho các đối tượng chính sách; đồng thời khuyến khích các bệnh viện đầu tư kỹ thuật, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh.

Bộ Y tế cũng khẳng định: Việc điều chỉnh giá lần này bám sát quan điểm về chính sách viện phí tại Nghị quyết Đại hội Đảng X: “Sửa đổi chế độ viện phí theo nguyên tắc xác định đầy đủ chi phí khám, chữa bệnh và chia sẻ hợp lý trách nhiệm giữa nhà nước, xã hội và người bệnh. Nhà nước trợ giúp một lần hoặc toàn bộ viện phí cho người nghèo và các đối tượng chính sách chủ yếu thông qua BHYT”.


Giá dịch vụ y tế tăng cao khi các bệnh viện chưa đáp ứng tốt nhu cầu người bệnh liệu có thuyết phục

Ngày 21/7, tại buổi họp báo liên quan dự thảo điều chỉnh giá viện phí, ông Nguyễn Nam Liên,  Phó Vụ trưởng Vụ  Kế hoạch Tài chính (Bộ Y tế) khẳng định: việc điều chỉnh viện phí lần này tập trung vào điều chỉnh khung giá của dịch vụ kỹ thuật được ban hành từ năm 1995 với khoảng 350 trên tổng số 3.000 dịch vụ hiện các bệnh viện đang thực hiện. Việc điều chỉnh này vẫn tuân thủ nguyên tắc của Chính phủ là thu một phần viện phí. Cụ thể khung giá một phần viện phí sửa đổi lần này chỉ tính tiền thuốc, dịch truyền, máu, vật tư… và các chi phí hành chính trực tiếp cho khám chữa bệnh.

Theo dự thảo điều chỉnh viện phí, có khoảng 220 dịch vụ tăng mức rất thấp; 60 dịch vụ dự kiến tăng 2-2,5 lần; khoảng 70 dịch vụ kỹ thuật y tế sử dụng nhiều thuốc, vật tư… tăng 7-10 lần.

Cũng theo ông Nguyễn Nam Liên, việc điều chỉnh giá viện phí giảm bớt sự bao cấp tràn lan trong khám chữa bệnh. Người bệnh có khả năng chi trả viện phí phải đủ viện phí cho khám chữa bệnh, dành ngân sách nhà nước để mua thẻ BHYT cho người nghèo, cận nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi. Thêm nữa bệnh viện có điều kiện nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Giá viện phí này áp dụng cho cả người có thẻ BHYT và không có thẻ.

*  Cơ bản không ảnh hưởng đến người có thẻ BHYT?

Tuy nhiên, tại cuộc họp hôm qua, ông Nguyễn Huy Quang, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) thừa nhận: “Đúng là dự thảo này chưa thật sự dựa trên nghiên cứu kỹ, và có cơ sở khoa học. Chỉ đơn cử, tiền giường nằm là tính cho mỗi người nằm 1 giường nhưng trên thực tế hiện nay, tình trạng quá tải bệnh viện là phổ biến. Người bệnh phải nằm ghép 2 – 3 giường, tình trạng này sẽ còn phải kéo dài lâu nữa, chưa thể khắc phục sớm thì Bộ Y tế lại chưa đưa ra phương án giải quyết nào ngoài một lời nói chung chung là sau này, Bộ sẽ có hướng dẫn bổ sung cụ thể cho các ca nằm ghép. Bên cạnh đó, năm qua người bệnh đã phải nâng mức đóng BHYT và phải đồng chi trả từ 5% lên 20%. Việc đồng chi trả đang là nỗi lo của nhiều người nhất là người nghèo và người mắc bệnh mãn tính chưa có cách giải thì nay lại lo giá viện phí tăng”.

Bà Tống Thị  Song Hương, Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế) khẳng định: trong tổng số viện phí và quỹ BHYT thanh toán cho các bệnh viện có tới 60% là tiền thuốc, máu, dịch truyền; 10% là vật tư thay thế mà người bệnh trực tiếp sử dụng; khoảng 30% là chi phí của các dịch vụ kỹ thuật y tế như khám, ngày giường… Do đó, việc điều chỉnh lần này không ảnh hưởng đến việc chi trả tiền thuốc và vật tư thay thế trong gói chi phí mà người bệnh và cơ quan BHYT phải chi trả.

Bà Hương cũng nhấn mạnh, việc điều chỉnh này cơ bản không làm ảnh hưởng đến khoảng 53 triệu người đang có thẻ BHYT (khoảng 62% dân số).

Ông Nguyễn Minh Thảo, Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam, cho rằng: “Tôi cho rằng, khi xây dựng lại giá viện phí thì Chính phủ cũng phải quan tâm đến việc mở rộng độ bao phủ BHYT. Việc mở rộng nhanh đối tượng tham gia BHYT sẽ tránh được những tác động tiêu cực đến đời sống của người dân từ việc tăng giá viện phí, vì khi người dân khi tham gia BHYT với mức phí cố định nhưng nếu không may ốm đau thì đã có Quỹ BHYT đảm bảo. Còn nếu người dân chưa tham gia BHYT, khi viện phí tăng lên, nếu không may ốm đau, họ rất dễ sa vào cái “bẫy nghèo”.

* Tiếp tục lấy ý kiến người dân

Theo lộ trình hiện Bộ Y tế đang gửi tới cơ quan BHXH và Bộ Tài chính xin ý kiến, tới đây mới tiếp tục xin ý kiến đông đảo người dân. Sau đó, Bộ Y tế sẽ thành lập Hội đồng thẩm định với sự tham gia của 3 bên Y tế - Tài chính - Bảo hiểm rồi mới có thể ban hành.

Theo ông Thảo: “Hiện nay dự thảo đang được cơ quan soạn thảo lấy ý kiến của các bộ, ngành liên quan, ý kiến của các bệnh viện và người dân... BHXH Việt Nam cũng sẽ có những ý kiến đóng góp cụ thể vào dự thảo này. Tuy nhiên theo tôi, khi giải bài toán viện phí, Chính phủ và các bộ, ngành cũng cần xem xét tổng thể các chính sách liên quan. Ví dụ như khi giá viện phí đã được tính đúng, tính đủ thì ngân sách Nhà nước đang cấp chi thường xuyên cho các cơ sở KCB công lập mỗi năm cần chuyển sang hỗ trợ trực tiếp cho người dân; mức phí BHYT hiện đang được tính trên nền của một phần viện phí cũng phải được tính lại khi viện phí đã tính đúng, tính đủ; có thể tính toán lại tỉ lệ cùng chi trả khi đi khám chữa bệnh BHYT để không làm tăng gánh nặng cho người bệnh… Để giữ ổn định xã hội, dự thảo còn nhiều vấn đề nên cân nhắc, xem xét kỹ và chưa nên thực hiện trong năm 2010.

Tại buổi họp báo, Bộ Y tế cho biết đây mới là dự thảo lấy ý kiến nên sẽ tiếp thu ý kiến, xem xét khi đưa ra quyết định cuối cùng.

Có dịch vụ tăng 20 lần

Hiện dự thảo thông tư liên liên tịch sửa đổi, bổ sung một số điểm của Thông tư số 14 ngày 30/9/1995 của liên bộ Y tế- Tài chính- LĐ-TB&XH- Ban Vật giá Chính phủ hướng dẫn thực hiện việc thu một phần viện phí  đang được bộ Y tế gửi đi lấy ý kiến. Theo dự thảo, đa số các dịch vụ có mức tăng 10 lần nhưng cũng có loại tăng tới 20 lần.

- Tăng cao nhất là sinh thiết tủy xương tăng từ 10.000 đồng (tối thiểu), 30.000 đồng (tối đa) lên 1,8 – 2 triệu đồng/lần ( tăng hơn 60 lần).

- Chích rạch apxe amidan từ 15.000 đồng (tối thiểu), 30.000 đồng (tối đa) lên 300.000-400.000 đồng/lần.

- Soi trực tràng, sinh thiết; soi dạ dày, soi ổ bụng; sinh thiết ruột… 10.000 đồng (tối thiểu), 30.000 đồng (tối đa) lên 300.000 – 350.000 đồng/lần.

- Xác định yếu tố vi lượng (đồng, kẽm…) 15.000 đồng (tổi thiểu), 45.000 đồng (tối đa) lên 450.000 – 485.000 đồng/lần.

Một số dịch vụ chẩn đoán hình ảnh, chụp CT Scanner giữ nguyên giá hoặc thấp hơn giá hiện hành.

- Chụp cộng hưởng từ (MR) 1 triệu đồng (tổi thiểu), 2 triệu đồng (tối đa) dự kiến điều chỉnh 1- 1,7 triệu đồng/lần.

- Chụp mạch máu thông thường 150.000 đồng (tổi thiểu), 500.000 đồng (tối đa) dự kiến điều chỉnh 150.000 – 400.000đồng/lần.


Bài và ảnh: Gia Minh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm