Nhà ở cho sinh viên, công nhân - Những mô hình “trong tầm tay”!

10/05/2011 11:01 GMT+7 | Thế giới

(TT&VH) - Để đưa ra được các mô hình quy hoạch, kiến trúc nhà ở xã hội phù hợp với điều kiện hiện nay, góp phần thúc đẩy công cuộc xây dựng nhà ở xã hội đồng thời làm đẹp bộ mặt kiến trúc đô thị, vừa qua, Viện Kiến trúc, Quy hoạch Đô thị & Nông thôn (KTQHĐT&NT) đã tổ chức tọa đàm kiến trúc mang chủ đề “Nhà ở xã hội” với sự tham gia của các chuyên gia về kiến trúc, xây dựng và quy hoạch đô thị...

Ông Ngô Trung Hải, Viện trưởng Viện KTQHĐT&NT cho biết: “Hiện nay, có khoảng 700.000 người hưởng lương chính sách bức xúc về chỗ ở, cộng với tình trạng dân nghèo đô thị khó khăn nhà ở. Bắt đầu từ năm 2009 đã có rất nhiều doanh nghiệp đăng ký dự án nhà ở xã hội. Riêng Hà Nội đến năm 2015 có kế hoạch sẽ xây dựng 1,5 triệu m2 nhà ở xã hội. Tuy nhiên, đến nay mới chỉ có 30 dự án được khởi công, đa số là loại hình nhà ở kiểu chung cư cao tầng, kiến trúc đơn giản, có phần “tuềnh toàng”.

“Biết rồi, khổ lắm…”!

Thực trạng nhà ở của xã hội đang hết sức bức xúc. Loại nhà tập thể của giai đoạn những năm 1970-1980 (mà tiêu biểu là khu tập thể nhà máy dệt 8/3) đang ở trong tình trạng quá tải. 80% đối tượng sử dụng là các hộ gia đình từ 2-3 thế hệ, bình quân 2,5m2/người, khu vệ sinh công cộng rất bẩn thỉu, không có chỗ phơi đồ, không có chỗ để xe. Chưa kể, người dân tự cơi nới, gây mất mỹ quan. Các căn hộ thông gió và lấy ánh sáng kém. Kết cấu của tòa nhà đã bị xuống cấp trầm trọng.

Hiện trạng loại nhà ở những năm 1980- 1990, điển hình là khu tập thể May 10 còn “thê thảm” hơn. Diện tích trung bình 1,8m2/người và cũng như khu tập thể 8/3, khu tập thể May 10 cũng đang trong tình trạng “báo động” về hiện trạng kiến trúc.

Ông Ngô Trung Hải, Viện trưởng Viện KTQHĐT&NT
tại buổi tọa đàm tìm “lối thoát” cho nhà ở xã hội

Từ năm 2000 đến nay, loại hình nhà ở cho công nhân đã tạo được bước đột biến đáng kể mà điển hình là KCN ở Bình Dương, TP.HCM. Tuy vậy, còn rất nhiều công nhân vì không muốn sống “gò bó như trong trại tập trung” nên tự bỏ ra ngoài thuê nhà ở đã dẫn đến tình trạng phức tạp như nghiện hút, cờ bạc, mại dâm... ThS.KTS Vũ Bích Trâm cho biết: “Hiện cả nước có 148 KCN, KCX với hơn 32.000ha tổng diện tích và 920.000 công nhân đang làm việc. Trong đó 90% lao động trẻ tuổi từ 18-35 rất khó khăn trong cuộc sống, đặc biệt là nhu cầu về nhà ở”.

Trong khi đó, nhà ở cho học sinh, sinh viên chưa có nhiều loại hình đáp ứng các mô hình đào tạo khác nhau trong bối cảnh Bộ GD&ĐT chủ trương mở rộng lĩnh vực đào tạo, tăng cường hợp tác quốc tế. Điều kiện ở chật chội, không đáp ứng yêu cầu học tập, rèn luyện và giao lưu.

Ths.KTS Nguyễn Quốc Hoàng thống kê: “Tại 244 trường ĐH và CĐ tại Việt Nam, nhu cầu ở nội trú lên tới 75 - 78%. Hiện nay mới đáp ứng trên 22% sinh viên được ở nội trú. Tình trạng ở chật trội phổ biến, diện tích bình quân 1,5 - 2m2/SV. Ký túc xá xuống cấp về tiện nghi ở, tiện nghi sinh hoạt và vệ sinh môi trường (còn 80.000 m2 nhà ở cấp 4 sử dụng cho sinh viên ở, ký túc xá 4 - 5 tầng được xây từ 20 - 30 năm trước. Điện nước, thiếu chỗ để xe; kinh phí đầu tư cải tạo và xây dựng hạn hẹp”.

Đề xuất những mô hình khả thi

Các chuyên gia đã cùng nhau đi tìm “tiếng nói chung” trong việc giải quyết hữu hiệu vấn đề nhà ở xã hội. Theo đó, việc trước mắt cần phải làm là tìm kiếm cấu trúc mới cho khu nhà ở đô thị có chất lượng phù hợp với tình hình kinh tế trong giai đoạn tới, nhưng vẫn đảm bảo các tiêu chí tối thiểu về môi trường và khung cảnh sống cho người có thu nhập thấp, đảm bảo tính bền vững của cấu trúc đô thị.

Theo TS.KTS Đào Thị Tiến Ngọc, để đảm bảo các hộ dân được sử dụng các công trình hạ tầng có sẵn, giảm chi phí đầu tư... các dự án nhà ở dành cho người thu nhập thấp nên gắn với nhà ở thương mại hoặc khu dân cư sẵn có. Loại nhà này nên thiết kế, xây dựng theo tiêu chuẩn trung bình, hoàn thiện và lắp ráp thiết bị cũng ở mức trung bình để đảm bảo tuổi thọ của trang thiết bị khoảng 50 năm, đảm bảo an toàn, bền vững, để người có thu nhập thấp có thể mua nhà với giá phù hợp với thu nhập”.

Từ những nghiên cứu cụ thể về vấn đề nhà ở của công nhân tại các KCN, Ths.KTS Vũ Bích Trâm đưa ra “lối thoát” cho việc xây dựng căn hộ cho đối tượng công nhân tại các KCN: “Với những người độc thân, phòng thường từ 6-8 người thì nên bố trí giường tầng, diện tích phòng từ 30-60m2. Khu vệ sinh và bếp nấu có thể khép kín hoặc đặt ngoài phòng ở. Với căn hộ gia đình, cấu trúc gồm 3 loại, diện tích từ 30-40m2; 40- 50m2; 50-60m2. Mỗi căn hộ bao gồm phòng khách, ngủ, bếp kết hợp ăn, khu vệ sinh độc lập khép kín và ban công phơi đồ. Tiêu chuẩn diện tích ở tối thiểu 3m2/người (không kể diện tích phụ) thì mới tạo cảm giác “an cư” vừa thoải mái, vừa yên tâm cho công nhân”.

Trong khi đó, TS.KTS Nguyễn Quốc Hoàng đưa ra thiết kế KTX cho sinh viên trong tương lai với hai mô hình: Thứ nhất là mô hình khu ở độc lập. Với mô hình này, khu ở sinh viên được coi như một điểm dân cư đô thị, được bố trí theo nguyên tắc đơn vị ở. Nó có thể phục vụ cho một trường đại học hoặc phục vụ cho một cụm trường. Việc tập trung một số lượng lớn sinh viên trên một khu đất xây dựng là điều kiện tốt để tổ chức các công trình phục vụ công cộng, nâng cao hiệu quả phục vụ đời sống sinh viên. Tuy nhiên, khu ở kiểu này đòi hỏi việc tăng số lượng các công trình công cộng và phục vụ.

Còn mô hình thứ 2 là mô hình khu ở liên kết. Đó là khu ở nằm trong khuôn viên, sát khu học tập và thể thao của trường đại học. Khu ở dạng này giảm được chi phí đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, thuận lợi cho sinh viên tiết kiệm thời gian đi lại từ chỗ ở đến chỗ học. Nhà trường cũng thuận lợi trong công tác quản lý sinh viên và tổ chức các phong trào, các hoạt động khác ngoài giờ học.

Khôi Nguyên

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm