Bộ VH,TT&DL: 'Tôn trọng truyền thống, nhưng đừng cố chấp'

10/02/2015 15:32 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - “Xung quanh lễ hội làng Ném Thượng, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL từng nhận được chất vấn từ Đại biểu Quốc hội nhiều năm nay. Quan điểm chính thức của Bộ VHTT&DL là Bộ không cổ súy, khuyến khích những lễ hội phản cảm và bạo lực" - Người phát ngôn Bộ VHTT&DL, Tiến sĩ Khoa học Phan Đình Tân.

Ông Phan Đình Tân khẳng định: Việc đưa tin trên phương tiện thông tin đại chúng về các lễ hội này, Công điện của Thủ tướng Chính phủ về công tác tổ chức và quản lý lễ hội từ năm 2012 đã chỉ đạo các cơ quan thông tấn báo chí đăng tải, đưa tin có thời lượng hợp lý, chủ yếu phản ánh những nét đẹp văn hóa truyền thống trong hoạt động lễ hội, không quảng bá các hoạt động lễ hội có tính thương mại, có hình ảnh phản cảm và bạo lực. Nói vậy để thấy, những lễ hội có tính bạo lực, như chém lợn, chọi trâu…, từng gây tranh cãi từ nhiều năm rồi.

Chính vì thế, theo tôi, cộng đồng dân cư ở những nơi có lễ hội chọi trâu, chém lợn, chém gà… nên điều chỉnh. Chúng ta sống trong một “thế giới phẳng”, thông tin lan truyền một cách nhanh chóng. Chúng ta không thể bảo thủ nói rằng đó là hoạt động của một cộng đồng nhỏ hẹp, không ảnh hưởng tới xung quanh. Không áp đặt cách nhìn phương Tây, nhưng thực sự, những tập tục như tảo hôn hay chôn con theo mẹ… thì không thể tồn tại trong xã hội hiện đại, văn minh này. Năm 2014 vừa qua, nhà chức trách phải dừng cuộc đấu bò tót ở Madrid, Tây Ban Nha sau 35 năm tổ chức.

Được biết, lễ hội làng Ném Thượng, Bắc Ninh với nghi lễ chém lợn được phục dựng từ khoảng những năm 2000. Tôi đọc nhiều tài liệu về nguồn gốc lễ hội, trong đó có thông tin Thành hoàng làng Ném Thượng là một vị tướng họ Lý. Nhưng cũng có tài liệu nói Thành hoàng là… một tên cướp. Lễ hội, để có được hồn vía vị Thành hoàng được nhân dân thờ phụng đi chăng nữa, thì cũng phải phù hợp văn hóa, văn minh trong thế giới hội nhập. Cách phục dựng cần tính toán.

Cho đến nay, chưa có chuyên gia nào phân tích nguồn gốc sâu xa của những lễ hội như lễ chém lợn làng Ném Thượng. Họ chỉ nói là “trên cơ sở truyền thống”, nhưng truyền thống thế nào thì cần làm rõ. Không cẩn thận chúng ta rơi vào tình huống “lây nhiễm ám thị”. Trong khi khoa học là phải phản biện, phân tích, mổ xẻ, cơ bản đáp ứng đủ độ tin cậy. Tôn trọng truyền thống nhưng cũng đừng quá cố chấp.

Về phía Sở VH,TT&DL Bắc Ninh, theo tôi, ngoài việc đưa ra khuyến cáo, cơ quan này nên phân tích cái tốt, cái hay để người dân nhận thức chứ đừng phó mặc. Trong vai trò quản lý nhà nước, họ nên kiên quyết hơn nữa”.

Độc giả Trần Tiến Dũng (Hà Nội ): “Cần điều chỉnh lễ hội này”

Đây là lễ hội dân gian lâu đời tưởng nhớ công ơn một vị tướng quân khi hành quân đánh giặc qua vùng đã chém lợn rừng để nuôi quân. Nhưng ngày nay, các “ông lợn” linh vật được làm nghi lễ thiêng liêng, nhưng thực chất, tôi thấy việc đưa lợn ra chém cụt đầu phụt máu là hành vi dã man với động vật. Một con lợn bị sát hại và hàng ngàn người chứng kiến cảnh tượng vô nhân đạo đó đã làm mất đi tính nhân văn của một nghi lễ truyền thống.

Việc người dân chứng kiến cảnh bạo lực, tôn sùng, dùng áo, tiền thấm máu cầu may là việc không nên. Chúng ta chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, đánh lui cái ác, tại sao lại tôn sùng hành vi tàn ác. Tôi nghĩ cần điều chỉnh lễ hội này, loại bỏ việc chém lợn, có thể thay thử bằng lợn đất hoặc tạc tượng vị tướng chém lợn, mô tả cánh chém lợn nuôi quân vào lễ hội, đem tượng đó ra rước, thay việc chém lợn thật tàn bạo kia.

Bên cạnh đó, chưa nói hành vi đó tạo ra sự ảnh hưởng tới tâm lý, nhất là trẻ em. Tôi nghĩ rằng, ngành du lịch văn hóa nên vào cuộc rà soát kiến nghị điều chỉnh lại một số lễ hội mang tính bạo lực như thế.

Hoa Chanh (ghi)

Hoàng Lê (ghi)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm