Theo dự luật tiếp công dân, trừ trường hợp đột xuất, bộ trưởng và chủ tịch UBND cấp tỉnh phải trực tiếp tiếp dân ít nhất một ngày mỗi tháng. Giám đốc sở, chủ tịch UBND cấp huyện, xã tiếp dân ít nhất hai ngày mỗi tháng.
Ngày 19/3, trình bày trước Thường vụ Quốc hội, Tổng thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cho biết, tiếp công dân là hoạt động quan trọng trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo và trong quản lý của các cơ quan, tổ chức. Tuy nhiên, hiện chưa có văn bản nào quy định đầy đủ về hoạt động này cũng như mô hình tổ chức, quyền và nghĩa vụ của công dân... Ông Tranh khẳng định Luật Tiếp công dân ra đời sẽ là đạo luật điều chỉnh đầy đủ nhất và đáp ứng yêu cầu hiện nay về hoạt động tiếp công dân.
Theo dự luật, trừ trường hợp tiếp công dân đột xuất, bộ trưởng, chủ tịch UBND cấp tỉnh phải trực tiếp tiếp công dân ít nhất một ngày mỗi tháng; giám đốc sở, chủ tịch UBND cấp huyện, xã tiếp dân ít nhất hai ngày mỗi tháng. Người đứng đầu cơ quan có trách nhiệm ban hành nội quy, quy chế tiếp công dân; bố trí trụ sở tiếp công dân tại địa điểm thuận lợi; bố trí, phân công công chức có năng lực, phẩm chất tốt làm công tác tiếp công dân...
Tổng thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh. Ảnh: N.Hưng. |
"Các quy định nêu trên nhằm xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, tạo điều kiện cho công dân thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh", ông Tranh nhấn mạnh.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho rằng, dự luật chưa quy định rõ ràng về trách nhiệm phối hợp xử lý giữa các cơ quan, mô hình tổ chức trụ sở tiếp công dân ở trung ương, địa phương và nhất là cơ chế, mô hình tổ chức, hoạt động tiếp công dân của Quốc hội, HĐND và một số cơ quan nhà nước. Ủy ban Pháp luật đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, hoàn thiện dự luật để có thể giải quyết một cách thấu đáo hơn các vấn đề này.
Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, hiệu quả của công tác tiếp dân hiện chưa đạt yêu cầu, vì thế Thanh tra Chính phủ cần nêu rõ mục tiêu khi xây dựng luật. "Các đồng chí không khẳng định là công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo sau khi có luật sẽ tạo bước chuyển mới có kết quả cao hơn. Đã làm luật phải có mục tiêu chứ!", ông Hùng nói.
Chủ tịch Quốc hội yêu cầu làm rõ trách nhiệm của cơ quan tiếp dân là để giải quyết, tức là có trách nhiệm đến cùng hay là tiếp chỉ để giám sát, lắng nghe tâm tư người dân. Ông Hùng e nếu quy định thiếu rõ ràng như trong dự thảo sẽ đẻ thêm nhiều cơ quan, bộ phận tiếp dân trong khi không có trách nhiệm giải quyết. Công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo không khéo càng ách tắc hơn.
"Luật này phải thống nhất chức năng, nhiệm vụ với Luật giám sát các hoạt động của Quốc hội chứ luật này chưa có quyền năng gì cả. Chưa có quyền để giải quyết mà lập cơ quan to ra tiếp suốt ngày thì phản cảm, vô dụng", ông Hùng bình luận.
Chủ tịch Hội đồng dân tộc Ksor Phước nêu quan điểm, nếu tiếp dân để giải quyết công việc theo chức năng nhiệm vụ của mình thì không cần quy định vì đó là việc cơ quan nào cũng phải làm. Còn tiếp để nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân với tình hình đất nước (thường là Quốc hội, HĐND các cấp) cũng không cần quy định vì luôn có người tố cáo chuyện của cá nhân, gây ảnh hưởng tới hàng trăm người khác trong cùng buổi tiếp dân.
Nhìn từ góc độ thực tế, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện băn khoăn về cách tổ chức tiếp công dân như trong dự thảo. Theo ông, người dân có quyền khiếu nại, tố cáo, phản ánh nhưng cũng phải có nghĩa vụ tìm đúng địa chỉ có chức năng tiếp nhận. Hiện có tình trạng người dân gửi đơn tới Chủ tịch nước, Tổng bí thư, Chủ tịch Quốc hội... rồi vin vào đó để gây sức ép yêu cầu cơ quan hành pháp giải quyết, tạo dư luận phức tạp.
Nhất trí với ý kiến này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng lưu ý thêm, tổ chức, hoạt động của cơ quan tiếp dân phải rõ ràng nếu không sẽ trở thành hành chính hóa, quyền lực hóa. Các cơ quan, tổ chức, chính quyền địa phương đáng nhẽ có nhiệm vụ tiếp nhận khiếu nại, tố cáo lại khoán trắng, đẩy hết việc cho cơ quan này.
Giải đáp băn khoăn của đại biểu, Phó tổng thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh cho rằng, nếu cơ quan tiếp dân được giao nhiệm vụ kiểm tra, đôn đốc thì rất tốt. Còn nếu quy định cơ quan tiếp dân chỉ có chức năng hướng dẫn, đặt trong hoàn cảnh trên 70% khiếu nại, tố cáo hiện nay liên quan tới lĩnh vực đất đai thì khi người dân đến lại được hướng dẫn về Sở Tài nguyên Môi trường, UBND tỉnh và người dân không chịu.
"Theo số liệu từ 5 năm trước, trên thế giới có gần 90 nước có thiết chế cơ quan hòa giải, nghe kiến nghị, phản ánh, sau đó đưa kiến nghị tới cơ quan có thẩm quyền tương tự như Thanh tra Chính phủ của ta. Đây là thiết chế rất phổ biến trên thế giới", ông Thanh giải thích thêm.
Trao đổi thêm về vị trí của trụ sở tiếp dân, Tổng thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cho rằng, ngoài bộ phận tiếp dân ở các bộ, ngành, nếu không có trụ sở riêng cho hoạt động này thì sẽ rất rắc rối. Ví dụ năm 2012 có 360.000 người với 120.000 đơn khiếu nại, tố cáo. "Nhiều trường hợp đoàn đông người nằm ỳ ra đó, cơ quanh hành chính không làm việc được. Cơ quan tiếp dân cũng phải có con dấu vì nếu nhận đơn không đóng dấu cho dân thì dân không về, không có dấu khi chuyển đơn không được", ông Tranh nói.
Chốt lại buổi thảo luận, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu trong dự thảo luật phải quy định rõ thời hạn trả lời của cơ quan tiếp dân. Đồng thời, trụ sở tiếp dân phải được tổ chức để liên thông 3 cấp trung ương, tỉnh, huyện. Nếu người dân phản ánh về cấp nào thì cơ quan tiếp dân có nhiệm vụ nhận đơn để chuyển đến cấp thích hợp.
Theo Nguyễn Hưng
Vnexpress