Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện trả lời chất vấn về Ngọc Trinh và các cuộc thi chui nhan sắc

05/06/2019 17:40 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 5/6, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 7, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Quốc hội tiến hành chất vấn Bộ trưởng Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện.

 Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV: Nhiều vấn đề 'nóng' của ngành xây dựng được chất vấn

Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV: Nhiều vấn đề 'nóng' của ngành xây dựng được chất vấn

Sáng 5/6, Quốc hội tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn với nhóm vấn đề thứ hai thuộc lĩnh vực xây dựng. Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà đã trả lời nhiều câu hỏi của đại biểu chất vấn trong cuối buổi chiều mùng 4/6, trong đó có vấn đề quá nhiều nhà cao tầng được xây dựng với mật độ rất cao tại các khu đô thị lớn, nhất là Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, gây nhiều hệ lụy cho xã hội...

Có 60 đại biểu đăng ký chất vấn Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện. Các đại biểu Nguyễn Quốc Hưng (Hà Nội); Nguyễn Văn Quyền (Cần Thơ); Nguyễn Thị Lệ Thủy (Bến Tre); Châu Quỳnh Dao (Kiên Giang);... chất vấn Bộ trưởng các vấn đề: Chi ngân sách đầu tư cho văn hóa; giải pháp căn cơ, đột phá để du lịch tăng trưởng bền vững, thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; xử phạt vi phạm hành chính đối với những hành vi mê tín dị đoan ở những cơ sở tâm linh; xử lý hành vi lợi dụng tôn giáo, tâm linh để vi phạm pháp luật; ngăn chặn tình trạng đi du lịch nước ngoài bỏ trốn;... 

Trả lời câu hỏi của đại biểu về việc xử phạt vụ chùa Ba Vàng chỉ 5 triệu đồng có nhẹ? Và sắp tới có nên tăng mức phạt và các biện pháp khác để loại bỏ những tệ nạn tương tự?

Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện trả lời: "Vụ việc ở chùa Ba Vàng thì chúng ta đều biết rồi. Đó vừa vi phạm luật pháp vừa vi phạm đến đạo đức, lối sống, văn hóa. Mức phạt 5 triều đồng theo Nghị định 158 là mức cao nhất rồi. Mức phạt này thực ra rất nhỏ, và dù có lên đến cả trăm triệu tôi nghĩ cũng không phải lớn.

Cho nên vấn đề tiền chỉ là một phần, còn rõ ràng chúng ta phải tăng nặng xử phạt về quản lý nhà nước, nhưng đồng thời quan trọng hơn là làm thế nào chúng ta phải lên án, phê phán những việc làm sai trái đó. Chúng ta kết hợp được 2 cách ấy chắc chắn sẽ tốt lên rất nhiều.

Nói về việc nhiều thanh niên hiện nay "lệch chuẩn", Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện nói rằng thời gian qua có rất nhiều hiện tượng "lệch chuẩn" và công an cũng đã xử lý một số trường hợp. Và cũng có công dân Việt Nam đi ra nước ngoài cũng "lệch chuẩn". 

Bộ trưởng lấy ví dụ gần nhất là việc Ngọc Trinh đến Liên hoan Phim Canes nhưng lại có những hành vi hết sức phản cảm và đáng bị dư luận phê phán. Bộ trưởng cho rằng đó là hành động phản văn hóa, ảnh hưởng đến văn hóa, uy tín của đất nước, uy tín con người Việt Nam.

Nhưng việc xử phạt những trường hợp như thế nào thì Bộ trưởng Thiện cho biết "chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu".

Trả lời chất vấn về vấn đề phát triển du lịch bền vững, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho biết, phát triển du lịch cũng như phát triển ngành kinh tế khác, không làm ảnh hưởng đến môi trường sinh thái và không phá vỡ di sản văn hóa. Đây là vấn đề lớn trong mối quan hệ bảo tồn phát triển của các nước trên thế giới. 

Thời gian qua, chúng ta xây dựng những nhà máy, khu du lịch thì có nơi này, nơi khác cũng ảnh hưởng đến bảo tồn. Trích dẫn câu nói của Thủ tướng liên quan đến công tác bảo tồn văn hóa là tất cả mọi cái đều xây dựng được, làm được, nhưng di sản thì không làm lại được, Bộ trưởng khẳng định, “không thể hy sinh di sản được, phát triển kinh tế phải chú trọng bảo tồn di sản”.

Bộ trưởng cũng thừa nhận, thời gian qua, trong quy hoạch, bảo tồn phát triển đang bị coi nhẹ. Khi phát triển có trường hợp không quan tâm đến bảo tồn, không quan tâm đến các nhà chuyên môn, chuyên gia bảo tồn, cho nên phá vỡ toàn bộ, hoặc làm rất tốt rồi nhưng thi công không ai giám sát.

Chú thích ảnh
Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk Ngô Trung Thành chất vấn Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện. Ảnh: Văn Điệp – TTXVN

Về quy định thùng công đức ở những cơ sở di tích, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho biết trong quyết định của Bộ thì cũng chỉ khuyến cáo, yêu cầu thực hiện nếp sống văn hóa chứ không phải văn bản mang tính chất pháp quy. Theo đó, mỗi cơ sở di tích chỉ tối đa 3 thùng, tránh quá nhiều gây phản cảm.

Bộ trưởng Thiện cũng cho biết Bộ VH, TT&DL sẽ phối hợp với các bộ ngành liên quan để đề xuất việc nên đặt thùng công đức như thế nào để thực hiện nếp sống văn minh

Về công tác quản lý và tổ chức lễ hội, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho biết, trong năm qua đã được chấn chỉnh dần, từng bước đã đi vào nề nếp. Những lễ hội phản cảm, thương mại hóa, có biểu hiện mê tín di đoan, bạo lực từng bước đã được khắc phục và giảm bớt.

Dẫu vậy, người đứng đầu Bộ VH,TT&DL cũng thừa nhận vẫn còn những lễ hội phản cảm như đã nói ở trên và chúng ta cần tiếp tục phê phán vì đã vi phạm pháp luật, vi phạm nếp sống văn hóa và phải kiên quyết xử lý.

Liên quan đến những cuộc thi sắc đẹp được đại biểu đặt câu hỏi, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho biết không chỉ ở Việt Nam mà trên thế giới đều có các cuộc thi tôn vinh sắc đẹp, tôn vinh phụ nữ, qua đó quảng bá hình ảnh đất nước, con người của địa phương.

Bộ trưởng cho biết theo quy định của Nghị định 79 thì mỗi năm chúng ta tổ chức 1-2 cuộc thi Hoa hậu toàn quốc, còn lại khoảng 4-5 cuộc thi Hoa hậu vùng miền, các cuộc thi của các ngành, lĩnh vực địa phương.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng vì các cuộc thi tổ chức rất nhiều vòng nên chúng ta thấy nó rất nhiều. Bộ trưởng cũng nói rằng các cuộc thi Hoa hậu hiện nay cũng phù hợp và cần thiết. Tuy nhiên không nên quá nhiều và không nên lợi dụng  vào những cuộc thi để tư lợi cho bản thân cá nhân cũng như cơ quan tổ chức.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cắt lời Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện rằng, ĐBQH cho rằng Bộ quy định và cho phép tổ chức vài cuộc là đúng rồi, nhưng có nhiều cuộc trong thực tế diễn ra trá hình, gây dư luận không tốt trong xã hội và tôi biết thi Hoa hậu không có thi vòng tứ kết đâu.

Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện nói đối với các cuộc thi trá hình, thi chui, không được cấp phép Bộ sẽ kiên quyết xử lý. Tuy nhiên trong thời gian qua vẫn có một số cuộc thi được cấp phép nhưng lại làm không đúng nhưng xử lý không triệt để vì trong quy định của Nghị định 79 có nhiều vấn đề chưa xử lý kiên quyết được.

Hiện nay chúng tôi đang sửa Nghị định 79 và tháng 10 này sẽ trình Chính phủ Nghị định mới. Chúng tôi cũng sẽ đưa vấn đề này vào để có thể xử lý.

Chú thích ảnh
Đại biểu Quốc hội thành phố Cần Thơ Nguyễn Văn Quyền đặt câu hỏi chất vấn Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện. Ảnh: Văn Điệp – TTXVN

Chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện, đại biểu Nguyễn Văn Quyền (Cần Thơ) đặt câu hỏi về những giải pháp nhằm đưa du lịch trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam, đặt trong bối cảnh du lịch hiện nay mới đóng góp chưa được 10% GDP. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết những giải pháp căn cơ, đột phá để đưa du lịch thật sự trở thành một ngành mũi nhọn của nền kinh tế như Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị đã đề cập, đồng thời để ngành du lịch đóng góp nhiều hơn nữa trong tỷ trọng phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Giải đáp thắc mắc của đại biểu Nguyễn Văn Quyền, người đứng đầu ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, du lịch Việt Nam hiện nay đóng góp khoảng 9% GDP.  Theo Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị, Việt Nam phấn đấu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn,  đến năm 2020 du lịch Việt Nam sẽ đón từ 17 – 20 triệu lượt khách quốc tế và 85 triệu lượt khách nội địa, đóng góp khoảng 10% GDP. Với mức độ như vậy, ngành du lịch mới cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, và với tiến trình như hiện nay, để thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn phải đến năm 2030.

Đại biểu Nguyễn Văn Quyền cũng chất vấn Bộ trưởng về vấn đề “phát triển du lịch không phải bằng mọi giá”, từ đó đề nghị Bộ trưởng xem xét các giải pháp nhằm giải quyết mâu thuẫn, xung đột giữa mục tiêu phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn với nhu cầu bảo tồn, giữ vững bản sắc dân tộc, giữ gìn trật tự, an ninh xã hội hiện nay. Trả lời chất vấn này, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện khẳng định, phát triển du lịch làm sao để bền vững, không ảnh hưởng đến môi trường sinh thái, không làm phá vỡ di sản văn hóa là một vấn đề lớn trong mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển đối với tất cả các nước trên thế giới.

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Ảnh: Văn Điệp – TTXVN

Thời gian vừa qua, quá trình xây dựng các khu du lịch ở “nơi này, nơi khác” đã gây ảnh hưởng đến vấn đề bảo tồn. Bộ trưởng nhắc lại chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị toàn quốc liên quan đến công tác bảo tồn di sản văn hóa vừa qua - Đó là: "Tất cả đều có thể xây dựng được, làm được, nhưng di sản văn hóa thì không thể làm lại được nên không thể hy sinh di sản vì sự phát triển vì bất cứ giá nào." Từ đó, Bộ trưởng nhấn mạnh, trong quá trình phát triển, thiết kế luôn luôn phải chú ý đến vấn đề bảo tồn các di sản. Theo Bộ trưởng, thời gian qua còn một số tồn tại trong vấn đề này, như việc coi nhẹ quy hoạch bảo tồn, quá trình phát triển không quan tâm đến việc bảo tồn di sản hay ý kiến của những nhà hoạt động chuyên môn, hoặc khi thi công không ai giám sát…

***

Sáng ngày mai (6/6) Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện sẽ tiếp tục trả lời chất vấn các câu hỏi còn lại của các ĐHQH đặt ra cho ngành VH,TT&DL mà trong chiều nay Bộ trưởng chưa thể trả lời hết.

Thể thao & Văn hóa sẽ tiếp tục cập nhật đến quý độc giả!

Phạm Huy

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm