05/04/2023 11:23 GMT+7 | Văn hóa Giải trí 247
Chuyển từ háo hức sang hối hận sau khi nghỉ việc làm công ăn lương để chuyển sang freelancer, giờ H. muốn quay lại làm fulltime thì CV của anh cũng không còn hấp dẫn đối với các nhà tuyển dụng.
Những năm gần đây, nhất là sau đại dịch Covid-19, freelance được nhắc đến nhiều ở Việt Nam như một xu hướng làm việc mới của các bạn trẻ. Freelance, có thể hiểu nôm na là làm tự do, đã xuất hiện ở các nước từ lâu.
Lợi ích của các công việc freelance thường được biết đến như được chủ động lựa chọn việc yêu thích; thoải mái thời gian; không cần giao tiếp; tránh các mối quan hệ độc hại ở công sở; kiếm tiền không giới hạn; tự do nghỉ ngơi theo ý thích...
Tuy nhiên, làm freelance giống như khởi nghiệp và không phải ai cũng đạt được thành công như mong muốn.
Chuyển từ háo hức sang hối hận sau khi nghỉ việc làm công ăn lương để chuyển sang freelancer, độc giả H.H cho biết, anh nghỉ việc từ tháng 6/2021, đến giờ đã được gần 2 năm.
Trước đó, mức lương của anh khoảng hơn 20 triệu đồng, công ty tăng lương đều hai năm một lần. Nếu vẫn làm công ty cũ thì cuối năm nay, lương của anh H. sẽ đạt gần 30 triệu đồng.
Sau khi bị mê hoặc bởi những thành tích của bạn bè, những lời ca tụng về sự tự do, thu nhập cao, tự do tài chính, anh H. quyết định nghỉ việc để làm ở nhà với mức thu nhập bấp bênh, cộng thêm tâm lý buông thả vì thích thì làm, chán lại nghỉ, thiếu tính kỷ luật.
"Giờ tôi tiêu gần hết tiền tích góp trong mấy năm đi làm, trong khi kỹ năng ngày càng thui chột sau hai năm ở nhà. Bản CV của tôi cũng không còn mấy ấn tượng với nhà tuyển dụng nữa. Nay muốn đi xin việc lại, chắc tôi chỉ kiểm được công việc lương 10- 20 triệu một tháng, chưa kể còn phải cạnh tranh với lứa trẻ", anh H. buồn bã cho hay.
Bắt đầu làm các công việc freelance vào cuối năm 2018, P. khi ấy rất kỳ vọng về mức thu nhập có thể đạt được để ổn định cuộc sống. Nhưng thực tế, cô nhanh chóng vỡ mộng vì bị khách hàng ép giá, không thể cạnh tranh với những người làm freelancer khác do không có mối quan hệ cũng như thương hiệu cá nhân.
Cố gắng tiếp tục cho đến giữa năm 2019, P. phải tạm dừng con đường freelance để làm những việc fulltime. Cô gái trẻ quay trở lại vào giữa năm 2021, khi đã tự tin hơn về quy trình, nhân lực, mối quan hệ.
Hiện tại, P. dẫn dắt nhóm 5 người chuyên về lĩnh vực content và design, làm khối lượng công việc của 10 cá nhân cộng lại. Cô gái 25 tuổi không phải người duy nhất vỡ mộng khi làm freelancer. Theo cô, đây là điều sẽ xuất hiện với đa số người dấn thân vào con đường này khi đây là một nghề tiềm năng lớn nhưng thách thức cũng không nhỏ.
Đồng quan điểm, bạn đọc G. bày tỏ nỗi lòng bản thân từng trải qua. Làm freelancer, bạn phải thỏa thuận được công việc 20 USD mỗi giờ, thậm chí hơn nữa mới gọi là có giá trị. Nhưng để được mức này, bạn phải thực sự là một chuyên gia trong lĩnh vực mà mình làm. Bởi đơn giản, khách hàng vẫn có thể tìm một đơn vị gia công thay vì tìm kiếm một freelancer.
Nếu họ đã tìm đến bạn chứng tỏ bạn phải có năng lực. Nhiều bạn trẻ ở Việt Nam chưa ý thức được điều này, năng lực hạn chế nhưng vẫn nhận nhiều công việc để rồi không quản lý được thời gian, cũng như không chừa cho mình một khoảng nghỉ đủ để nâng cấp bản thân.
Điều đó dẫn đến tình cảnh có bạn làm một công việc lâu năm nhưng trình độ không khá lên được, làm bất chấp giá rẻ (vì trình độ chỉ có thế).... Đó không phải là freelancer đúng nghĩa nữa.
Do đó, bạn G. khuyên các bạn trẻ nếu trình độ vẫn hạn chế thì tốt nhất vẫn đi làm công ăn lương full-time, đừng ảo tưởng quá nhiều vào bản thân khi nhảy ra làm freelancer.
Những sai lầm là không thể tránh khỏi khi mới bước vào con đường freelancer, tuy nhiên khi nhận biết được các sai sót phổ biến sau đây, bạn sẽ có thể hạn chế đến mức thấp nhất.
Bắt đầu mà không có đủ tiền tiết kiệm
Hầu hết các chuyên gia tài chính sẽ cho bạn biết rằng bạn cần tiết kiệm chi phí sinh hoạt từ 3 đến 6 tháng để làm quỹ khẩn cấp, ngay cả khi bạn không có kế hoạch bắt đầu con đường freelance của riêng mình. Nếu bạn đang đi ra ngoài một mình, bạn sẽ cần thêm chi phí Startup.
Ngoài ra, nếu bạn đang làm việc freelance và không có kế hoạch có bất kỳ nhân viên nào vào lúc này, bạn sẽ không cần phải lo lắng về việc trả lương hoặc thuê không gian văn phòng (nếu cần). Còn lại, bạn sẽ cần phải suy nghĩ về những thứ như bảo dưỡng thiết bị máy tính của riêng bạn, trang bị đầy đủ và bạn có một không gian chuyên dụng để làm việc.
Chiếc máy tính 4 năm và chiếc bàn thoải mái của bạn có thể là lựa chọn hoàn hảo cho những công việc freelance không thường xuyên nhưng có thể khiến bạn nản lòng khi bạn đang nhận được những công việc cố định. Cố gắng lường trước các khoản chi phí có thể tăng trong vài tháng đầu tiên và lập kế hoạch cho chúng.
Làm việc tùy hứng
Công việc freelance được biết đến với lợi thế là khả năng làm việc tự do và dành cho tất cả các ngành nghề, từ viết nội dung, kế toán, thậm chí bạn có thể ứng tuyển nhân viên kinh doanh online.
Cũng chính vì lợi thế này mà không ít người đã mắc phải sai lầm khi mới bắt đầu công việc. Bạn không thiết kế cho mình một kế hoạch làm việc khoa học, thay vào đó là chờ đợi cảm hứng hoặc làm việc trong những khung giờ không cố định.
Thói quen này ảnh hưởng đáng kể đến tinh thần sẵn sàng làm việc cũng như mức độ hiệu quả. Vì vậy, cảm hứng không nên là cái cớ để bạn trì hoãn các công việc mà cần ấn định một vài khung giờ cụ thể trong ngày dành cho công việc.
Không kết nối các mối quan hệ
Làm công việc freelance không có nghĩa là bạn sẽ mất đi cơ hội xây dựng mối quan hệ với các đồng nghiệp, người cố vấn… Mặc dù không trò chuyện trực tiếp trong các môi trường doanh nghiệp, công sở tuy nhiên bạn có thể kết nối với họ thông qua các nền tảng trực tuyến hoặc tham gia các hoạt động workshop, hội thảo.
Việc thu hẹp bản thân và giới hạn các mối quan hệ chính là sai lầm lớn nhất mà người làm freelance thiếu kinh nghiệm mắc phải. Đừng ngần ngại làm phong phú, đa dạng các mối quan hệ để có được nhiều cơ hội học hỏi, hợp tác trong tương lai.
Để khách hàng bắt nạt bạn
Nhiều khách hàng có thể cố gắng bắt bạn bắt đầu công việc trước khi các điều khoản thanh toán đã được thỏa thuận, hoặc sẽ tăng phạm vi dự án sau khi bạn đã đồng ý một mức giá. Đây sẽ là dấu hiệu cảnh báo cần lưu tâm. Hãy đảm bảo rằng bạn biết chính xác những gì có liên quan trước khi bắt đầu công việc.
Ôm đồm quá nhiều việc và ảo tưởng sức mạnh
Nhà vẽ tranh minh họa và thiết kế đồ họa Stina Jones thừa nhận "Khi tôi bắt đầu làm freelance, tôi đã sai lầm trong suy nghĩ là tôi phải cạnh tranh với các công ty quảng cáo lớn hơn bằng cách cung cấp đầy đủ các dịch vụ sáng tạo.
Điều này dẫn đến việc tôi làm việc quá sức với một bộ Portfolio không nổi bật trong bất kỳ lĩnh vực cụ thể nào. Khi tôi quyết định làm việc với thế mạnh của mình bằng việc chuyên môn hóa những gì tôi thích nhất, mọi người phản ứng tích cực hơn và tôi dễ dàng hơn trong việc nhận được công việc. "
Bỏ qua hợp đồng
Thỏa thuận bằng lời là có thể hiệu quả, nhưng tốt hơn hết là bạn nên có một thỏa thuận bằng văn bản với khách hàng.
Có một hợp đồng sẽ không nhất thiết giúp bạn thu lại tiền nếu họ không thanh toán, bởi vì rất khó để một cá nhân buộc một công ty phải trả tiền.
Phí pháp lý thường đắt hơn số tiền bạn hy vọng sẽ hoàn lại. Trên thực tế, hợp đồng tồn tại để xác định kỳ vọng của cả hai bên, giữ cho những người trung thực luôn uy tín và đảm bảo rằng không có bất ngờ nào xảy ra trong quá trình hợp tác.
Không xây dựng đội nhóm
Làm việc độc lập là một trong những kỹ năng quan trọng và được đánh giá cao đối với người làm freelance. Tuy nhiên với yêu cầu về chuyên môn ngày càng cao và tiêu chuẩn đặt ra ngày càng cạnh tranh thì việc tìm kiếm đội nhóm là một cách thức làm việc thú vị và cần thiết.
Bạn sẽ rất khó hoàn thành một dự án có chất lượng, trừ khi chia nhỏ và phân bổ đến các thành viên theo mức độ phù hợp. Đây là lý do mà các nhóm freelancer dần trở nên phổ biến bởi khả năng linh hoạt và mức độ chuyên môn cao. Chính vì vậy mà tư duy truyền thống về hình một freelance sẽ làm tất cả các tác vụ sẽ khiến bạn khó đạt được sự tối ưu hóa trong công việc.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất