16/02/2012 08:54 GMT+7
(TT&VH Cuối tuần) - Nửa đêm, một tay bế con, một tay xách đồ, chị đi gõ cửa từng căn hộ một trong khu chung cư vừa được xây xen cấy vào trong khu phố. Đứa bé trên tay là một đảm bảo bằng vàng rằng chị là người tử tế hoặc chí ít là vô hại đối với từng chủ căn hộ phải ra mở cửa vào giờ này. Dù vậy cũng không ít người tỏ ý khó chịu ra mặt, đóng sầm cửa lại, kèm theo một câu “Không biết”.
Đúng thật, có trời mà biết chủ nhân của chiếc xe ô tô để chình ình trước căn nhà mặt phố của chị là “thằng” nào. Nó đỗ ngu xuẩn đến nỗi chiếc xe 7 chỗ ấy bịt kín cả lối vào nhà. Tất nhiên, chị cũng có thể lách vào, nhưng chiếc xe máy thì chịu chết. Chẳng mấy khi đi về muộn như thế này, lại không thể vào nhà, nên chị càng sốt ruột. Suốt hơn một tiếng đồng hồ, chị kiên nhẫn ngồi chờ chủ nhân chiếc xe trở lại. Càng chờ càng mất hút. Chị lấy điện thoại rọi vào trong xe ngõ hầu tìm được một số điện thoại chủ xe bỏ lại, nhưng tuyệt nhiên không. Xe dán kính tối om.
Khổ nhất là khi chị vừa động vào một cái, nó kêu inh lên và nháy đèn loạn xạ như xe cứu hỏa. Xe xịn người ta lắp thiết bị chống trộm mà lị. Chung cư có vài cái đầu thò ra tỏ ý khó chịu vì bị tiếng còi quấy nhiễu, nhưng không có ai xuống nhận là xe của mình cả. Đến nước này thì chỉ có cách lên gõ cửa từng căn hộ một.
Và chị gõ cửa trong vô vọng… Nếu chủ xe là một vị khách ngồi dai thì còn may, nghĩa là căn hộ ấy còn sáng đèn, và chủ căn hộ còn vểnh tai ra ngoài để nghe tiếng gõ cửa. Nhưng nếu chủ xe là một gã đực rựa, được cô người yêu tranh thủ lúc bố mẹ hay các bạn cùng phòng đi vắng gọi đến để hú hí thì có trời mà gọi. Càng gọi, chúng càng sợ, càng tắt đèn, càng nằm im ấy chứ.
Mà có thể chủ xe không có trong tòa nhà chung cư kế bên, cũng không có trong mấy căn hộ bên cạnh. Hắn ta quanh quẩn đâu đó, hoặc cũng có thể ở khá xa, có thể vãng lai cũng có thể thường kỳ, chẳng ai biết rõ. Chỉ biết hắn là một trong những kẻ đỗ trộm xe trên hè/đường phố ban đêm. Hắn ta có thuê ai trông hay không thì không rõ, nhưng đường phố về đêm thường chẳng của ai cả, cửa hàng cửa hiệu đã nghỉ hết, vì thế hắn ta cứ để chình ình ở đó. Những con phố về đêm thường chật xe là vì thế.
Khác với chiếc xe máy, nếu một kẻ vô ý thức nào đó dựng chắn lối thì dù nó có khóa cổ hay khóa càng, hay khóa cả hai thì người ta vẫn có thể tống nó ra chỗ khác. Nhưng cái giống 4 bánh gan lì thì đừng có hòng. 4 bánh của nó bó cứng lại (Đức ông lại còn kéo phanh tay nữa chứ), có trời mà đẩy.
Lắm hôm trên đoạn phố nhà tôi cả một chục người hò nhau đẩy chiếc xe 4 chỗ mà đành lắc đầu lè lưỡi, chẳng khác gì đàn chuột đẩy con voi, cuối cùng phải gọi xe cẩu đến móc hàm nó lôi đi được.
Thật ra không phải trường hợp nào chủ xe cũng đỗ một cách vô ý tứ. Cái vỉa hè chật chội của đô thị, để mỗi người đều được hưởng một tí, thì phải chia nhau chiếm dụng. Bà bán nước bán từ sáng đến 6h chiều. Từ 7h tối trở đi đến khoảng 12h đêm là của gánh hàng bún miến măng ngan (sau 12h đêm có thể còn là địa bàn của mấy cô gái đứng đường). Vào khoảng 6h chiều, khi bà bán nước vừa rút, vỉa hè không của ai cả, và một chiếc xe 7 chỗ rất ý tứ chỉ để hai bánh dưới lòng đường còn hai bánh thì thượng hẳn lên vỉa hè để ít ảnh hưởng đến giao thông nhất. Nhưng chủ xe không ngờ rằng lại xâm phạm đến vỉa hè của cô bún miến măng ngan. Cô bún miến măng ngan sau khi tập kết nồi niêu xoong chảo, bếp lò, bát đĩa, bàn ghế trên vỉa hè thì phố đã lên đèn. Cô chờ mãi, chờ mãi mà chủ xe không đến để đánh chiếc xe đi chỗ khác. Khi cô nổi xung lên gọi chồng ra “xử lý”, thì chủ xe vẫn chưa đến. Vợ chồng cô vác dao, vác ghế nhảy choi choi quanh chiếc xe mà không làm gì được nó, cũng không dám động thủ, sợ bị quy tội phá hoại tài sản của công dân thì chắc chắn là phải đền tiền triệu. Mà đây còn là tài sản của đại gia nữa.
Bảng hiệu vào “Xóm mất xe thường xuyên”
Nhưng chiếc xe đứng ì đó, mất cả chỗ bán hàng thì tức lắm. Vả lại, đâu đây còn ngửi thấy mùi gì thôi thối. Thôi đích rồi, bánh xe của nó chèn dính phân. Xe đi trong phố làm gì có phân nhỉ? Cô bún miến măng ngan vòng ra phía đường nhòm xuống gầm xe thì phát hiện bánh xe chèn qua đống rác, bốc lên nồng nặc mùi cứt trẻ con. Đích thị là xe chèn dính đống bỉm của nhà nào vứt ra rồi. Có lẽ đống rác này chui dưới gầm xe nên công nhân quét rác họ không trông thấy.
Máu nóng nổi lên đùng đùng, cô bún miến măng ngan lôi túi bỉm thối inh vứt toẹt lên cửa kính xe. Chưa xong, cô còn lấy cán chổi di đi di lại lên đống bỉm cho phân nhoe nhoét khắp kính xe, ca-pô, gương xe…
Tôi không biết đoạn kết của câu chuyện này ra sao.
Đừng nghĩ đại gia 4 bánh tiếc tiền gửi xe. Tiền dừng, đỗ xe, gửi xe ở Hà Nội dù đắt đến đâu đi chăng nữa, nhưng có chỗ để mà dừng, đỗ, gửi là còn may, còn hơn mỗi khi đi uống cà phê phố cổ thì phải vòng xe ra gửi tận Bờ Hồ. Việc đỗ trộm gây ách tắc giao thông hay để lại phiền toái cho dân tình hầu hết chỉ là bất đắc dĩ, túng làm càn mà thôi. Mua sắm ở cửa hàng mặt phố to đùng nhưng không có chỗ đỗ xe, nên đành lách bằng cách bật xi-nhan, nổ máy để chế độ dừng xe, còn cửa hàng thì bố trí cho nhân viên ngồi thế vào ghế lái ngõ hầu đảm bảo xe vẫn có người lái ở bên trong.
Thật ra mẹo đó vẫn thua xa mấy anh taxi, vốn suốt ngày phải lượn lờ chẳng ra dừng, chẳng ra đỗ đón chờ khách. Một lần trên phố Lò Đúc, tôi thấy một anh taxi để xe thẳng thớm trên vỉa hè, nhưng nắp ca-pô bật lên, và suốt mười, mười lăm phút anh cứ đi lại, hí hoáy sửa chữa gì ở trong đó. Dân xế hộp vốn quảng giao và giàu nghĩa hiệp, thấy đồng đội gặp nạn, tôi vội chạy ra hỏi han tình hình. Tay taxi cười khì: Em đỗ đây chờ khách, sợ nó bắt nên giả vờ hỏng xe. Cứ bật ca-pô lên là xong, anh ạ. Vừa cho máy đỡ nóng.
À ra thế. Đúng là xe đi thì có thể hỏng. Mà hỏng thì phải nằm lại bên đường chờ cứu hộ. Chẳng có điều luật nào có thể cấm điều đó. Tất nhiên vỏ quýt dày có móng tay nhọn. Các đồng chí quản lý giao thông có thể bắt thóp những anh giả vờ bật ca-pô như thế. Nhưng với những anh láu cá hơn nữa, thì bắt thóp cũng không phải dễ, vì vừa bật nắp ca-pô, anh ta vừa tiện tay giật dây bình ắc-quy ra thì xe không nổ được là phải, chờ cứu hộ là phải rồi…
Cuộc chiến đỗ xe không biết còn kéo dài đến khi nào. Âu cũng là do đất chật người đông…
Nguyễn Mỹ
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất