Bộ Giáo dục và Đào tạo đã rà soát toàn bộ quy trình thi và chấm thi

27/10/2018 00:00 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Chiều 26/10, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã giải trình, làm rõ hơn các vấn đề về quản lý ngành, giải đáp băn khoăn của đại biểu.

Nhiều vấn đề nóng, gây bức xúc trong dư luận xã hội thời gian gần đây liên quan đến lĩnh vực giáo dục – đào tạo đã được các đại biểu Quốc hội đề cập trong phiên thảo luận về kinh tế - xã hội ngày 26/10. Chiều cùng ngày, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã giải trình, làm rõ hơn các vấn đề về quản lý ngành, giải đáp băn khoăn của đại biểu. 

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ  Ảnh: TTXVN

Đã rà soát toàn bộ quy trình thi và chấm thi 

Giáo dục và đào tạo có liên quan đến mọi người, mọi nhà, trong đó có những vấn đề mà nhận thức ra rồi nhưng khắc phục cũng cần phải có thời gian và có sự chung tay của cả hệ thống chính trị, của toàn dân”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ mở đầu phần phát biểu của mình. 

Nói về việc tổ chức thi, Bộ trưởng cho biết, Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo yêu cầu: “Đổi mới phương thức thi và công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông theo hướng giảm áp lực và tốn kém cho xã hội, mà vẫn bảo đảm độ tin cậy, trung thực, đánh giá đúng năng lực học sinh, làm cơ sở cho việc tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học”. Thực hiện Nghị quyết 29, Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động (Nghị quyết 44), trong đó xác định “Đổi mới việc tổ chức thi, công nhận tốt nghiệp Trung học phổ thông và tuyển sinh cao đẳng, đại học tiến tới tổ chức một kỳ thi chung, lấy kết quả để xét công nhận tốt nghiệp và làm căn cứ tuyển sinh đào tạo nghề và đại học, cao đẳng... Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thực hiện theo đúng chủ trương này và có lộ trình. 

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, đây là kỳ thi Bộ cân nhắc rất nhiều trong các phương án. Công tác chuẩn bị đề thi là vô cùng quan trọng và Bộ đã rất cố gắng, sau từng năm đều cải thiện, nâng cao tốt hơn. Công tác bảo mật đề thi bằng công nghệ phần mềm cũng được chú trọng, bên cạnh đó là khâu tổ chức chấm thi, thanh tra và các công tác khác. 

Mục tiêu đặt ra là giảm áp lực, đỡ tốn kém cho xã hội thì điều đó đã được chứng minh rõ, nhiều phụ huynh, học sinh đón nhận phương án này. Tính khách quan, trung thực, đổi mới qua phương pháp trắc nghiệm cũng đã được thể hiện khá rõ, tỷ lệ quay cóp giảm rất nhiều so với trước kia, Bộ trưởng cho hay. 

Về độ trung thực, ông cho biết, kỳ thi nào cũng có vi phạm. Khi xảy ra hiện tượng tiêu cực trong kỳ thi trung học phổ thông quốc gia, Bộ đã báo cáo Thủ tướng chỉ đạo ngay, cùng với Bộ Công an vào cuộc với quan điểm là "phải làm đến nơi, đến chốn, sai đến đâu xử đến đó". Đến nay, đã chính thức xử lý 11 cán bộ, giáo viên, 151 học sinh và tới đây vẫn tiếp tục chỉ đạo xử lý, tinh thần sai là sửa và sửa nghiêm. 

Bộ trưởng cho biết, Bộ đã rà soát lại ngay toàn bộ quy trình thi và chấm thi. Quy trình đầy đủ nhưng một số khâu, đặc biệt là khâu chuẩn bị câu hỏi chuẩn hóa và ra đề thi phải tốt hơn. Về phần mềm, ông thừa nhận chưa lường hết khâu công nghệ để mã hóa code đề thi, đây là một trong những sơ hở. Bộ đã họp toàn bộ các giám đốc sở để bàn về vấn đề này và rút kinh nghiệm. Chính Bộ cũng chỉ đạo kiểm điểm trách nhiệm từng cá nhân, tổ chức để rút kinh nghiệm cho kỳ thi sau. 

"Qua kỳ thi, chúng tôi cũng rút kinh nghiệm sâu sắc ở chỗ làm sao tăng chất lượng và số lượng câu hỏi thi, tăng tính phân hóa. Đây là mục tiêu chủ yếu, trước hết là để dành cho đánh giá tốt nghiệp trung học phổ thông, đồng thời là cơ sở đánh giá, điều chỉnh nội dung của chương trình, do vậy duy trì kỳ thi là cần thiết", Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết. 

Theo ông, năm tới vẫn tiếp tục ổn định kỳ thi này, mục tiêu ra đề thi bám sát trình độ phổ thông, trong đó có phân hóa ở mức độ cần thiết, trên cơ sở đó các trường đại học, cao đẳng làm cơ sở xét tuyển đầu vào. 

Một bộ sách giáo khoa gây cứng nhắc 

Về vấn đề sách giáo khoa, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, Nghị quyết 40/2000/NQ-QH10 của Quốc hội khóa X kết luận có một bộ sách giáo khoa được sử dụng trong cả nước và bàn giao cho Bộ Giáo dục và Đào tạo biên soạn. Như vậy, theo Luật Xuất bản, Bộ Giáo dục và Đào tạo giao việc biên soạn và biên tập, chỉnh lý, in ấn phát hành cho Nhà xuất bản Giáo dục. 

Trong quá trình thực hiện có điều tốt là một chương trình phổ biến trong toàn quốc, rất nhiều vùng giáo viên khác nhau với trình độ khác nhau cũng ổn định, học cũng như dạy ổn định. Tuy nhiên, rất nhiều thầy cô dựa vào sách giáo khoa và phụ thuộc sách giáo khoa dẫn đến cứng nhắc, dập khuôn máy móc thì đây là một bất cập. 

Vì một bộ sách giáo khoa chưa khai thác được trí tuệ của các ngành, các tầng lớp, do vậy Nghị quyết 88/2014/QH13 của Quốc hội thống nhất khi đổi mới chương trình có một số sách giáo khoa để khắc phục điểm này. 

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, một bộ sách giáo khoa trong bối cảnh như vừa rồi quản lý cũng phức tạp. Tới đây, áp dụng một chương trình, một bộ sách giáo khoa có thể dẫn đến tình trạng là có một số sách không phải nhà xuất bản nào cũng có hoặc trình độ không đồng đều, giáo viên các vùng miền tham gia giảng dạy cũng khác nhau. Chính vì vậy, trong Nghị quyết 88 của Quốc hội đã giao cho Bộ Giáo dục và Đào tạo trước mắt tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa, sau đó khuyến khích các tổ chức, cá nhân có điều kiện để tham gia, mở rộng. 

"Ở đây mỗi phương án có điểm thuận và không thuận. Nhưng đợt đổi mới lần này, chúng ta có cách tiếp cận rất căn bản, trước kia đổi mới từ sách giáo khoa, dựa vào sách giáo khoa, còn bây giờ thiết kế theo Nghị quyết 88 là dựa vào chương trình, chương trình tổng thể, theo từng môn học. Từ chương trình ấy mới viết sách giáo khoa. Như vậy sách giáo khoa là một tài liệu quan trọng để thể hiện phương án, mục tiêu, chương trình, phương pháp. Bên cạnh đó, một số tài liệu khác theo tiêu chuẩn quốc tế và nước nào cũng làm như vậy" - Bộ trưởng nói.

Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV: Những giải pháp về giáo dục - đào tạo còn chưa có tính đột phá

Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV: Những giải pháp về giáo dục - đào tạo còn chưa có tính đột phá

Lĩnh vực giáo dục - đào tạo luôn là vấn đề được cử tri quan tâm lớn, tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV, các đại biểu tiếp tục có nhiều thảo luận nhằm hướng tới nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo, cũng như cho ý kiến về vấn đề sách giáo khoa đang được dư luận quan tâm trong thời gian qua.

Khi thiết kế sách giáo khoa tạo cơ hội để các thầy cô giáo sáng tạo về mặt phương pháp và linh hoạt vùng miền, vì thiết kế chương trình 80% là khung thống nhất toàn quốc, còn 20% là đặc điểm vùng, miền chuyên biệt, địa phương, tạo sự linh hoạt.

TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm