“Bố già” tăng án vì con trai phá luật im lặng

12/07/2010 11:03 GMT+7 | Trong nước

(TT&VH) - Một ông trùm mafia ở Mỹ 93 tuổi đang có nguy cơ ngồi tù trong nốt quãng đời còn lại vì phạm tội gian lận trong kinh doanh. Điều đáng chú ý là chứng cứ chống lại nhân vật này do chính đứa con trai đưa ra, sau khi anh ta quyết định phá vỡ ormeta hay “luật im lặng”, vốn nổi tiếng trong giới mafia.

Con đưa cha vào tù

John "Sonny" Franzese, 93 tuổi, là thủ lĩnh số hai tại Colombo, một thành viên thuộc “ngũ đại gia đình” mafia gốc Italia từng làm mưa làm gió trên đất Mỹ (4 gia đình còn lại gồm nhà Gambino, Bonanno, Genovese và Lucchese). Ông ta là kẻ sống sót đáng ngạc nhiên của một thời đại mafia, trong đó các tay anh chị vẫn thường giao du với những nhân vật nổi tiếng như Frank Sinatra và Sammy Davies Jr.

Tuy nhiên giờ đây Franzese đang có nguy cơ đối diện với án tù kéo dài 20 năm, sau khi ông ta và ba đồng phạm bị buộc tội bóp nặn, tống tiền hai CLB thoát y ở New York và một cửa hàng bán bánh pizza. Trong vòng 40 năm cuối đời, Franzese đã có 25 năm ngồi tù nên việc phải bóc lịch với ông ta chỉ là "chuyện nhỏ". Tuy nhiên điều đặc biệt nằm ở chỗ nhân vật khiến Franzese tăng án lại chính là con trai ông ta.


Ông trùm mafia John "Sonny" Franzese
Quyết định của John Jr Franzese, ra tòa chống lại cha đã gây sốc cho cả thế giới ngầm lẫn dư luận bởi nó cho thấy ormeta, thứ luật im lặng được tôn sùng trong giới mafia và gây khó dễ cho cơ quan công tố khi khởi tố tội phạm, đã vỡ ra từng mảng.  Luật sư bảo vệ Franzese cho biết thân chủ ông là người quá yếu ớt do tuổi cao để có thể tiếp tục hầu tòa. Richard Lind cũng cho rằng thân chủ của ông ta đã không là một mối đe dọa "kể từ thời các tổng thống Eisenhower và Lyndon Johnson”.

Tuy nhiên người con trai John Jr lại nói trong phiên tòa diễn ra ở Brooklyn, New York, vào tuần trước rằng sự già nua, yếu ớt xuất hiện nơi cha mình chỉ là một "mánh khóe lừa bịp". “Tôi không nói về cha mình như một người đàn ông. Tôi đang nói về cuộc đời ông ta đã chọn”- John Jr, 50 tuổi tuyên bố. John cho biết đã bị ép phải theo bước chân cha và còn bị ông ta lợi dụng khi còn trẻ tuổi. John từng làm nhiều vai trò khác nhau trong băng Colombo, từ kẻ gửi thông điệp cho các thủ lĩnh mafia khác tới chỗ trực tiếp tham gia vào các trò tống tiền, bóp nặn doanh nghiệp.

Tuy nhiên sau khi mắc chứng nghiện ma túy, John Jr bắt đầu hợp tác với nhà chức trách. Anh ta lén đeo thiết bị ghi âm do Cục điều tra liên bang (FBI) cấp, nhằm sửa chữa cho những lỗi lầm bản thân đã gây ra. Được biết một trong những bằng chứng John Jr đưa ra chống cha có đoạn Franzese hướng dẫn con trai và một đàn em trong băng Colombo cách uy hiếp và tống tiền các nạn nhân.

Trước động thái của John Jr, luật sư Lind đã đánh giá đó là những hành động "hèn hạ" và "không giống con người". Tuy nhiên với cá nhân Franzese, việc bị con "tố" và bản án tù trước mắt không phải là chuyện gì to tát với ông ta. "Ai buồn quan tâm cơ chứ. Cuối cùng kiểu gì tôi chẳng phải chui vào xó nào đó và chết" - Franzese nói.

Luật im lặng đã lung lay  

Trước vụ Franzese, hàng loạt các ông trùm mafia khác cũng phải đối diện với công lý do bị các thành viên của thế giới ngầm vượt qua omerta và hợp tác với nhà chức trách để kể tội họ. Hồi tháng 3 năm ngoái, Charles Carneglia, 62 tuổi, một sát thủ trong gia đình Gambino, đã phải ra tòa vì có liên quan tới 5 vụ giết người. Ông ta bị John Alite, một thành viên trong băng Gambino cung cấp lời khai nêu rõ tội trạng.

John Alite, người không bao giờ được phép trở thành một thành viên đầy đủ của băng Gambino do y sinh ra ở Albania, chứ không phải Italia, cũng là nhân vật đã "tố" thủ lĩnh John Gotti Jr của băng phạm tội giết người. Anh ta cũng cáo buộc hai sĩ quan cảnh sát New York liên quan tới một vụ án mạng của băng.

Cha của John Gotti Jr là John J Gotti cũng bị Salvatore Gravano, một nhân vật cấp cao trong Gambino cung khai chống lại. Kết quả là John J Gotti bị kết án tù chung thân, đổi lại Gravano nhận mức án tù được ân giảm nhiều, dù thú nhận đã tham gia vào 19 vụ giết người. Khi được trả tự do, ông ta sống dưới một chương trình bảo vệ nhân chứng của nhà nước, trước khi không cần bảo vệ nữa và chuyển tới sống khá thoải mái ở Arizona.

Tuy nhiên uy tín của luật omerta bị đánh giá đã sứt mẻ nhiều nhất vào năm 2005, khi FBI cho biết lãnh đạo của một trong 5 gia đình mafia lớn đã trở thành nhân chứng của Chính phủ. Joseph Massino, sếp của băng Bonnano, đã cung khai chống lại đàn em và bạn làm ăn khi phải đối diện với bản án án tử hình. Theo sau lời khai của Massino, các gia đình mafia đã phải hạn chế bớt sự hung hăng và chỉ tham gia vào những hoạt động phạm pháp "nhỏ" hơn như cho vay nặng lãi, gian lận thẻ tín dụng.

"Mafia bắt đầu trong vai trò một tổ chức bí mật nhưng nếu bạn nhìn vào mafia Mỹ hiện nay, bạn sẽ không thể tìm thấy một tổ chức tội phạm nào thiếu sự bí mật hơn" - Rick Porrello, một quan chức cảnh sát ở Cleveland, Ohio và là chuyên gia về mafia đánh giá.

Porrello cho biết mafia đã bắt đầu trốn chạy luật pháp kể từ cuối những năm 1970 nhưng phần lớn các vụ khởi tố thành công gần đây là nhờ các tay anh chị đã sẵn lòng tố cáo tội của nhau. Ông chỉ xu hướng này tới một thực tế rằng từ những năm 1980 trở đi, các băng mafia không còn được điều hành bởi các tay găngxtơ được tôi luyện từ đường phố, những kẻ đã đưa mafia lên đỉnh cao quyền lực trong những năm 1920 và 1940. Thay vì thế, các lãnh đạo hiện đại thể hiện một tinh thần kỷ luật và sự trung thành kém hơn nhiều.

Bên cạnh đó, pháp luật đã mạnh tay hơn với những tội ác liên quan tới ma túy, mánh khóe kiếm tiền phi pháp kiểu mafia và cho phép sử dụng việc ghi âm để phá án đã khiến nhiều tay anh chị hợp tác với nhà chức trách khi chúng bị tóm. Cuối cùng, một yếu tố quan trọng phải kể đến là chương trình bảo vệ nhân chứng của Mỹ, hiện đã bảo vệ rất hiệu quả các cựu thành viên mafia, tránh cho họ phải đối mặt với cái chết tới từ các cuộc trả thù như trước đây.

Tường Linh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm