Kích cầu kiểu Nhật: Chính phủ “biếu” mỗi người 12.000 yên

08/03/2009 09:20 GMT+7 | Trong nước

Ngày 5/3, hơn 780 hộ dân ở tỉnh Hokkaido đã trở thành những người đầu tiên ở Nhật Bản được nhận tiền mặt trợ cấp của chính phủ.

Các khoản tiền trợ cấp nằm trong một kế hoạch kích thích tiêu dùng trị giá 2.000 tỷ yên. Tuy nhiên theo các chuyên gia, việc phát tiền sẽ khó có thể mang lại những kết quả mà chính phủ Nhật mong đợi.

Ai cũng có tiền

Chương trình trợ cấp trực tiếp bằng tiền mặt là một phần trong dự thảo ngân sách bổ sung lần thứ 2 cho tài khóa 2008 mà Chính phủ Nhật Bản đưa ra để thực hiện các gói giải pháp kích thích kinh tế và vực dậy nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới này. Theo chương trình, mỗi người dân Nhật Bản sẽ được trợ cấp trực tiếp 12.000 yên (khoảng 120 USD) bằng tiền mặt. Riêng trẻ em dưới 18 tuổi và những người từ 65 tuổi trở lên được trợ cấp thêm 8.000 yên.

Sau 4 tháng tranh cãi, chương trình cuối cùng cũng được thông qua sau khi hạ viện do chính phủ kiểm soát vượt qua quyết định không ủng hộ của thượng viện. Thủ tướng Nhật Bản Taro Aso đã bày tỏ niềm tin và sự lạc quan của ông với kế hoạch phát tiền: “Cuối cùng, Chính phủ đã có thể phân phát tiền trợ cấp. Tôi hy vọng mọi người sẽ sử dụng hợp lý số tiền này và nó sẽ giúp tăng chi tiêu tiêu dùng” – ông Aso nói.

Một số người đánh giá kế hoạch phát tiền chỉ càng làm tăng thâm hụt ngân sách Nhật trong bối cảnh nền kinh tế xứ sở hoa anh đào tiếp tục lún sâu vào suy thoái. Chỉ tính riêng trong quý 4 năm 2008, GDP của Nhật đã tụt mất 3,3% , tức là ở mức suy giảm lớn hơn so với nhiều nước công nghiệp phát triển khác như Mỹ (1,6%) và Anh (1,5%).

Mua gì, tiêu gì?

Một câu hỏi lớn được đặt ra hiện nay là người dân sẽ làm gì với khoản tiền “từ trên trời rơi xuống” này. Tờ Times (Anh) khi viết về sự kiện đã bình luận một cách hài hước rằng các nam thanh nữ tú Nhật Bản có thể đốt khoản tiền nhỏ này để mua một chút xíu thứ trứng cá Ossetra đắt tiền. Những người khác có thể dùng để nếm thử một ngụm rượu Speyburn 21 năm tuổi hoặc nhảy lên máy bay, “lượn” tới Seoul và nếu may mắn có thể mua được một cái mũ lông thỏ, được bán với mức giá đã giảm hết cỡ.

Đó là với những người sùng bái hàng ngoại. Còn người dân chuộng hàng nội, sự lựa chọn của họ có thể sẽ khá khẩm hơn một chút. Các cửa hiệu, nhà hàng và hãng du lịch ở Nhật hiện đã đưa ra nhiều loại sản phẩm với mức giá bằng đúng món tiền mà chính phủ tặng người dân trong các phong bao nhiều màu sắc. Một vài nhà hàng ở quận Ginza tại Tokyo hiện đang cung cấp các bữa tối lãng mạn cho hai người, nơi thực khách sẽ được thưởng thức 5 món ăn kèm một chai rượu vang với giá 12.000 yên. Không ít các khu nghỉ dưỡng tắm khoáng nóng đã đưa ra các gói dịch vụ giá 24.000 yên cho những bà mẹ đi nghỉ cùng con cái. Rất nhiều các đồ điện tử khác như đầu phát DVD, điện thoại, máy ảnh cấp thấp, đã giảm xuống mức giá 12.000 yên để hút khách.

Theo Times, việc phát tiền có thể gây những thay đổi nhất định lên hoạt động tiêu dùng ở Nhật, nhưng không lớn. Một số nguồn tin tại Bộ tài chính Nhật nhận định với mức tiêu dùng ở Nhật hiện đang tụt giảm trong 11 tháng liên tiếp, có nhiều hướng khác để kích thích tiêu dùng hiệu quả hơn nhiều so với việc phát tiền. Đơn cử như việc hạ mức thuế tiêu dùng xuống còn 0%.

Loay hoay tính giải pháp

Vấn đề chính hiện nay, theo các chuyên gia chính trị và tài chính, là chính phủ Nhật chưa lên kế hoạch kỹ cho việc phát tiền. Chính phủ thậm chí còn không ban hành quy định tiền sẽ được tiêu như thế nào và chỉ riêng việc đó thôi đã làm giảm đáng kể sức tác động của biện pháp phát tiền. Số khác tin rằng dù chính phủ rất hào phóng, nhưng khoản tiền phát ra chưa đủ lớn để tạo nên một làn sóng tâm lý mạnh mẽ, kích thích người Nhật chi tiêu trở lại.

Hiện có ba điều khiến các nhà kinh tế quan ngại. Thứ nhất, theo chiến lược gia Naomi Fink của công ty Mitsubishi Tokyo UFJ, người già ở Nhật sẽ chẳng chi tiêu một xu trong khoản tiền mới được nhận mà sẽ tiếp tục đổ chúng vào núi tiền tiết kiệm đã lên tới 778 ngàn tỉ yên. Thứ hai, có khả năng người trẻ ở Nhật sẽ dùng tiền để trả bớt các khoản nợ của họ và như thế, dù gánh nặng cá nhân được giảm bớt, nền kinh tế sẽ chẳng được lợi lộc gì. Cuối cùng, thiếu những quy định chặt chẽ về việc tiền sẽ được dùng để mua hàng gì, người Nhật có thể sẽ đổ tiền ra xài hàng ngoại thay vì mua hàng nội.

Nếu các khả năng trên xảy ra, rõ ràng kế hoạch kích thích tiêu dùng bằng chương trình phát tiền của chính phủ Nhật coi như đã sụp đổ.

Gia Bảo

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm