Blog (Bài 1): Thế giới ảo, giá trị thật

20/07/2009 08:54 GMT+7 | Cuộc sống Số

 
THẾ GIỚI ẢO, GIÁ TRỊ THẬT
Blog, loại nhật ký trực tuyến đã gây “sốt” toàn cầu mấy năm nay, tuần qua “nhiệt độ” lên tới “đỉnh điểm” tại giờ G - giờ đóng cửa blog Yahoo! 360, ngôi nhà lớn quen thuộc của cộng đồng blogger, vào ngày 13/7 (giờ G này sau đó được gia hạn thêm tới ngày 19/8/2009 nhưng sau ngày 13/7 người sử dụng sẽ không cập nhật được các bài viết mới trên trang blog của mình).

Thực tế thì Yahoo! 360 đóng cửa blog vẫn không chết vì có nhiều ngôi nhà blog khác đã được xây dựng cho cư dân cũ và mới chuyển tới. Và lý do quan trọng hơn, dù tồn tại dưới dạng “ngôi nhà ảo” nhưng những giá trị sống của blog là rất thật. Nhưng cũng tồn tại một thực tế, rằng không phải ai cũng nhìn thấy được và biết sử dụng những giá trị thực trong thế giới ảo ấy cho những điều tốt đẹp hơn trong cuộc sống thực của mỗi người.

Blog - ngôi nhà toàn cầu của các cư dân mạng, với tốc độ gia tăng dân số chóng mặt, hơn 60 lần trong 3 năm (theo Wikipedia) với khoảng 50.000 cư dân mới mỗi ngày, quá “mênh mông”. Chuyên đề Blog: thế giới ảo, giá trị thật xin chỉ giới hạn ở một góc nhìn “hữu hạn” về thế giới đầy hấp dẫn và cũng đầy thách thức này.

Ø Ngôn ngữ được sử dụng nhiều nhất trong thế giới blog không phải là tiếng Anh mà là tiếng Nhật (chiếm 37%), tiếng Anh chiếm 31%, và thứ ba là tiếng Hoa chiếm 15%. Blog bùng nổ ở châu Á, đây là “vùng đất thánh” của blogger.

ØTại châu Âu, mặc dù blogger chỉ chiếm phần nhỏ trong số người dùng Internet, nhưng lại giữ vị trí thống soái các diễn đàn giới trẻ và ảnh hưởng trực tiếp đến hành vi tiêu dùng của giới trẻ ở đây.

Ø Đại gia âm nhạc AOL Music (thuộc tập đoàn AOL Time Warner), thừa nhận rằng blog có thể “lên sao” nghệ sĩ này, “xuống sao” nghệ sĩ khác. Thông qua việc sử dụng các bảng xếp hạng ca khúc, thông tin..., cư dân blog cập nhật và ảnh hưởng trực tiếp đến xu hướng âm nhạc thịnh hành.

Ø Nhiều sự kiện hiện nay xuất hiện trên blog, rồi nhật báo The New York Times hoặc The Washington Post mới vào cuộc. Nhiều nhà báo lấy nguồn tin từ các blog.

Thực hiện chuyên đề: NHÓM PV, CTV THỂ THAO & VĂN HÓA CUỐI TUẦN

Tiến hóa của Blog
(TT&VH Cuối tuần) - Con người bây giờ ngồi ngắm thiên nhiên hai tiếng đồng hồ là có thể chán. Sống dã ngoại bây giờ lại được coi là thử thách với người thành phố. Vài ngày đi bộ xuyên rừng hay leo núi đã là kỳ tích hiếm có trong đời. Nhưng blog có thể giữ chân người ta từ giờ này qua giờ khác, ngày ngày háo hức cập nhật...

Đối thủ của các phương tiện truyền thông

Có một chuyện chắc phóng đại, kể rằng một anh chàng đi du học mãi chưa lấy được bằng đỏ mang về nước. Nhưng ngôi sao blog này lại thu hút người ta hàng năm trời, bền bỉ hàng ngày như một cổng thông tin đa dạng. Người thì bảo do bận viết blog quá mà chán làm luận văn. Thì ngày nào cũng có entry, thậm chí còn có thể hai, ba cái, người ở Việt Nam sáng chưa đọc xong entry này thì chiều đã lại có cái mới, cái nào cũng khiến bà con nhao nhao bình luận. Bạn chàng kể không biết đùa hay thật, các bạn học cùng khóa tốt nghiệp gần hết, chàng vẫn còn chưa xong. Ngày bạn cùng phòng lên đường về nước cũng là ngày chàng đánh xe mua một xe ôtô mì gói về để nấu ăn và... blog tiếp. Nhưng đấy là vì lòng ngưỡng mộ của nhiều người dành cho chàng nên nói quá, chứ như nhiều nơi, blogger giỏi là phải kiếm được tiền từ entry. Mở các trang báo nổi tiếng thế giới được online, nhiều cây bình luận được dành hẳn chỗ để blog. Có người viết ngắn tủn những mẩu hài hước như Dave Berry của Miami Herald. Có người lại dùng blog để hình thành nên cả một cuốn sách đưa ra một khái niệm mới về kinh tế học tiêu dùng như TheLongTail.com (Cái đuôi dài) như Chris Anderson. Nói về một việc được xem là nhạy cảm như kiểm tra an ninh ở sân bay, Dave Barry viết: “Du lịch hàng không cứ như một cái giỏ mây đựng đồ giặt cũ vậy. Đó là suy nghĩ của tôi khi tụt quần áo trước hàng trăm người ở sân bay Denver” (Nói chuyện về thoát y trên máy bay).

Có khi blogger nổi danh bước vào truyền thông như Perez Hilton - vị giám khảo đồng tính của cuộc thi Hoa hậu Mỹ - chuyên trị các tin ảnh ngôi sao, có khi nhà khoa học được giải Nobel cũng sử dụng blog làm kênh giao tiếp chính thức như nhà kinh tế học Paul Krugman. Nói như Chris Anderson, blog là cái đuôi dài của internet, nơi con người sục sạo thông tin và không có gì bị bỏ qua cho đến khi có người tái phát hiện. 15 triệu blogger đang là thứ cạnh tranh mạnh với các phương tiện truyền thông chính thống. Chúng ta thường xem nhẹ tiềm năng của các phương tiện không chuyên nghiệp, ấy vậy mà chỉ có mỗi cách giật câu hỏi “Bạn đang nghĩ gì?” mà Facebook đã đem lại cho mấy tay sinh viên Harvard sáng lập ra cả tỷ đô-la. Có ai ngờ, khi Yahoo! 360 đang nổi như cồn ở Việt Nam thì Facebook hãy còn là thứ ấm ớ, và giờ thì người dùng Việt Nam vừa sụt sùi chia tay 360 vừa hớn hở kết nối trên thứ đang lên này.

Cõi sống của dân đô thị thời nay

Blog trở thành một phần cõi sống, cõi hạnh phúc của những con người thành thị thời nay. Không gian sinh tồn hữu hiệu bây giờ là chục mét vuông, đầu nối internet và cái máy tính. Mười năm trước, hiện tượng GuyDotCom (người sống hoàn toàn nhờ vào mạng) thi gan với GuyNotCom (tịnh không màng đến internet) còn khiến người ta hồ nghi về cái thứ người điên dại không cần biết hôm nay nắng có hồng bằng đôi môi em chẳng hạn. Bây giờ thì chẳng những người như thế có thật, mà họ đang sống sờ sờ cạnh ta, là bạn ta, là con em ta, và cũng có khi là chính ta. Giờ sống một ngày không blog thì cũng chưa sao, nhưng thử một tuần xem nào! Ta thèm đến chết đi được việc mở ra xem ai bình luận gì, và ngôi sao blog kia đã cập nhật những gì trong lúc ta vắng mặt. Sự thật “vắng cô thì chợ vẫn đông” càng làm cho ta không vui với trạng thái bên lề của mình. Blog còn đi xa hơn ở chỗ là một cách thể hiện mình ra với đời. Dù ở đời, ta vốn kém khoản thuyết trình, nhưng trên blog, chúng ta ai cũng là Socrates của ngôn từ.


Nào ta cùng blog

Chắc chắn chín chục phần trăm số blogger đều từng nói, chán blog lắm rồi hoặc đóng cửa để nghỉ ngơi. Nhưng 99% số đó chắc chắn sẽ phải vào một blog nào đó để đọc, bởi vì có thư viện báo nào trên đời cho phép bạn tìm kiếm không có điểm dừng, chỉ trừ khi bạn kiệt sức? Xét cho cùng, nhu cầu được biết cái gì đang diễn ra chi phối tâm lý con người cô đơn của đô thị. Ai hay bù khú với bạn bè, ai thỏa mãn với cuộc sống giao tiếp hoặc sống gần thiên nhiên, blog sống hay chết chẳng có nghĩa lý gì mấy. Có điều, sự đa dạng thông tin và nhiều chiều tiếp cận khiến cho người đọc vui thích như vào một cửa hàng kẹo sô-cô-la, phải bóc ra ăn mới biết mùi vị.

Từ điển bách khoa không giới hạn?

Một trong những điều vui thích ấy là sự thông tuệ đến ngạc nhiên của rất nhiều chủ nhân blog. Có lẽ điều giá trị nhất của blog ở Việt Nam là nó khiến nhiều nhà nghiên cứu hay những người được xem như “chuyên nghiệp” về viết lách - văn sĩ, phóng viên, nhà phê bình... phải giật mình về cái sự “hẹp” của mình. Nhờ blog mà bao nhiêu điều không ai biết hoặc chỉ có các nhà chuyên môn âm thầm hé cho nhau trên tạp chí chuyên ngành hoặc hành lang hội thảo mà nay được thoải mái bàn luận. Nói chung các nhà chuyên môn chẳng nên lấy đó làm tự ái hoặc lo sợ mất chỗ. Từ điển Encyclopaedia Britannica nổi danh là thế với 120 nghìn mục từ mà giờ đang chịu thua từ điển trực tuyến Wikipedia ở khả năng cập nhật và số mục từ lên tới 5,3 triệu. Hơn thế, từ điển mạng này với 50 nghìn thành viên tự nguyện, lúc nào cũng sẵn sàng cập nhật và sửa chữa. Michael Jackson vừa chết, mục từ của ngôi sao này đã có đủ thông tin về địa điểm, ngày giờ và lý do qua đời, trong khi các từ điển truyền thống xin chờ một năm sau khi tái bản và thường chỉ có số từ mô tả hạn chế.

«Con người hữu hạn trên thế gian này, cho nên lúc này đây, cách chứng tỏ cá nhân mình tồn tại mạnh mẽ nhất lại là một thứ ảo như blog.»

Ở Việt Nam, dù cũng chỉ khuynh đảo trong số người online nhưng mô hình chả kém gì Tây. Trong số Top 10 blog được báo Phụ Nữ số Tết năm ngoái chọn, đủ cả từ của nhà báo pháp luật cho đến người thạo tin vỉa hè, từ bác sĩ sức khỏe đến ca sĩ thời trang, và cả những cô gái cởi mở tâm sự về tình ái. Nghĩa là đa dạng và tả pí lù là đặc trưng dễ thấy nhất của blog. Giới cầm bút có thể chê Chuyện tình New York của Hà Kin là diễm tình ba xu, nhưng có cuốn sách nào bán chạy hơn cuốn này năm 2007 không? Cuốn sách này được nổi danh là nhờ lối dẫn dắt của nữ tác giả, nhưng phải nhắc tới sự phát tán của blog giúp sức nữa. Thử nghĩ mà xem, có gì khác giữa việc các nữ độc giả ái mộ tiểu thuyết feuilleton của các nhà văn ngày xưa trên Tiểu thuyết thứ bảy với việc run rẩy theo mối tình của cô bé Hà Kin ở xứ sở diệu kỳ kia qua từng entry.

Blog đã đưa Hà Kin thành ngôi sao của truyền thông ở mức độ nhất định, nhưng với nhiều người, họ chọn cách được thừa nhận theo nhóm hẹp, có cùng gu. Được kết nối hay là nhận được bình luận của những nhân vật đình đám cũng là cách đo giá trị của blog. Tính ẩn danh của blog khiến cho nhiều nhân vật mang màu sắc thâm cung bí sử, khi họ nhất quyết không tiết lộ nhân thân. Mặc cho người hâm mộ rầm rập nài nỉ, điều tự do cuối cùng mà họ chọn là quyền được bí mật. Không đâu như blog, việc phân hóa người đọc tin thật rõ ràng. Nguyên lý lướt web luôn đúng - người ta sẽ bỏ đi ngay sau 15 giây nếu không thấy thông tin như mong muốn. Nhưng nếu là thứ họ bắt được tần số về nội dung, điều giữ chân họ cũng không là gì ngoài việc: “người viết blog này là ai thế nhỉ?”.

Blog như bề nổi ta thấy là rất nhiều thứ hổ lốn, nhưng ở các nhánh hẹp, đó là những kho dữ liệu thú vị về cơ man phương diện của cuộc sống. Người ta có thể dò dẫm vào blog chữ Hán Nôm của TS. Nguyễn Xuân Diện, cũng như đọc đến đau đầu những entry đọc sách của Cao Việt Dũng, hoặc truy tầm các vấn đề kinh tế cùng nhà báo Huy Đức. Nhưng còn bao nhiêu người yêu thích việc chia sẻ kiến thức một cách âm thầm để cùng nhau “sướng” khi đồng ý rằng bản dịch Wittgenstein này đã được hiệu đính chính xác, hoặc hai (hoặc nhiều) tư tưởng lớn gặp nhau ở việc Trịnh Công Sơn hóa ra cũng viết được trường ca hay chả kém Diễm xưa.

Blog bằng cơ man hình thức, là một cái thiên nhiên nhân tạo, nơi con người của nó rời ra là khó sống. Con người hữu hạn trên thế gian này, cho nên lúc này đây, cách chứng tỏ cá nhân mình tồn tại mạnh mẽ nhất lại là một thứ ảo như blog. Bằng cách đó, bao nhiêu giá trị đích thực đã được phát hiện và khai mở, khiến cho những gì tưởng đúng phóc lại phải thẩm định lại. Chính vì tính “nháp” của nó mà blog lại có ưu thế khi bản thân nó là sinh thể luôn phát triển, sinh sôi và tiến hóa. Ai biết khi chán Facebook rồi, 200 triệu người dùng của nó sẽ lại tản đi vô số dạng trang khác. Bởi vì cái gì cũng có thể, huống hồ là blog.

Đón đọc Bài 2: Blog "nghệ"

Nguyễn Trương Quý 

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm