12/12/2015 14:19 GMT+7
(Thethaovanhoa.vn) - Nếu đúng Louis van Gaal nghĩ Manchester United không còn “vô đối” như giai đoạn gắn bó với Alex Ferguson, thì đội bóng này nguy thật rồi.
Vài ngày trước, Paul Scholes cũng gọi Man United “chỉ như một đội bóng trung bình”. Nhưng Scholes dùng từ “look like” (nhìn như), một sự so sánh chứ không hẳn là một lời khẳng định, và bản thân nó là một bình luận trên truyền hình cho một màn trình diễn gói gọn trong 90 phút trước Wolfsburg.
Van Gaal khiến cổ động viên sốc khi nói giai đoạn vinh quang của Man United đã kết thúc
Van Gaal thì rất hùng hồn. “Bóng đá bây giờ khác 10 năm trước rất nhiều. Ngày xưa chỉ có Barcelona, Real Madrid, Man United, Bayern Munich là nhiều tiền. Bây giờ có rất nhiều đội giàu có nên sức cạnh tranh gay gắt hơn… CĐV Man United đừng kì vọng đội bóng phải thắng tất cả các trận. Hãy nhìn nhận khác đi”.
Van Gaal đã quên rằng doanh thu của Man United năm 2014 là 518 triệu euro, gấp gần 7 lần của Wolfsburg (75 triệu), gấp hơn 8 lần PSV (63,3 triệu) và hơn 9 lần CSKA Moskva (55 triệu)? Có nghĩa, Man United giàu hơn hẳn những đội trong bảng đấu Champions League vừa rồi, nhưng chỉ giành 8 điểm sau 6 trận và bị hất văng xuống Europa League. Man United giàu nhưng vẫn thua?
Van Gaal dường như đã quên rằng chỉ 2 năm, ông tiêu của CLB hơn 260 triệu bảng để mua cầu thủ. Có đội bóng nhỏ nào tiêu từng ấy tiền?
Những “tín hiệu tích cực” như ông nói, ám chỉ các cầu thủ đã được giới thiệu trong cùng thời gian, chưa một ai bước lên đẳng cấp hàng đầu. Nhưng 260 triệu bảng ấy là rất nhiều ngôi sao, đổi lại thứ bóng đá “tẻ nhạt”, thất bại, và tệ nhất, ngay đến sự tự hào cũng không còn.
Đánh mất niềm tự hào là tự bắn vào chân
Không còn sự tự hào thì rất nguy hiểm. Một HLV sẽ truyền đạt niềm tin cho cầu thủ thế nào nếu ông bảo đội bóng mà chúng ta đang phục vụ “cũng thường thôi”? Không đá với tâm lý thắng mọi trận thì Man United chỉ cần hài lòng với những kết quả hòa? Bất cứ cầu thủ nào cũng muốn được chơi cho một đội lớn, nhưng bây giờ nhận ra, Man United không vĩ đại như họ tưởng?
CĐV Man United đang rất nhớ Sir Alex
Nó trái với hai quy tắc cơ bản mà Alex Ferguson luôn gắn bó. Một, không đội bóng nào lớn hơn Man United. Hai, kì vọng khoác lên chiếc áo đỏ là rất lớn.
Bây giờ, phủ nhận mệnh đề 1 thì cũng là phủ nhận mệnh đề 2. Nghĩa là xí xóa tất cả những gì Sir Alex vĩ đại đã gây dựng. Phát biểu của Van Gaal khi ấy thật sự là một tuyên ngôn xúc phạm.
Sir Alex vẫn kể những câu chuyện ngoài lề về công việc của ông. Ông viết sách, và người ta ngưỡng mộ những giai thoại khi ông dìu dắt lứa học trò của mình: Bất cứ tân binh nào đến Man United cũng được nghe rất kĩ về lịch sử CLB, hiểu họ là ai, họ phải làm gì, đội bóng này vĩ đại thế nào, các khu khán đài kia linh thiêng ra sao, và từ niềm tự hào đó, họ gần như không bao giờ bỏ cuộc, dù có đang phải chống lại ai.
Không thể thành công nếu thiếu niềm tự hào
Khi bước ra sân Anfield, bạn thấy dòng chữ “Đây là Anfield”, viết trên cửa ra của đường hầm. Slogan của Barcelona: “Hơn cả một CLB”, họ tự nhận mình là một thứ văn hóa của quốc gia, niềm tự hào của xứ Catalunya luôn muốn tách khỏi TBN. Bayern Munich có khẩu hiệu “Mia San Mia” (Chúng tôi là chúng tôi), câu rất hay để khẳng định sự tự tôn. Man United có sân Old Trafford được gọi bằng biệt danh “Nhà hát của những giấc mơ”. Vậy mà bây giờ HLV của họ lại cấm CĐV mơ mộng?
Van Gaal có thể muốn giảm áp lực lên học trò, nhưng tự ám thị rằng chúng ta là những kẻ xoàng xĩnh, hãy đá với cái đầu nhẹ bẫng không lo toan, thì có lẽ đã đánh tụt tất cả những giá trị truyền thống mà Man United đã xây dựng.
Chưa kể, đó còn có thể là phát súng tự bắn vào chân, khi thứ bóng đá của Van Gaal vốn đã bị cho là chống lại văn hóa thích tấn công phóng khoáng, bây giờ tư tưởng của Van Gaal lại trở thành một dạng chống đối công khai.
Hãy nhớ, Man United có thể không có ông Van Gaal, nhưng không bao giờ có điều ngược lại.
Đỗ Hiếu
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất