Biến đổi 'gen' văn hóa

13/07/2014 08:01 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Khi Quan họ bước lên sân khấu, có nhạc đệm, có micro..., nó trở thành một thứ “quan họ phản quan họ” không chỉ trong mắt của các nhà nghiên cứu văn hóa và âm nhạc dân gian. Cũng như vậy khi Ca Huế “xuống đò” trên sông Hương hay đờn ca tài tử phục vụ quán nhậu miền Tây. Và khi chàng trai trẻ Hoài Lâm “hóa thân” thành nghệ nhân Hà Thị Cầu trong “trò chơi truyền hình” Gương mặt thân quen khiến cộng đồng giới trẻ sau đó sôi sục tìm hiểu về xẩm… Văn hóa đang biến đổi từng ngày với những hệ lụy khó lường.

Trong 10 năm qua, khái niệm “biến đổi văn hóa” (Culture Change) đã thực sự ở trên bàn làm việc của lãnh đạo nhiều quốc gia tại phương Tây, nơi mà dấu ấn toàn cầu hóa tiên phong nở rộ và kéo theo vô vàn hệ lụy từ góc độ văn hóa. Thay vì tìm cách chống lại sự biến đổi này, nhiều nước đã nghĩ ngay đến việc tiên liệu những chuyển đổi sẽ thấy trong tương lai để tìm phương án thích nghi mới, nhằm liên tục tái kích hoạt sự vận động của văn hóa bản địa. Các nghiên cứu khu vực hẹp và diện rộng đều chỉ ra rằng hiện tượng biến đổi “gen” văn hóa đã diễn ra từ lâu, nhưng với thế giới ngày nay thì sẽ mau chóng và tàn bạo hơn.

Năm 2008, trong báo cáo chiến lược có tên Định đoạt văn hóa: Một khung chính sách, David Knott, Stephen Muers và Stephen Aldridge (Anh quốc) là những người đầu tiên đề cập đến khái niệm “biến đổi văn hóa” như nội hàm mà nó quan tâm đến. Từ đó đến nay khái niệm này đã thành từ khóa của nhiều nhà hoạch định chính sách và của nhiều nhà nghiên cứu trên khắp thế giới. Cùng với một số nghiên cứu có thẩm quyền khác, biến đổi văn hóa được nhận diện qua vô số biểu hiện, trong đó tiêu biểu nhất là các trường hợp sau:

Văn hóa biến thành lịch sử

Trong vô vàn những nhận diện về biến đổi văn hóa, đáng chú ý đầu tiên là việc văn hóa chuyển đổi thành lịch sử, nghĩa là đóng khung, cắt đứt sự sống. Điều này có thể nhận thấy qua văn học truyền miệng chẳng hạn, vốn là văn hóa và văn minh nền tảng của nhiều dân tộc, nhưng bây giờ đa phần đã thành nguồn cội lịch sử của dân tộc đó, nó chỉ được ghi nhớ và lưu trữ, chứ không còn được người dân sử dụng bằng phương thức truyền miệng nữa.


Với bài trí sân khấu như thế này, ca trù đã thực sự đánh mất không gian đời sống của nó, chỉ còn là một show diễn. Cũng xin nói thêm, trong hồ sơ gửi UNESCO thì Việt Nam còn 21 nghệ nhân ca trù, 3 năm sau (2012) chỉ còn 18 người, vì 3 người đã chết do tuổi già. Theo tài liệu Hán - Nôm, ca trù có 99 thể cách, nhưng thực tế chỉ còn lưu giữ được 26 thể cách trên giấy và 3 thể cách ghi âm, nhưng không có mấy nghệ nhân thông thạo

Còn nhớ hồi 17/1/2013, theo tin từ Sở VH,TT&DL tỉnh Lâm Đồng thì sử thi Tây Nguyên là một trong 12 di sản văn hóa phi vật thể mà Việt Nam dự kiến lập hồ sơ trình UNESCO cho giai đoạn xét duyệt đến năm 2016. Năm 2007, bộ Kho tàng sử thi Tây Nguyên gồm 62 tập với khoảng 60.400 trang đã được xuất bản. Thế nhưng, theo các cơ quan và cá nhân phụ trách sưu tầm cho biết thì số người còn thuộc và còn kể sử thi (kể khan) chỉ đếm trên đầu ngón tay. Không gian sống, diễn xướng và tiếng nói đã thay đổi quá nhiều, nên sử thi Tây Nguyên với giới trẻ tại đây cũng xa lạ y như với giới trẻ ở các tỉnh thành khác. Đây là giai đoạn khá thú vị nếu chúng ta muốn chứng kiến quá trình văn hóa chuyển đổi thành lịch sử, nghĩa là văn hóa vẫn còn đó nhưng không còn được sử dụng như là văn hóa sống.

Điều này cũng tương tự như khi chúng ta nhìn lại các địa điểm được gọi tên là “di sản văn hóa thế giới” ở Việt Nam, phố cổ Hội An rõ ràng khác với cố đô Huế về khía cạnh tiếp diễn đời sống, càng khác với thánh địa Mỹ Sơn, hoàng thành Thăng Long, thành nhà Hồ… Xét về quá trình văn hóa chuyển đổi thành lịch sử, rõ ràng thánh địa Mỹ Sơn, hoàng thành Thăng Long, thành nhà Hồ đã trọn vẹn là di tích lịch sử, nên ít chịu sự chi phối trực tiếp từ đời sống văn hóa của người dân hôm nay. Hiện trạng di tích chỉ có thể xuống cấp nhiều hay ít, bảo tồn hợp lý hay chưa chứ khó có thể sản sinh thêm các thành tố văn hóa mới.

Văn hóa sống là nơi các thành tố mới được sinh ra từ cơ sở là “bản đồ gen” văn hóa nền tảng. Ví dụ việc phố cổ Hội An hay cố đô Huế quy định việc xây dựng mới các ngôi nhà theo phong cách xưa, điều này ban đầu chỉ để phục vụ cho quy hoạch đô thị và thị giác của du khách - xem không bị nhức mắt. Thế nhưng theo năm tháng (một hay vài thế kỷ sau), thành tố mới và thành tố cũ dần hòa đan xen, quyện vào nhau, đâu là cựu, đâu là tân, khó mà phân biệt được nữa.

Mất bản quyền văn hóa

Ngày nay khái niệm mất quyền văn hóa (Loss Of Cultural Rights) luôn được dẫn ra để cắt nghĩa về sự biến đổi “gen” văn hóa. Hiện thế giới còn khoảng 6.000 nền văn hóa, với từ 4.000 đến 5.000 nền là văn hóa bản địa. Khoảng 3/4 trong số các ngôn ngữ trên thế giới được nói bởi người dân bản địa. Thế nhưng các thứ tiếng bản địa đang biến mất nhanh chóng, cũng đồng nghĩa rằng các nền văn hóa đó chấp nhận mất bản quyền gốc, khi thế hệ con cháu dần tư duy bằng ngôn ngữ khác.


MV Gangnam Style của Psy là một điển hình của văn hóa vô tính thời nay

Còn theo nghiên cứu của Nancy H.Hornberger công bố năm 1998, người Maori là dân bản địa của New Zealand từng ký Hiệp ước Waitangi năm 1840 nhằm chấp thuận các quyền cai trị của Anh quốc. Họ chỉ yêu cầu Anh quốc công nhận một số quyền văn hóa bản địa, trong đó có quyền giữ gìn ngôn ngữ Maori. Tuy nhiên, cuối Thế chiến 2, hầu hết trẻ em Maori được dạy bằng tiếng Anh, do đó ngôn ngữ Maori đã từ từ biến mất. Để đảo ngược xu hướng này, người Maori vận động Chính phủ New Zealand thiết lập các chương trình giáo dục ngôn ngữ bản địa.

Kết quả là họ tạo ra các Te Kohanga Reo vào năm 1981, một chương trình giáo dục toàn diện cho trẻ em liên quan đến ngôn ngữ, lịch sử và văn hóa Maori. Chương trình cung cấp một hệ thống giáo dục song song, giữa truyền thống với chương trình tiếng Anh vốn đang được sử dụng phổ biến. Nancy H.Hornberger chỉ ra rằng bản quyền văn hóa đôi khi bị cướp mất, còn thường là tự biến mất; chẳng mấy nơi làm được như New Zealand.

Điều này cũng tương tự như khi ta nhìn về hệ thống ngôn ngữ, chữ viết và văn hóa của các dân tộc thiểu số tại Việt Nam, nó cũng biến mất dần dần, mà muốn cứu vãn tình hình thì không dễ dàng gì. Tiến sĩ Trần Hữu Sơn, Giám đốc Sở VH,TT&DL Lào Cai,  nhiều lần nêu ra: “Hiện nay ở miền núi phía Bắc có thực trạng bản sắc văn hóa dân tộc của nhiều tộc người bị mai một nghiêm trọng. Các dân tộc ít người nhóm ngôn ngữ Môn - Khmer như: Kháng, Mảng, Khơ Mú… đang có nguy cơ bị Thái hóa. Các dân tộc ở vùng biên giới lại có nguy cơ bị Hán hóa, Choang hóa… Còn các dân tộc ở vùng ven đô thị, ven đường giao thông lại có nguy cơ Kinh hóa. Người Hà Nhì ở Ý Tý (Lào Cai), Mường Tè (Lai Châu) bỏ trang phục truyền thống của dân tộc mình và mặc trang phục của người Hà Nhì - Trung Quốc sản xuất bằng vải công nghiệp”.

Sự mất quyền và bản quyền văn hóa cũng do việc chuyển đổi không gian sống, trong hai thập niên vừa qua và đang đến, việc nhập cư ồ ạt từ nông thôn lên thành thị dẫn đến vô số thách thức. Trong chuyên luận có tên Phân tích các nguyên nhân khiến mất quyền văn hóa của lao động nhập cư (dẫn theo Asian Social Science; Vol.8, No.13; 2012), Qiang Zhang (Đại học Nông nghiệp Tứ Xuyên, Trung Quốc) chỉ ra: “Lao động nhập cư đang ở quá trình chuyển đổi từ “nông dân” thành “thị dân”, do đó bản sắc của họ là không rõ ràng, công việc của họ và không gian sống tương đối bị cô lập với cư dân đô thị, thói quen văn hóa của họ có sự khác biệt lớn với cư dân đô thị, dẫn đến giao tiếp của họ tương đối hạn chế, họ không có cảm giác thuộc về thành phố nơi cư trú và họ đang thiếu hiệu quả truyền thông và hội nhập với cư dân đô thị về mặt văn hóa.

Đặc biệt là thế hệ mới của lao động nhập cư đang ở thời kỳ hoàng kim của việc kết bạn, tình yêu và hôn nhân, nhu cầu của họ về trao đổi suy nghĩ và giao tiếp tình cảm mạnh mẽ và mức độ nhu cầu của họ về văn hóa không ngừng được nâng cao, như một kết quả mà họ thường cảm thấy cô đơn về tình cảm và thậm chí cả vấn đề tâm lý xảy ra với một số người, mang lại mối nguy hiểm tiềm ẩn cho sự ổn định của xã hội. Chỉ khi nào chúng ta phân tích cả nguyên nhân chủ quan và khách quan dẫn đến thiệt hại về quyền văn hóa của dân nhập cư một cách chính xác, thì mới có khả năng tìm ra một chính sách hợp lý để giải quyết việc mất quyền văn hóa của họ”.

Việc chuyển đổi không gian sống cũng đã giúp chúng ta cắt nghĩa vì sao nhiều thành tố văn hóa truyền thống phải đi vào bảo tàng, vào sử sách. Điều này đã và đang xảy đến với nhã nhạc cung đình Huế, cồng chiêng Tây Nguyên, quan họ Bắc Ninh, ca trù, hát xoan… - những di sản được UNESCO công nhận. Việc sân khấu hóa, truyền hình hóa, du lịch hóa dần dà làm thay đổi gen gốc và ý nghĩa tồn tại của các thành tố văn hóa này. Nếu trước đây cồng chiêng được đánh vào các dịp quan trọng của buôn làng thì ngày nay được đánh chủ yếu để phục vụ du khách, để ghi hình. Kỹ thuật đánh có thể chưa bị mai một, nhưng ý nghĩa văn hóa (lý do chính để nó sinh ra và tồn tại) thì đã mất đi (nên nhớ là UNESCO trao tặng danh hiệu Di sản văn hóa thế giới cho “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” chứ không phải cho “cồng chiêng Tây Nguyên”).

Sự mất quyền và bản quyền văn hóa còn do thế giới ngày càng phẳng, nơi mà tiếng nói chung được hoan nghênh, còn tiếng nói riêng thì lẻ loi, bị thu hẹp. Nếu chấp nhận nghệ thuật đại chúng, công nghệ giải trí, trò chơi điện tử, truyện tranh, nước ngọt - thức ăn nhanh, bóng đá, Internet, điện thoại di động… là những thành tố mới của văn hóa đô thị thì việc lai tạp về bản quyền và bản sắc văn hóa là đương nhiên.

Đơn cử như việc Coca-Cola cố gắng làm sao để nước ngọt của họ chỉ có một hương vị chung cho toàn thế giới, đồng nghĩa không có mùi vị riêng. Cũng như xem một trận bóng đá trực tiếp qua ti-vi, khắp hang cùng ngõ hẻm đều biết kết quả như nhau. Hay như phim ảnh ngày nay, nơi mà nhiều thành tố được xem là văn hóa chung thì được sử dụng miễn phí, ví dụ như võ thuật kiểu Trung Quốc, ngày trước là đặc sản của phim nước này, ngày nay nước nào cũng có thể sử dụng mà không cần phải xin phép. Dân võ hay nói vui, phim Hollywood bây giờ đánh võ đẹp như phim Trung Quốc, mà phim Hollywood lại chiếu khắp thế giới, nên chỉ cần vài thập niên nữa, phong cách phim võ thuật của Trung Quốc sẽ bị hòa đồng, mất bản sắc riêng. Cái gọi là di sản văn hóa chung của nhân loại đang thách thức bản quyền văn hóa, tính độc bản văn hóa của mọi dân tộc.

Văn hóa vô tính

Trong khi văn minh - văn hóa nông nghiệp phải mất cả trăm ngàn năm để phổ cập rộng rãi khắp thế giới, thì văn minh - văn hóa công nghiệp chỉ mất vài trăm năm, còn văn minh - văn hóa công nghệ thông tin chỉ mất vài chục năm. Tốc độ giao thoa và lai tạp văn hóa ngày một nhanh hơn, đó là điều rõ ràng.

Việc MV Gangnam Style của Psy có hơn 2 tỷ lượt xem trên YouTube có thể được cắt nghĩa bằng nhiều góc nhìn, trong đó có sách lược quốc gia về tiếp thị hình ảnh mà Hàn Quốc đang theo đuổi trong vài thập niên vừa qua. Thế nhưng, nếu đi vào nội tại của MV này, nó có nhất thiết phản ánh thuần bản sắc văn hóa Hàn Quốc hay văn hóa K-pop không? E rằng không. Nhiều nghiên cứu cho thấy rằng chỉ có những sản phẩm văn hóa vô tính như kiểu Gangnam Style (cũng giống như nghệ thuật đại chúng, công nghệ giải trí, trò chơi điện tử, truyện tranh… mà ta đã đề cập) thì mới có khả năng lan tỏa nhanh chóng như vậy. Dù ở cấp độ thấp hơn, nhưng các MV của Sơn Tùng M-TP gần đây cũng đi theo hướng văn hóa vô tính này, nơi mà các “nguồn beat” của nó cũng vô tính như vậy.

Văn Bảy
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm