19/03/2024 07:08 GMT+7 | Giải trí
David Seidler, nhà biên kịch từng đoạt giải Oscar với bộ phim điện ảnh đình đám The King's Speech (năm 2010) vừa qua đời hôm 16/3, thọ 86 tuổi.
Người quản lý của Seidler, Jeff Aghassi, nói với tạp chí The Times rằng nhà biên kịch đã ra đi hôm thứ Bảy khi đang câu cá ở New Zealand. Nguyên nhân cụ thể về cái chết không được nêu ra.
Sự đồng cảm
Bộ phim The King's Speech đã càn quét các hạng mục hàng đầu tại giải Oscar năm 2011, mang về cho David Seidler giải Kịch bản gốc. Phim cũng được vinh danh là Phim hay nhất còn Tom Hooper giành chiến thắng ở hạng mục Đạo diễn và Colin Firth giành giải Nam diễn viên chính xuất sắc nhất.
The King's Speech dựa trên câu chuyện có thật về vua George VI của Anh (do Firth thủ vai), người đã phải vật lộn với chứng nói lắp nghiêm trọng suốt đời và được nhà trị liệu ngôn ngữ người Australia Lionel Logue (Geoffrey Rush thủ vai) giúp đỡ khi thực hiện bài phát biểu đầu tiên trên đài phát thanh quốc gia sau khi Thế chiến II nổ ra.
"Trước khi đài phát thanh được phát minh, họ chỉ cần là những nhân vật tối cao, xa vời. Đó là những người mà bạn nhìn thấy từ xa, sau đầu hàng nghìn người, và nhận ra họ là vua nhờ những chiếc lông chim lớn trên đầu. Tất nhiên, bạn sẽ không bao giờ được nghe nhà vua nói" - Seidler kể về kịch bản này - "Nhưng rồi nhờ công nghệ, bạn có thể đột nhiên nghe tiếng nhà vua nói trong phòng khách của mình, thậm chí là ở những nơi riêng tư hơn, và thoải mái đưa ra những lời bình luận ông. Đó là một sự thay đổi khổng lồ".
Bản thân Seidler cũng từng chật vật với tật nói lắp thời nhỏ. Và kinh nghiệm mà ông đã rút ra từ chính cuộc sống của mình đã giúp nhà biên kịch này phác họa một bức chân dung đầy ắp sự cảm thông về vua George VI - khi nhà vua phải diễn thuyết trước công chúng vào một thời khắc hiểm nghèo của đất nước.
"Tôi không thể viết câu chuyện này hồi mình 33 tuổi. Cuộc sống có đủ loại trở ngại, nhưng chỉ khi đứng tuổi, bạn mới có thể nhận ra rằng chúng thực sự luôn có ích cho mình" - Seidler kể lại - "Tôi từng rất buồn khi Hoàng hậu (vợ góa của vua George VI) bảo tôi đừng viết chuyện này khi bà còn sống. Nhưng thật ra khi đó tôi cũng chưa sẵn sàng".
"Để kể câu chuyện một cách chính xác, tôi phải đắm mình vào trải nghiệm của một người nói lắp. Điều đó có nghĩa là tôi phải quay lại nỗi đau và sự cô lập mà mình từng trải qua khi còn nhỏ. Điều ấy không dễ dàng, ngay cả bây giờ" - ông nói thêm.
Trailer phim “The King’s Speech” do David Seidler viết kịch bản
Trước The King's Speech, Seidler có một sự nghiệp điện ảnh nhiều thăng trầm, chông gai. Thế nhưng, phải tới đầu những năm 2000, khi đã gần 70 tuổi, ông mới quyết tâm thực hiện ước mơ của đời mình là viết kịch bản The King's Speech. Thời điểm đó, ông vừa thoát cửa tử khi chiến đấu với căn bệnh ung thư.
"Tôi cảm thấy vô cùngbuồn cho bản thân. Nhưng sau đó, tôi đã tự vực dậy và lao vào công việc. Tôi tự nhủ: "Nếu bây giờ mình không viết câu chuyện về vua George VI thì định đợi tới bao giờ đây?" - Seidler nhớ lại.
Và như thế, kịch bản phim kinh điển The King's Speech đã ra đời.
Khi viết kịch bản, Seidler phát hiện ra rằng chú của mình, vốn cũng là một người nói lắp, từng được ông nội gửi đến gặp chính Lionel Logue để điều trị. Quả là một câu chuyện có nhiều nhân duyên.
"Nói lắp, nhưng mọi người sẽ phải nghe tôi"
David Seidler sinh năm 1937 ở London, trong một gia đình Do Thái thuộc tầng lớp trung lưu. Mẹ ông là nghệ sĩ đồ họa, còn bố là nhà kinh doanh lông thú, có văn phòng ở New York. Sau Thế chiến II, gia đình ông tái định cư ở Mỹ.
Con tàu chở họ tới Mỹ là thành viên của đoàn tàu gồm 3 chiếc, trong đó 1 chiếc bị đánh chìm giữa đường. Seidler đã mắc chứng nói lắp trên hành trình này, khi ông chưa đầy 3 tuổi.
Seidler sau đó lớn lên ở Long Island, New York. Chứng nói lắp của ông có phần nặng hơn. Seidler tin rằng đó có thể là phản ứng trước những tổn thương tinh thần trong chiến tranh. Nghĩ rằng điều này sẽ khiến người khác cảm thấy khó chịu nên khi còn là thiếu niên, ông thường chọn cách im lặng.
Seidler đã thất bại với vô số hình thức trị liệu ngôn ngữ. Mãi tới năm 16 tuổi, bước đột phá mới xảy ra. "Tôi quyết tâm rằng nếu mình còn nói lắp trong suốt quãng đời còn lại, mọi người sẽ phải chịu nghe tôi. Tôi đã từng chán nản, nhưng giờ tôi tức giận. Tôi quyết định rằng mình xứng đáng được lắng nghe"- ông kể.
Một thời gian ngắn sau đó, ông tham gia thử vai cho vở kịch ở trường của mình, Androcles And The Lion, và thành công khi nhận được một vai phụ. Seidler sau đó theo học tại Đại học Cornell- nơi ông là bạn của nhà văn lừng danh Thomas Pynchon - và tốt nghiệp với tấm bằng cử nhân nghệ thuật vào năm 1959.
Công việc đầu tiên của ông trong lĩnh vực giải trí bao gồm dịch thoại cho các phim về quái vật của Nhật Bản. Sau đó, ông lấn sân sang lĩnh vực truyền hình với loạt phim Adventures Of The Seaspray vào thập niên 1960.
Mãi tới năm 40 tuổi, Seidler mới tới Hollywood. Công việc đầu tiên của ông ở đó là viết kịch bản Tucker: The Man And His Dream (1988) cho đạo diễn, bạn học cũ Francis Ford Coppola. Tuy nhiên, sau bộ phim, họ đã nảy sinh bất hòa lớn. Seidler quay trở lại sự nghiệp truyền hình của mình, trong đó có bộ phim hoạt hình dành cho trẻ em năm 1999 Madeline: Lost In Paris.
Trước đó, ông đã viết kịch bản cho những bộ phim truyền hình theo phong cách tiểu sử như Malice In Wonderland năm 1985, với sự tham gia của Elizabeth Taylor trong vai Louella Parsons, và Onassis: The Richest Man In The World năm 1988. Có thời gian, ông là thành viên của nhóm tác giả Feather & Seidler cùng với Jacqueline Feather.
Trong một cuộc phỏng vấn, Seidler đã nhớ về vua George VI như một anh hùng thời thơ ấu, người đã cho mình niềm hy vọng khi lắng nghe những bài phát biểu trong thời chiến. Bố mẹ cũng khuyến khích ông khi nói rằng nhà vua còn "nói lắp tệ hơn con nhiều. Hãy nghe ông ấy nói lúc này. Ông ấy không hoàn hảo nhưng có thể đưa ra những bài phát biểu kỳ diệu, chấn động, để vực dậy thế giới tự do".
Luôn muốn viết về vua George VI, và bản thân cũng là một người nói lắp, Seidler bắt đầu nghiên cứu kịch bản này từ những năm 1970. Sau khi tìm thấy Valentine Logue, người con trai còn sống của nhà trị liệu ngôn ngữ Lionel Logue (người từng hỗ trợ vua George VI), ông đã gửi thư liên lạc vào năm 1981. Phía Logue rất muốn nói chuyện với Seidler và thậm chí chia sẻ những cuốn sổ mà bố ông đã lưu giữ khi điều trị cho nhà vua, nhưng với điều kiện là trước tiên ông phải được "sự cho phép bằng văn bản của Hoàng hậu". Năm 1983, Seidler phải bỏ dở dự án vì Hoàng hậu yêu cầu ông không theo đuổi câu chuyện khi mình còn sống.
Hoàng hậu qua đời vào năm 2002, nhưng Seidler chỉ bắt đầu công việc vào năm 2005, khi ông bị ung thư vòm họng. Cuối cùng, ông ấy đã hoàn thành bản thảo đầu tiên cho kịch bản phim của mình. Vợ ông khi đó, người cũng là cộng sự viết kịch, đã gợi ý ông viết lại nó theo hình thức gần với kịch bản sân khấu, như một bài thử sức. Bà cảm thấy rằng "những giới hạn vật lý của sân khấu sẽ buộc ông ấy phải tập trung vào các mối quan hệ chính trong câu chuyện mà không bị phân tâm bởi những kỹ thuật điện ảnh".
Lời khuyên đó đã được chứng minh là vô cùng đúng đắn. Năm 2011, Seidler đã giành được giải Kịch bản gốc xuất sắc nhất cho The King's Speech cả ở BAFTA và Oscar.
Tượng đài "The King's Speech"
The King's Speech gặt hái thành công lớn cả về doanh thu và chất lượng nghệ thuật. Với kinh phí 15 triệu USD, phim thu về hơn 427 triệu USD. Phim nhận mưa đề cử và giải thưởng ở những giải điện ảnh danh giá nhất. Riêng tại Oscar lần thứ 83, phim nhận được tới 12 đề cử, thắng 4 ở hạng mục.
Gần đây, phiên bản sân khấu của The King's Speech đã được dàn dựng thành công ở West End, London và được lên kế hoạch ra mắt tại sân khấu Broadway. Theo quản lý Aghassi, Seidler "có nhiều dự án đang được phát triển tích cực, bao gồm phim tài liệu, loạt phim giới hạn và phim điện ảnh".
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất