11/11/2012 14:06 GMT+7 | Văn hoá
(TT&VH) - Năm 1980 khi nghiên cứu hai pho tượng Kim đồng - Ngọc nữ, thế kỷ 18 -19, ở chùa Dâu, tôi thấy dường như đó là tỷ lệ đẹp của người Việt Nam xưa.
Tượng Ngọc nữ chùa Dâu. Ảnh Đỗ Huy |
Đây là trường hợp hiếm hoi của điêu khắc truyền thống có tính hiện thực cụ thể, thay vì tính chất tượng trưng, ước lệ phổ biến. Tất nhiên, đây có thể là tỷ lệ lý tưởng, vì người Việt thời điểm đó trung bình thấp hơn nhiều, có thể nam chỉ đạt 153cm, nữ 143cm. Các pho tượng võ sỹ và quan hầu trong lăng mộ thế kỷ 17, 18 cũng có xu hướng gần với sự thực cho thấy một tỷ lệ rất thất vọng, dù họ đã là võ quan, nhưng bình quân chỉ cao 140 cm, tất nhiên cần loại trừ tính tượng trưng của điêu khắc đá, không phải lúc nào cũng kiếm được các khối đá lớn theo ý muốn.
Các pho tượng võ sỹ mặc cả giáp trụ mới đạt chiều cao 160 -165cm. Tuy nhiên thân hình khá vạm vỡ. Điều này cũng thống nhất với các mô tả của người phương Tây vào Việt Nam thế kỷ 17 -18, rằng người Việt không cao, nhưng khá đẹp đẽ, cân đối và vạm vỡ, với nước da nâu ngả đen do rám nắng, vì vào mùa Đông lại khá trắng.
2. Trong các cuốn sách nghiên cứu về thời Trung cổ phương Tây, cho biết con người thời đó từ bình dân đến quý tộc đều khá vạm vỡ rắn chắc. Họ vận động cả ngày, lao động chân tay, đi bộ, săn bắn, chiến đấu, mang vác. Khí hậu lạnh nhưng không có nhiều quần áo ấm, tất nhiên có nhiều bộ lông thú để mặc, kể cả bình dân, nên thể lực và cơ thể đều đẹp và ít hiện tượng béo phì.
Điều đó phù hợp với điều kiện sống ít được sưởi ấm trong các ngôi nhà như hiện nay, và không phải lúc nào cũng có lương thực đầy đủ.
Tuy nhiên những ghi chép về bữa ăn cho thấy, thời Trung cổ phương Tây lớp thợ thủ công ăn khá nhiều trong một bữa, ngoài rau cỏ, rượu vang có đến 6 quả trứng.
Ở tất cả các vùng miền trên thế giới cho đến trước thời đại công nghiệp, hình thể con người đều tương đối cân đối, rắn chắc do lao động chân tay, đi bộ và rèn luyện trong những cuộc chiến tranh liên miên.
Càng là thổ dân, các bộ tộc hoang dã thân hình con người càng cân đối, đẹp đẽ do vận động từ nhỏ đến lớn và làm quen với đời sống khắc nghiệt.
Người Việt Nam cũng vậy, trừ số ít thuộc tầng lớp giầu có, ăn no lại nằm, có kẻ hầu người hạ, thân hình chóng béo phì, còn lại dân chúng không ai bụng to, mặt bự, điều này còn kéo dài đến sau chiến tranh chống Mỹ, và người Việt Nam chỉ biến đổi nhiều về thể chất từ sau thời Đổi mới, bắt đầu từ những năm 1980 - 1990.
Người nông dân Bắc Bộ đầu thế kỷ 20. Ảnh Piere Dieulefils. Nguồn: NXB Thế giới |
Ở những vùng cao, người ta thường xuyên phải đi chợ trước một ngày, tức là đi bộ và gánh hàng xuống chợ trong một ngày liền, nên các chợ phiên thường tổ chức hai ngày, ngày thứ 2 mới là phiên chính. Trong đó, người xuống chợ buôn bán lại là rất nhiều các ông bà già, tầm vận động trong vòng 70 km là bình thường và đi bộ tiện hơn đi xe đạp do đường núi.
Điều này cho thấy chế độ lao động và nguồn dinh dưỡng có tác động đến sự thay đổi thể chất con người. Khoa học càng phát triển, con người có nhiều máy móc phương tiện hỗ trợ, thực phẩm dồi dào, người ta có thể cao lớn to béo hơn, nhưng suy thoái về thể lực và sự dẻo dai của cơ bắp so với thời kỳ thủ công và tiền công nghiệp.
(Xem tiếp kỳ 2 trên TT&VH số ra Chủ nhật tuần tới, 18/11)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất