"Bí thư tỉnh ủy" - sốt ruột đợi… cao trào

16/11/2010 14:29 GMT+7 | Truyền hình thực tế

(TT&VH) - Khi Bí thư Tỉnh ủy (BTTU) Hoàng Kim bị đưa vào “tầm ngắm” vì mạnh dạn để bà con nông dân quê nhà áp dụng cách thức “khoán hộ” vào sản xuất là lúc bộ phim cùng tên đi được gần nửa chặng đường. Dù là đề tài chính luận nhưng không ít khán giả đã chờ đợi, dõi theo hàng đêm.

Tuy nhiên, không ít người... sốt ruột vì chưa thấy những xung đột bùng nổ, dù phần kết cuộc đời bi kịch của “ông khoán hộ” ít nhiều đã được biết đến.

Cả phim chỉ có một cao trào

Lấy nguyên mẫu ông Kim Ngọc - nguyên Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc, bộ phim tái hiện quãng đời của nhân vật Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Kim gắn với sự truân chuyên trong sự ra đời của khoán hộ. Để đấu tranh cho khoán hộ được sống, Kim Ngọc đã trả giá bằng cả đời người. Ông chết trong buồn tủi khi bị coi là người vi phạm nghiêm trọng đường lối...


Cảnh trong phim Bí thư Tỉnh ủy

Sau các tập đầu chuẩn bị tâm lí cho nhân vật BTTU thấy cần phải thay đổi cách làm ăn, giờ đây ông Kim đang phải đối mặt với những phản ứng từ cấp trên và cả những người bảo thủ cấp dưới chưa hiểu ông... Thế nhưng, để đi đến quyết định triển khai khoán hộ, trước đó, khi thấy HTX làm ăn be bét, ông đã điều động cô Chi (Bí thư Huyện ủy) xuống xã tìm hiểu tình hình. Chỉ riêng chi tiết này kéo dài suốt mấy tập phim nên không khỏi khiến khán giả... sốt ruột. Chưa kể, có quá nhiều cuộc họp trên phim và quanh đi quẩn lại vẫn chuyện tranh luận về cách thức làm khoán hộ, nên dễ dẫn đến nhàm chán. Lối làm ăn mới ở một số HTX có thể tạo ra rất nhiều tình huống nhưng rất tiếc các tình huống này lại không chứa đựng kịch tính khiến người xem hồi hộp dõi theo...

Lý giải về việc phim ít có cao trào, thậm chí có những tình huống đáng lẽ khai thác sẽ tạo kịch tính nhưng các nhà làm phim cứ để nhân vật kể lại, nhà văn Thùy Linh - người biên tập, cho rằng: “Câu chuyện phim diễn giải cách làm khoán hộ thì không thể có cao trào vì tất cả đang lần mò tìm cách thức sản xuất sao cho có cái ăn mà vẫn hoàn thành nghĩa vụ với nhà nước”...

Theo bà Linh, để khoán hộ ra đời, ngoài những bài học từ thực tế thì... không thể không họp, nhất là việc giải quyết những xung đột giữa Ban Thường vụ và Bí thư Tỉnh ủy. Mâu thuẫn bắt đầu từ các cuộc họp này, ở đó các nhân vật “chiến đấu” với nhau về quan điểm về đường lối, cách làm khoán... Đây chính là sợi chỉ đỏ xuyên suốt tất cả mảng nội dung làm nên kịch tính cho phim.

Mỗi bộ phim có cách thể hiện riêng và cao trào cũng chỉ xuất hiện khi hội đủ yếu tố cần thiết. Ví dụ, “khoán hộ” xuất hiện, sau đó được nhân rộng, rồi bị phát hiện và ngăn cấm... tạo nên quá trình dồn nén để bung phát” - bà Linh nói. Theo đó, phim này chỉ có duy nhất cao trào khi ông Kim bị kiểm điểm và bắt buộc phải thừa nhận làm sai đường lối...

Khác với một số phim mà kịch tính được đẩy lên bằng sự kiện, tình huống... bà Linh khẳng định, kết cấu của bộ phim không theo hướng tạo dựng kịch tính và xung đột chồng chất ở từng tập mà đi vào sự kiện, bóc mở tâm hồn, nhân cách... nhân vật để khắc họa số phận một con người trước những quyết định lịch sử.

Chưa đủ ép phê đối với người xem trẻ tuổi

Cao trào lớn lên đến đỉnh điểm và bùng nổ ở kết phim nhưng tiếc là không được tích tụ từ những cao trào nhỏ xuất hiện rải rác tạo kịch tính cho các tập phim.

Có lẽ phải xem phim bằng tâm thế của những người đã sống trong những ngày tháng đó mới thấm thía những vấn đề mà các nhà làm phim chia sẻ và cảm nhận được cái hay của từng cảnh phim. Những người mang tư tưởng tiến bộ đã chiến đấu từng tí một, giành từng cái ao, mảnh ruộng cho nông dân để đủ sống qua ngày...


Nhưng giờ xem lại thấy sự mâu thuẫn, xung đột ấy chưa đủ ép phê đối với người xem trẻ tuổi, bởi giờ đây nói về tư hữu không còn là điều cấm kỵ nữa. Họ thấy những chuyện trên phim có vẻ “vớ vẩn” như việc đưa ra bán đấu giá mấy cái cày, cuốc... Thế nhưng, việc đó từng được coi là bước đột phá và bị qui về quan điểm tư bản chủ nghĩa. Thời đó “đấu đá” nhau cũng không phản ứng theo kiểu chao chát, gay gắt nên cách thức tranh luận với nhau cũng khác với bây giờ... Mâu thuẫn, chiến đấu với nhau vì bảo vệ quan điểm, đường lối chứ không vì cái ghế hay quyền lợi.

Không tạo nên “sốt” nhưng BTTU vẫn là bộ phim đáng xem, vượt qua sự giáo điều, cứng nhắc của tác phẩm chính luận. Tuy nhiên, bên cạnh những khó khăn về bối cảnh thì việc sáng tạo để phim hấp dẫn hơn, dồn nén để phim gọn gàng hơn cũng như tạo ra những “mảng miếng” khác... chắc chắn sẽ khiến bộ phim chiếm được nhiều cảm tình hơn của khán giả.

Hải Đông

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm