Bí mật của thiên tài: Làm thế nào để đoạt giải Nobel?

18/10/2008 11:07 GMT+7 | Trong nước

(TT&VH) - Mùa giải Nobel vừa diễn ra lại là một dịp khiến người ta đặt lại câu hỏi: Làm thế nào để đoạt giải này? Điều gì làm nên sự khác biệt giữa thiên tài và người thường? Có một điều rõ ràng là không phải tất cả những người đoạt giải Nobel đều từng là những "thần đồng” thông minh xuất chúng.
 
Bất kể đó là giải Nobel Hòa bình hay các giải Nobel khác như y học vật lý, hóa học cũng như bất kể đó là người Mỹ, người Nhật hay người Đức…, câu đầu tiên của người đoạt giải là: “Tôi cảm thấy bất ngờ và không thể nào tin nổi”.
 
Có lẽ đó là cái chung dễ nhận thấy nhất. Còn ngoài ra hiện chưa có một công trình nghiên cứu tâm lý nào về những đặc điểm chung của các nhân vật từng đoạt giải Nobel. Phải chăng họ đều là những người thông minh xuất chúng ngay từ khi thơ ấu, là những thiên tài bẩm sinh? Cho đến nay, đã có tới 806 nhân vật được trao giải thưởng Nobel và cũng có tới ít nhất 806 lần người ta thắc mắc: Làm thế nào để đoạt giải thưởng cao quí này?
 
Thiên tài Albert Einstein, “Nhà khoa học vĩ đại nhất của Thế kỷ 20”,
có chỉ số IQ 160 (!), nhưng bộ não lại chỉ nặng có 1.230 gam

Trước hết, người ta phải tìm cách trả lời câu hỏi: Điều gì đã làm nên sự khác biệt giữa những con người xuất chúng này với những người thường? Để tìm ra câu trả lời, một số nhà khoa học đã dày công nghiên cứu bộ óc của Albert Einstein, vốn đã được một bác sĩ pháp y lưu giữ cho đời sau. Cho tới nay, đã có tới 3 công trình khoa học nghiên cứu não bộ của Einstein được công bố, với mục đích duy nhất là lý giải điều gì đã khiến ông trở thành “Nhà khoa học vĩ đại nhất của Thế kỷ 20”.

Có một thực tế là bộ não của Albert Einstein chỉ nặng có 1.230 gam, trong khi trọng lượng trung bình của não bộ con người vào khoảng 1.400 gam. Đó là chưa kể đến những huyền thoại viết về Einstein, khi ông còn ngồi trên ghế nhà trường. Đại loại như Albert Einstein vốn là một học sinh “học lệch”, rụt rè nhút nhát và thiếu tính cộng đồng.

Công thức thiên tài của Edison

Huyền thoại về những “thần đồng” cá biệt, vị kỷ vẫn dai dẳng bám lấy nhân loại như những huyền thoại về những cô nàng tóc vàng xinh đẹp ngu ngốc. Trong thời gian qua, những huyền thoại này cũng như sự mê tín về chỉ số thông minh IQ đã bị các công trình nghiên cứu nhiều lần phản bác.

Năm 1928, nhà tâm lý học Lewis Terman đã chọn được 1.500 người có chỉ số IQ150 hoặc cao hơn trong 250.000 học sinh giỏi để theo dõi quá trình phát triển của họ. Lúc đầu là Lewis Terman và sau đó là các cộng sự của ông đã làm công việc này trong suốt 70 năm.

Kết quả là sau này nhiều người trong số thanh thiếu niên có chỉ số IQ 150 nói trên đã giữ nhiều cương vị quan trọng và có lương bổng hậu hĩnh rất cao, nhưng không phải là những người thành đạt nhất trên con đường khoa học. Không một ai trong số họ đoạt giải Nobel hay giải báo chí Pulitzer. Trái lại, trong số 235.000 học sinh có chỉ số IQ thấp hơn và bị Lewis Terman loại khỏi danh sách cần theo dõi, có hai người sau này đoạt giải Nobel vật lý là William Shockley và Luis Alvarez

Việc thông minh thiên bẩmkhông đương nhiên mang lại thành công lớn đã được khoa học minh chứng nhiều lần. Thomas Alva Edison, nhà khoa học kiêm nhà kinh doanh Mỹ đã phát minh ra bóng đèn điện sợi đốt, từng tuyên bố thiên tài là do “1% thông minh và 99% cần cù chịu khó”.
 
Thomas Alva Edison: “1% thông minh và 99% cần cù chịu khó”
 
Để minh chứng luận điểm trên của Edison, nhà tâm lý học người Hungary Mihaly Csikszentmihalyi đã nghiên cứu 91 nhân vật được coi là những “bộ óc sáng tạo lớn”, gồm các nhà văn, nhà soạn nhạc, nhà vật lý, nhà sinh học và trong đó có nhiều người từng đoạt giải Nobel. Những người này có đặc điểm chung là họ không đúng với khuôn mẫu đã định sẵn về một thiên tài. Và Csikszentmihalyi nhận thấy tất cả trong số họ đều cần cù làm việc, thậm chí còn mắc căn bệnh “nghiện làm việc”. Nhà tâm lý này kết luận: “Những người sáng tạo thành đạt là những người làm việc không kể giờ giấc, với sự tập trung cao nhất”.

Một thoáng “điên khùng” làm lóe sáng thiên tài?

Liệu thiên tài và điên khùng có phải là những người bà con họ hàng gần gũi? Hay nói cách khác liệu một chút điên khùng có phải là thuộc tính của thiên tài?

Một công trình của Jon Karlsson đã nghiên cứu mối quan hệ giữa những trục trặc về tâm lý và nghề nghiệp của các nhân vật nổi tiếng hàng đầu ở Iceland. Kết quả là các nhà thần học là những người ít bị “tai nạn nghề nghiệp” nhất và hiếm khi họ phải nhờ cậy đến sự giúp đỡ của các nhà tâm lý học, các bác sĩ tâm thần. Trái lại, các nhà toán học lại bị mất thăng bằng về tâm lý cao hơn người thường từ 2 đến 3 lần. Một ví dụ điển hình là nhà toán học đoạt giải Nobel John Nash. Ông đã bị mắc chứng bệnh tâm thần phân liệt và đã phải nghỉ làm việc nhiều năm.

Trên thực tế, thiên tài là những người phát hiện ra những qui luật khách quan trong cái mớ bòng bong của tạo hóa mà người thường vốn cho là hỗn độn, mông lung. Họ là những người đi trước thời đại và thường bị người đương thời coi là lập dị, điên khùng. Những người này không muốn và cũng không thể “khai sáng” cho những cái đầu u mê tăm tối, cực kỳ bảo thủ vốn tôn thờ quá khứ. Rốt cuộc, không ít người trong số họ bị coi là tà đạo, là bị quỉ ám như trường hợp nhà thiên văn vĩ đại người Ba Lan Nicolaus Copernicus (1473 -1543).

Đôi khi một thoáng “điên khùng” có thể làm “lóe sáng” thiên tài, nhưng cái chứng điên khùng dài dài lại buộc người ta phải đến “làm khách” ở các bệnh viện tâm thần.

Minh Bích

 

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm