16/01/2019 07:17 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Từ 1877, nước ta đã có các vật phẩm tham gia đấu xảo tại Pháp. Gần 1 thế kỷ qua, dù có nhiều năm tháng bị chiến tranh, vật phẩm Việt nói chung vẫn hiện diện ở nhiều hội chợ, phiên đấu giá quốc tế.
Bí kíp nào để họa sĩ Việt ngày nay bơi ra biển lớn? Báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) trích ý kiến của những tên tuổi có thẩm quyền trong lĩnh vực này. Họ gồm tiến sĩ Ildegarda E. Scheidegger (Thụy Sĩ), một chuyên gia về mỹ thuật châu Á, từng là giám đốc phụ trách mỹ thuật châu Á của nhà Sotheby’s; nhà nghiên cứu Ngô Kim Khôi (Pháp); họa sĩ Phạm An Hải (Hà Nội); nhà môi giới nghệ thuật Philip Nguyễn Đức Tiến (cựu học viên Sotheby’s Institute of Art, New York).
Ildegarda E. Scheidegger: Điều khoản hợp tác minh bạch
“Như bất cứ một ngành nghề kinh doanh nào khác, phòng triển lãm tranh (các trạm trung chuyển: nhà tổ chức triển lãm, phòng tranh, bảo tàng, môi giới…) phải có sứ mệnh và chiến lược tương ứng với thị trường nghệ thuật. Sự phụ thuộc lẫn nhau của nhiều yếu tố và những người tham gia thị trường cũng đóng vai trò như thế trong mỹ thuật.
Một trong những vấn đề mấu chốt là sự minh bạch. Các phòng tranh, các họa sĩ, nhà sưu tập, các cơ quan mỹ thuật cần phải phối hợp và thảo luận cởi mở để củng cố lòng tin giữa mỹ thuật và những người ủng hộ.
Các nhà phê bình mỹ thuật, các giám tuyển cần phải theo dõi không chỉ các họa sĩ mà còn toàn cảnh mỹ thuật, các cuộc triển lãm và các tác phẩm mỹ thuật ở hội chợ, nhà đấu giá. Họ cần phải có các cuộc thảo luận mang tính hàn lâm, ví dụ các bài viết của các học giả như Nora Taylor, Iola Lenzi và nhiều người khác về tranh Việt.
Hiển nhiên là các phòng tranh và các họa sĩ mà họ đại diện phải có sự hợp tác ăn ý với nhau. Công bằng mà nói, một phòng tranh là một “nhà phát triển kinh doanh” của một họa sĩ, thử thách họa sĩ, định vị họa sĩ và giúp họ trở nên nổi tiếng trong nước hoặc trên thế giới, tạo cho họ nhiều cơ hội khác. Vì thế, với sự hợp tác chặt chẽ, minh bạch, cả phòng tranh và họa sĩ đều có lợi.
Tôi chỉ có thể kêu gọi các bên đặt ra các điều khoản hợp tác minh bạch ngay từ lúc bắt đầu ký hợp đồng. Một họa sĩ nghiêm túc sẽ trung thành thực hiện hợp đồng và tránh được những cám dỗ nhất thời từ thị trường, bởi nó không bền vững.
Trên thực tế, điều này có thể làm suy yếu vị trí của họa sĩ do sáng tác quá nhiều hoặc không kiểm soát được chất lượng tác phẩm, cuối cùng dẫn đến việc làm mất đi sự hấp dẫn của tác phẩm đối với các nhà sưu tập. Họa sĩ cần nỗ lực để có được sự độc đáo, riêng biệt”.
Philip Nguyễn Đức Tiến: Họa sĩ có thể tự kiểm chứng khả năng ra thế giới
“Theo tôi có nhiều cách mà các họa sĩ trẻ cần tự kiểm chứng bản thân xem có khả năng vươn ra ngoài thế giới. Cách thứ nhất, tự đăng các bức tranh của mình trên các trang mạng quốc tế về giao dịch nghệ thuật ví như www.saatchiart.com, kiểm chứng về số lượt xem, về bình luận và quan trọng nhất là có bán được tranh đó hay không.
Cách thứ hai, chủ động tìm kiếm các cuộc thi của khu vực, thế giới để gửi bài dự thi. Ví dự như thi vẽ chân dung hàng năm do hãng dầu mỏ BP tài trợ tại National Portrait Gallery: www.npg.org.uk, hoặc như: www.artstation.com. Mỗi năm có rất nhiều họa sĩ khắp thế giới vẽ theo đề tài do tổ chức này đưa ra. Con trai tôi chỉ mới năm thứ nhất của một trường thiết kế phim hoạt hình tại Singapore nhưng đã tìm tới 2 cuộc thi ở Malta và ở Mỹ để thử sức.
Ngay ở trong nước, cuộc thi vẽ chân dung Dogma Prize do Dragon Capital tài trợ là một cách để vươn ra thế giới. Tôi nhắc tới họa sĩ Ngô Văn Sắc, người giành giải Nhất năm 2012, sau đó cộng đồng người nước ngoài sống ở Việt Nam đã tìm tới sưu tầm. Rồi tiếp theo đó họ mang tranh về nước, nên có những nhà sưu tầm từ nước ngoài tìm mua.
Và trên tất cả mọi cách là sự tìm tòi, sáng tạo độc lập, khác biệt, được đo lường bằng giá tiền người mua bỏ ra mua tranh/tượng. Không có người mua thì sẽ khó mở ra con đường tới thế giới. Đương nhiên, ngoại ngữ là cần thiết”.
Ngô Kim Khôi: Trong sáng và đáng tin cậy
“Điều cần thiết nhất hiện nay là thị trường tranh Việt Nam cần được trong sáng và tạo sự tin cậy sau những biến cố chép tranh hoặc tranh giả. Tranh Việt trước kia vẫn có bản lĩnh và đẳng cấp, các tranh Đông Dương tạo tiếng vang rất lớn, có chỗ đứng trân trọng trong các cuộc triển lãm vĩ đại quốc tế.
Ngày nay, thị trường tranh Việt có vẻ khởi sắc, đây là những cố gắng của một số nhà sưu tập cũng như phòng tranh hoặc nhà đấu giá. Để lấy lại uy tín cho tranh Việt, chúng ta phải đồng lòng nhất quyết tiêu diệt vấn nạn tranh giả tranh nhái, chính quyền cần phải có những biện pháp khắt khe hơn, thì nhan sắc hội họa Việt Nam mới được khôi phục lại nét kiều diễm ngày xưa để cùng khoe sắc trong vườn hoa nghệ thuật toàn cầu”.
Phạm An Hải: Chuẩn từ chất lượng vật liệu
“Về chất lượng, tranh phải mang tính sáng tạo và độc đáo hơn, cần có tính tư tưởng mạch lạc, tránh rơi vào hình thức minh họa ý tưởng. Tác phẩm cần có thêm sự dẫn giải (nếu có), để sáng tỏ thêm ý tưởng của tác giả.
Về hình thức (ý nói vật liệu), khung, sát-xi, toan, sơn, màu… nên là những vật liệu tốt, chuẩn về chất lượng. Tác phẩm nên được thực hiện cẩn thận, đúng quy tắc, để trước tiên tranh phải là sản phẩm có chất lượng vật liệu tốt, đáng tin cậy về độ bền.
Về vấn đề sưu tập và quảng cáo, chúng ta phải xây dựng được hệ thống các phòng tranh chuyên nghiệp, thứ cấp, để thúc đẩy việc đưa tranh của các tác giả, nhà sưu tập ra quốc tế, ra các hội chợ, phòng triển lãm và nhà đấu giá chuyên nghiệp, uy tín. Phải quảng bá hữu hiệu về tác giả và tác phẩm trước các sự kiện, đặc biệt là các hội chợ, các phiên giao dịch, đấu giá”.
Văn Bảy (ghi)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất