Bí ẩn những tượng gỗ ngập nước ở miền Tây Nam Bộ

06/06/2023 14:00 GMT+7 | Văn hoá

Có một hiện tượng phổ biến và đặc thù ở phạm vi phân bố của nền văn minh Óc Eo - Phù Nam ở vùng đồng bằng sông Cửu Long bị nhiễm mặn vào những thế kỷ 5 - 8 sau Công nguyên, đó là việc phát hiện trong vùng ngập nước hạ Mekong (gồm các tỉnh miền Tây Nam Bộ như Tiền Giang, Hậu Giang, An Giang, Đồng Tháp…) khá nhiều tượng phật đứng bằng gỗ với phong cách chế tác và tạo hình khá quen thuộc. Gần đây, tôi được mời nghiên cứu và thẩm định một bức tượng Phật bằng gỗ ngập nước phát hiện ở Đồng Tháp. Và những bí ẩn dần được vén màn….

1. Các nhà nghiên cứu Pháp đã từng lưu ý đến hiện tượng này. Một vài tượng đã được thu gom đưa về trưng bày tại bảo tàng của EFEO Sài Gòn, nay là Bảo tàng Lịch sử TP.HCM. Số lượng tượng gỗ ngập nước được lưu giữ trong các bảo tàng trung ương và địa phương là khoảng 30 tượng, một số đáng kể lưu giữ trong các sưu tập tư nhân trong và ngoài nước. Tổng ước tính trên 50 tượng đã được phát hiện.

Bí ẩn những tượng gỗ ngập nước ở miền Tây Nam Bộ - Ảnh 1.

Hình bên phải là một trong số hiếm hoi tượng phật gỗ Phù Nam được bảo tồn khá nguyên vẹn trong đất ngập nước từ hơn 1.000 năm trước, tạo thành hệ thống di sản tâm linh quý giá, độc đáo của nước ta. (Tượng Phật gỗ phát hiện ở Bình Hòa, Long An). Bên trái là tượng mới sưu tầm của Mai Sĩ Tất Thắng

Bằng so sánh loại hình, các tượng gỗ ngập nước đó đều được xếp vào giai đoạn phát triển muộn của văn hóa Óc Eo, tương ứng với thời kỳ phát triển đỉnh cao đến tàn lụi của đế chế Phù Nam cổ, khi đạo Phật bắt đầu thâm nhập mạnh trong vùng. Bên cạnh tượng gỗ phổ biến, cũng xuất lộ tượng phật đồng kích thước nhỏ và một số ít tượng đá. Bài viết này tập trung bàn về hệ thống tượng Phật gỗ ngập nước.

Công trình nghiên cứu về Nghệ thuật Phật giáo và Hindu giáo ở đồng bằng sông Cửu Long trước thế kỷ thứ X của tác giả Lê Thị Liên (NXB Thế giới, 2006) đã tập hợp và phân tích khá đầy đủ về hệ thống tượng này (trang 42-47). Theo đó, niên đại C14 hiện biết gợi ý niên đại sớm nhất của tượng Phật gỗ ở Tháp Mười lên đến thế kỷ 4 sau Công nguyên, niên đại phổ biến trong khoảng thế kỷ 6-8 sau Công nguyên.

Phong cách tượng đứng khá giống nhau, thể hiện Phật trong tư thế tóc xoăn có búi chỏm trên đỉnh, đứng hơi lệch hoặc đứng thẳng, khoác áo che kín lưng đến tận mắt cá chân. 2 tay gấp khuỷu, trong đó tay trái như để nâng vạt áo hở nửa vai bên phải, tay phải đưa lên trong tư thế cầm một vật gì đó (hoa sen ?!) hoặc trong tư thế thuyết pháp. Chiếc áo khoác lụa mềm trùm lưng phủ sát người với nhiều ngấn vòng trước bụng, tạo ra đặc trưng rất điển hình của phong cách tượng Phật nửa sau thiên niên kỷ 1 sau Công nguyên, dù là chất liệu đồng, đá hay gỗ. Bức tượng Phật gỗ ngập nước cao nhất phát hiện ở Tháp Mười, đạt 291cm. Đa số ở tầm kích thước người trưởng thành (160 - 180cm) kể cả chân đế.

Bí ẩn những tượng gỗ ngập nước ở miền Tây Nam Bộ - Ảnh 2.

Hình bên trái là cánh tay nâng vạt áo. Một phần đường gấp vạt áo xiên chéo vẫn còn hằn trên gỗ. Ảnh bên phải là bệ đài sen với các nếp úp cánh sen còn lại ở phần dưới. Để đỡ cả khối tượng gỗ bên trên chỉ cần chiếc đế và hai ống chân nhỏ như vậy thôi

Hầu hết tượng đứng trên một bệ dạng đài sen 1 hoặc 2 tầng. Do chi phối bởi kích thước một thân cây có sẵn nên đường kính đế tượng tương ứng với vòng đế của thân cây.

Sự tập trung tượng gỗ ngập nước trong một số vùng cho thấy 2 khả năng: Hoặc đó là vùng do nước ngập nhiễm mặn đã cho phép bảo tồn gỗ tượng trong bùn nước hơn 1.000 năm, trong khi tượng gỗ ở điều kiện khác đã không bảo tồn được; hoặc đó phản ánh đích thực là những trung tâm Phật giáo đương thời. Trong trường hợp khai quật khảo cổ ở Gò Tháp, với phát hiện trên 20 tượng Phật gỗ ngập nước trong khu vực có kiến trúc gạch đền thờ, mộ tăng lữ giàu có thì có thể khẳng định sự tồn tại của những trung tâm Phật giáo sớm quy mô khá lớn.

2. Gần đây tôi được mời nghiên cứu và thẩm định một bức tượng Phật bằng gỗ ngập nước phát hiện ở Đồng Tháp. Tượng cao 142cm kể cả phần chân đế dày 20cm chia làm 2 thớt, phần vai tượng  rộng nhất đo được 28,5cm, thuộc loại tượng kích thước trung bình.

Cũng như các tượng đã phát hiện, môi trường đã ăn mòn nhiều chi tiết quan trọng trên bề mặt. Tuy nhiên trên đầu còn khá rõ các xoắn ốc của tóc, nhưng không rõ chỏm tóc. Chân dung không nhận ra mắt mũi, chỉ còn lại tai bên trái. 2 tay còn khá đầy đủ, nhưng phần cổ tay và bàn tay đều đã mất, cho thấy tay trái nâng vạt áo, tay phải chìa ra phía trước, hiện đã bị cưa mới lấy mẫu phân tích.

Bí ẩn những tượng gỗ ngập nước ở miền Tây Nam Bộ - Ảnh 3.

Hình những vệt vạt áo dưới gối phía trước trên các tượng Phật bằng gỗ (bên trái, Phong Mỹ, Đồng Tháp), bằng đá (giữa, Cạnh Đền, Cà Mau) và bằng đồng (bên phải, Gò Cây Thị, Anh Giang)

Điều đáng chú ý nhất của tượng này nằm ở một vài chi tiết phản ánh các nếp áo khoác, trong đó rõ nhất là nếp vắt chéo bên ngoài phía cánh tay trái nâng vạt áo. Tại đây, một đường gấp nếp vẫn còn bị đè lên bởi một nếp gấp khác ngắn hơn. Tình trạng nếp gấp này cho phép phỏng dựng vết nếp gấp mờ ở phía dưới gối bức tượng.

Đối chiếu với nếp áo dưới gối còn rất rõ của tượng Phật gỗ phát hiện ở Phong Mỹ, Đồng Tháp cho phép xác nhận đường gờ chạy ngang cong vát 2 bên dưới gối bức tượng đang khảo sát là đường viền vạt trước của áo khoác. 2 tượng đồng cùng thời phát hiện ở Gò Cây Thị (An Giang) được cho là thuộc phong cách Bắc Ngụy thế kỷ 5 sau Công nguyên xác nhận kiểu khoác tấm áo trùm kín lưng với nhiều nếp thụng phía thân trước đặc trưng chung cho cả hệ thống tượng Phật gỗ đương thời.

Để đảm bảo độ tin cậy của bức tượng, chủ nhân đã gửi mẫu gỗ lấy ở phần chân đế bức tượng  phân tích tuổi C14. Kết quả niên đại 500-600 năm trước chỉ giúp loại bỏ ngờ vực việc dùng gỗ mới để làm giả cổ, chứ chưa phản ánh tuổi thực của tượng. Do gỗ nằm ngâm lâu ngày trong bùn, cần phải có những phòng thí nghiệm rất có kinh nghiệm mới có thể tách hết rễ rong rêu tích tụ lâu năm trong thớ gỗ.

Bí ẩn những tượng gỗ ngập nước ở miền Tây Nam Bộ - Ảnh 4.

Vết mờ của vạt áo dưới gối trong bức tượng Phật gỗ của sưu tập Mai Sĩ Tất Thắng

Đối chiếu chất gỗ và kỹ thuật, phong cách tượng có thể tin cậy xếp bức tượng này vào hệ thống tượng Phật Phù Nam thường thấy ở Đồng Tháp. Niên đại trong khoảng thế kỷ 6-8 sau Công nguyên.

Đặc điểm kỹ thuật rất đáng chú ý của hệ thống tượng Phật đẽo từ một thân cây như đang đề cập là việc tính toán rất chính xác để sao cho cả khối tượng phía trên cân xứng và vững vàng trên đôi ống chân rất nhỏ, đường kính ống chân thường chỉ 6-8cm. Tính thống nhất cao cả về kỹ thuật, phong cách, chất gỗ gợi ý liệu tượng được nhập từ nơi khác vào thế giới Phù Nam đồng bằng phù sa hay được làm tại chỗ?

3. Câu hỏi này còn đang bỏ ngỏ, nhưng những phát hiện mới của các cuộc khai quật gần đây cho thấy kiến trúc gỗ và nghề chế tác gỗ nói chung rất thịnh hành trước đó (ví dụ mộ chum gỗ Phú Chánh, Bình Dương thời tiền Óc Eo) và trong văn minh Óc Eo - Phù Nam (như ở khu khai quật Nền Chùa gần đây). Vì vậy có thể tin tuởng ở khả năng các tượng Phật đẽo từ thân cây gỗ này là đặc sản địa phương phục vụ nền Phật giáo đang trên đà thịnh đạt đương thời.

Sự xuất hiện phổ biến của tượng Phật gỗ bên cạnh tượng Phật đồng, đá ở khoảng thế kỷ 5-8 trên khu vực sầm uất nhất của văn minh Óc Eo - Phù Nam là đồng bằng sông Cửu Long cho thấy sự chuyển hóa rõ nét từ sùng bái Visnu ở giai đoạn trước bắt đầu có sự xâm nhập và ngày càng chiếm ưu thế của Phật giáo trong vùng. Đây cũng là thời kỳ diễn ra sự thay thế sùng bái Visnu của quý tộc và dân chúng Champa bằng Shiva và Brahman (Phật giáo).

"Sự tập trung tượng gỗ ngập nước trong một số vùng cho thấy hai khả năng: Hoặc đó là vùng do nước ngập nhiễm mặn đã cho phép bảo tồn gỗ tượng trong bùn nước hơn 1.000 năm, trong khi tượng gỗ ở điều kiện khác đã không bảo tồn được; hoặc đó phản ánh đích thực là những trung tâm Phật giáo đương thời" - TS Nguyễn Việt.

TS Nguyễn Việt

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm