Bí ẩn nghệ thuật tượng sơn thếp (1)

09/09/2012 13:51 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Nét mặt tượng trong các ngôi chùa miền Bắc không chung chung vô tính như quy phạm, mà khá sinh động, hồn hậu gần gũi với "nhân thể" người nông dân Đồng bằng Bắc bộ và mang vẻ đẹp nữ tính hóa.

1. Phật giáo có mặt trên mảnh đất Việt Nam có lẽ hơn 2.000 năm qua. Những pho tượng Phật sớm nhất bằng gỗ sao tìm thấy trong nền văn hóa Phù Nam ở Đồng bằng sông Cửu Long, có niên đại đầu và sau Công nguyên. Đó là những tượng Phật đứng được tạc nguyên từ một cây gỗ dưới dạng Phật đi hành hương, có thể là tượng trưng cho quá trình đi về Đông Nam Á của Phật giáo từ Ấn Độ.

Từ đó cho đến thế kỷ 11, người ta thấy được nhiều tượng Phật bằng đá, từ trong các di tích Đồng Dương của nền văn hóa Champa và từ các ngôi chùa thời Lý ( 1010 - 1225 ). Từ sau thế kỷ 15 trở đi, tượng Phật bằng đá nhường chỗ cho tượng Phật gỗ và đất phủ sơn có mặt hầu hết trong các ngôi chùa đồng bằng Bắc bộ. Tượng bằng đồng cũng có, nhưng không nhiều và không tiêu biểu.



Tượng Bồ tát, thế kỷ 17 - 18, chùa Nễ Châu (Hưng Yên) được làm bằng đất và gỗ phủ sơn

Những pho tượng Phật từ dòng Ấn Độ - Kh’mer có lẽ có một tiêu chuẩn thẩm mỹ khác hẳn với những tượng Phật chịu ảnh hưởng của tạo hình điêu khắc Phật giáo Trung Quốc. Những pho tượng thời Phù Nam hoặc rất cao, có thể đến "chín đầu" (chiều cao của pho tượng bằng 9 lần phần đầu của pho tượng đó), hoặc tương đối cân đối như người thật, với tỷ lệ "bảy đầu". Nghệ thuật Phật giáo Ấn Độ thời đầu có liên quan mật thiết với tạo hình nghệ thuật Hy Lạp, nên tương đối cân đối và trọng vẻ đẹp thể chất mỹ mãn.

2. Từ đó, chảy về dòng dân gian, điêu khắc Phật giáo thay đổi khá nhiều, tính cân xứng không còn được giữ nguyên nữa, người ta yêu thích những pho tượng Phật hồn hậu, ít cân đối, thường rất thấp, đôi khi chỉ là 5, 6 đầu và khép mình trong một khối gỗ.

Những pho tượng Phật mẫu chùa Dâu, có niên đại thế kỷ 17 -18, hoặc sớm hơn, nhưng chịu ảnh hưởng sâu sắc của dòng điêu khắc Ấn Độ - Kh’mer , lại kết hợp được những vẻ đẹp của điêu khắc Bắc bộ và điêu khắc phương Nam. Tượng Phật mẫu chùa Dâu  Mây - Mưa - Sấm - Chớp có thân hình phụ nữ nõn nà khêu gợi, thân trần phía trên, phía dưới quấn sa rông, không ở đâu trong đồng bằng Bắc bộ giống thế. Các tượng Phật Bắc bộ mặc rất nhiều quần áo, có phần giống trang phục phong kiến đương thời.

3.  Những người thợ dân gian Bắc bộ làm cho các ngôi chùa làng căn cứ vào cuốn Tạc tượng lượng độ kinh để làm tượng Phật. Cuốn sách này hiện có một bản lưu tại thư viện Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, vốn được in từ chùa Xiển Pháp, Hà Nội trong thế kỷ 19.

Cuốn Kinh chỉ dẫn rất chi tiết cách tạo hình một pho tượng Phật đứng và ngồi ra sao, khi phân chia cơ thể con người làm 108 thốn. Thốn là một đốt ngón tay. Tuy nhiên sự chỉ dẫn sách vở quá chi tiết cũng không dễ được tiếp nhận cụ thể, các phường tạc tượng dân gian, lưu truyền ba công thức truyền miệng như sau: Tọa tứ lập thất, Nhất diện phân lưỡng kiên, Nhất diện phân tam trùng.

Tọa tứ lập thất là một tượng ngồi là bốn đầu, tương đứng là bẩy đầu. Nhất diện phân lưỡng kiên là chiều ngang của mặt bằng nửa chiều ngang hai đỉnh vai. Nhất diện phân tam trùng là ba khoảng cách bằng nhau trên khuôn mặt (theo chiều dọc), từ chân tóc đến chân lông mày, bằng từ chân lông mày đến đỉnh mũi, bằng từ đỉnh mũi đến cằm. 

Sự phân chia này là khá hợp lý và tiếp cận với tỷ lệ Hy Lạp cổ điển. Tuy nhiên thì nếu làm theo đúng như vậy thì điêu khắc Việt Nam đã chả có phong cách gì, người thợ dân gian làm tượng theo cảm quan thực tế nhiều hơn, các pho tượng Phật thường có đầu hơi to, lưng hơi cúi, cổ thường ngắn hoặc chìm vào vai, nên trông qua có vẻ thiếu cân đối, nét mặt không chung chung vô tính như quy phạm, mà thường mang vẻ đẹp của khuôn mặt phụ nữ và có cá tính...

Vì thế trông những pho tượng Phật Việt Nam khá sinh động, hồn hậu gần gủi với nhân thể người nông dân Đồng bằng Bắc bộ và mang vẻ đẹp nữ tính hóa.

(Còn nữa)

 Phan Cẩm Thượng

                 

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm