Bệnh viện Việt Đức chỉ tuyển người tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội

02/12/2015 21:50 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Những ngày gần đây, việc Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội được Bộ GD&ĐT đồng ý cấp phép đào tạo hai ngành y đa khoa và dược học với chuẩn đầu vào dự kiến 20 điểm đã gây nhiều ý kiến trái chiều.

Dư luận lên tiếng bởi đào tạo nhân lực trong lĩnh vực y, dược luôn được coi là vấn về quan trọng, liên quan đến sức khỏe, sinh mạng con người. 

Giảng viên cơ hữu chuyên ngành 30 người chưa cam kết tham gia

Theo lãnh đạo trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, các điều kiện của nhà trường đã cao hơn tiêu chí mở ngành của Bộ Y tế. Tuy nhiên, ông Nguyễn Minh Lợi, Phó Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế, đã khẳng định: "Các tiêu chí này cao hơn nhiều so với tiêu chí quy định tại thông tư 08 của Bộ Giáo dục về mở ngành đào tạo nhưng mới chỉ là những tiêu chí cơ bản nhất trong đào tạo y, dược”. 

Là cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 08/2011/TT-BGDĐT quy định các điều kiện, hồ sơ, quy trình mở ngành đào tạo, đình chỉ tuyển sinh, thu hồi quyết định mở ngành đào tạo trình độ đại học, cao đẳng, áp dụng chung cho tất cả các ngành. Về góc độ chuyên môn, Bộ Y tế đề nghị cần có các điều kiện mở ngành cụ thể hơn đối với lĩnh vực y tế, bao gồm đội ngũ giảng viên cơ hữu chuyên ngành, cơ sở vật chất phục vụ thực tập, thực hành và các cơ sở thực hành ngoài trường. 


Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội

Tiến hành thẩm định việc mở ngành đào tạo Y đa khoa và Dược học tại Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, Đoàn thẩm định do Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, Bộ Y tế (lần đầu tiên) tham gia với tư cách thành viên, đã thống nhất: Trường cần bổ sung, làm rõ thêm một số nội dung yêu cầu về chuyên môn như về đội ngũ giảng viên cơ hữu chuyên ngành, theo danh sách trường có 47 người nhưng 30 người chưa có cam kết tham gia. 

Về cơ sở thực tập tại trường cần sắp xếp lại các phòng thực hành, thực tập, tiền lâm sàng hợp lý. Về cơ sở thực hành ngoài trường cần bổ sung hợp đồng trách nhiệm của cơ sở thực hành ngoài trường trong đó nêu rõ sự tham gia làm việc và giảng dạy của giảng viên cơ hữu chuyên ngành tại các cơ sở thực hành ngoài trường… Các ý kiến này đã được Đoàn thẩm định thống nhất trong Biên bản ngày 5/10. 

Phó Cục trưởng Nguyễn Minh Lợi cho biết, nếu Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội chưa đáp ứng đầy đủ các tiêu chí chuyên môn như trên, Bộ Y tế có sẽ kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo, cơ sở đào tạo cân nhắc việc tuyển sinh… 

Lo ngại chất lượng nguồn nhân lực 

Trong khi lãnh đạo các cơ sở y tế đều rất chú trọng việc tuyển lựa nguồn nhân lực cho đơn vị mình, thậm chí một số cơ sở y tế còn đưa ra tiêu chí “ưu tiên người tốt nghiệp ngành y từ các trường đại học uy tín” với chuẩn đầu vào cao thì tình trạng tuyển sinh đầu vào ngành y, dược của các trường công lập và dân lập chênh nhau đến tận 10 điểm đã làm dấy lên lo ngại về chất lượng các bác sỹ được đào tạo tại các trường có điểm chuẩn đầu vào thấp. 

Các trường y, dược công lập có uy tín, chuẩn đầu vào từ 25 đến 28 điểm kèm theo tiêu chí phụ, nhưng nhiều đại học dân lập chỉ lấy điểm chuẩn đầu vào bằng hoặc nhích hơn chút so với mức sàn Bộ GD&ĐT quy định. Điển hình là trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội với mức điểm chuẩn dự kiến đầu vào 20 điểm; năm 2015, Đại học Võ Trường Toản (Hậu Giang) lấy 15 điểm vào ngành Dược học, 20 điểm cho Y đa khoa; Đại học Lạc Hồng (Thành phố Hồ Chí Minh) có điểm trúng tuyển ngành Dược học (dược sĩ đại học) là 15; Đại học Đại Nam (Hà Nội) lấy 17 điểm vào khối Y dược... 

Phó Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh Phạm Khánh Phong Lan chia sẻ, với ngành y, dược nhân lực không có trình độ sẽ gây hại ngay trước mắt, sinh mạng, sức khỏe của người dân đang nằm trong tay đội ngũ này. Vì thế, không nên nghĩ cách để lấp cho đầy bác sĩ, mà làm sao để đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế có chất lượng. 

GS.TS Nguyễn Tiến Quyết, nguyên Giám đốc Bệnh viện Việt - Đức thì khẳng định, Bệnh viện không tuyển bác sĩ thường, chỉ tuyển những người không những phải tốt nghiệp từ Đại học Y Hà Nội, sau đó họ còn phải được đào tạo bác sĩ nội trú. 


GS.TS Nguyễn Tiến Quyết

Được biết, bác sĩ nội trú là một chương trình đào tạo đặc biệt dành riêng cho các bác sĩ mới ra trường, dưới 27 tuổi, tốt nghiệp loại khá trở lên và chỉ được dự thi một lần ngay sau khi tốt nghiệp đại học. 

Sau khi hoàn tất chương trình đào tạo kéo dài 3 năm, các bác sĩ nội trú sẽ được cấp 3 bằng: Bằng bác sĩ chuyên khoa I, bằng Thạc sĩ y khoa và bằng Bác sĩ nội trú. Các giáo sư đầu ngành của Y học Việt Nam hầu hết xuất thân từ các bác sĩ nội trú. 

Cần cấp chứng chỉ hành nghề y, dược 

Theo thống kê của Bộ Y tế, hiện nhân lực ngành y tế vẫn chưa đủ đáp ứng nhu cầu của nhân dân. Nếu ở các nước phát triển, tỷ lệ bác sỹ là 30 người trên một vạn dân thì ở Việt Nam, con số này chỉ ở mức 7,5 bác sỹ trên một vạn dân. Tuy nhiên, không thể để diễn ra tình trạng lấy số lượng bù chất lượng, Bộ Y tế đã kiến nghị mọi sinh viên tốt nghiệp ngành này, cả trường công và trường tư, đều phải thi chứng chỉ hành nghề có thời hạn, trước thực trạng rất nhiều trường mở ngành đào tạo y, dược. 

Trao đổi với phóng viên báo chí về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Quang Cường cho biết, việc cấp chứng chỉ hành nghề ngành y, dược không phải là vấn đề mới mà đã được nhiều nước áp dụng. Vì đây là ngành học đặc thù, có liên quan trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng của con người nên ở nhiều nước trên thế giới, chứng chỉ hành nghề chỉ có giá trị 5 năm. Bộ Y tế luôn luôn ủng hộ việc mở rộng đào tạo, tuy nhiên đi kèm với đó là yêu cầu phải đảm bảo chất lượng đào tạo, thắt chặt đầu ra. Trong đó, việc thi chứng chỉ hành nghề là một giải pháp hữu hiệu. 

Bộ GD&ĐT vẫn cho phép trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ đào tạo bác sĩ, dược sĩ

Bộ GD&ĐT vẫn cho phép trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ đào tạo bác sĩ, dược sĩ

Đoàn đi thẩm định còn có một số giảng viên chưa cam kết giảng dạy tại trường nhưng đến thời điểm Bộ Giáo dục và Đào tạo ra quyết định cho phép mở mã ngành thì những giảng viên này đã có cam kết dạy tại trường.


Việc thi chứng chỉ không chỉ giúp các y, bác sỹ có ý thức nâng cao trình độ mà còn là động lực để các sinh viên ngành y luôn phải cố gắng học tập để có thể thi đạt chứng chỉ và đi làm ngay sau khi ra trường. Đây cũng là cách để các trường cân nhắc hơn nữa trong việc mở đào tạo ngành y. Nếu trường không đảm bảo chất lượng đào tạo, sinh viên ra trường không đi làm được, không cơ sở y tế nào dám nhận thì trường sẽ không thể thu hút được người học. 

Xác định đào tạo ngành y là đào tạo đặc biệt, để đảm chất lượng đào tạo cần phải có các quy định, quy trình chặt chẽ, điều này hoàn toàn phù hợp với xu hướng chung của thế giới. Trong thời gian tới, Bộ Y tế và Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ phối hợp hậu kiểm lại điều kiện đảm bảo đào tạo của tất cả các trường, cả trường công và trường tư; đồng thời nâng cao yêu cầu đối với đội ngũ giảng viên, cơ sở thực hành trong và ngoài trường, nhất là bệnh viện thực hành và các điều kiện cơ sở vất chất đảm bảo cao nhất cho việc dạy, học, thực hành theo hướng đổi mới và hội nhập.
P.V

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm