15/05/2012 10:46 GMT+7 | Thế giới
Tuy nhiên, các kết quả nghiên cứu mới chỉ đủ để Bộ Y tế loại trừ một số nguy cơ gây bệnh mà dư luận nghi ngờ, chứ chưa đưa ra được kết luận cụ thể nào về căn bệnh này.
Loại trừ các nguy cơ nhiễm bệnh
Ca bệnh đầu tiên được phát hiện ngày 19/4/2011 đến nay đã hơn 1 năm. Theo thời gian, số ca mắc bệnh và số người tử vong liên tục tăng đã khiến Bộ Y tế chịu một “sức ép” không nhỏ.
Trước vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Y tế, PGS-TS Nguyễn Thanh Long cho biết, quan điểm của Bộ Y tế là luôn cố gắng tìm ra căn nguyên để giải quyết tốt nhất vấn đề bệnh lạ. Ngay từ tháng 4/2011, Bộ đã chỉ đạo ngành y tế Quảng Ngãi triển khai các biện pháp phun khử trùng môi trường đến từng nhà dân. Tiến hành tẩm màn, phát màn, chiếu mới cho người dân. Cấp phát cơ số thuốc nâng cao thể trạng, tẩy giun sán cho người dân trên địa bàn. Hỗ trợ kinh phí khám và điều trị cho người bệnh. Vận động người dân đến khám và điều trị tại các cơ sở y tế.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thăm bệnh nhân mắc bệnh lạ tại xã Ba Điền
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long đã thông báo 8 kết quả của cuộc điều tra kéo dài hơn 1 năm trời, gồm số người mắc bệnh, số người tử vong, triệu chứng bệnh, sự liên quan của các yếu tố kim loại nặng, chất độc…
Theo đó, tính đến nay, tại huyện Ba Tơ đã ghi nhận 205 trường hợp mắc bệnh tại 5 xã. Trong đó chủ yếu là xã Ba Điền với 195 trường hợp, 10 trường hợp còn lại tại các xã Ba Ngạc, Ba Xa, Ba Tô và Ba Vinh. Riêng tại xã Ba Điền đã ghi nhận 10 trường hợp tử vong.
Tại xã Ba Điền, bệnh tập trung nhiều nhất ở làng Rêu với 106 người mắc, trong đó có 7 nhà tất cả các thành viên trong gia đình đều mắc bệnh. Toàn bộ bệnh nhân ở làng Rêu đều là người H’re. Hiện vẫn còn 33 người đang được điều trị.
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long khẳng định, thông qua khảo sát và kết quả các mẫu xét nghiệm cho thấy chưa có bằng chứng khẳng định bệnh xuất phát từ nguồn nước, không khí, lương thực thực phẩm hoặc có thể lây từ người sang người. Các xét nghiệm mẫu máu cũng loại trừ nguy cơ nhiễm bệnh do virus, vi khuẩn.
Kết quả xét nghiệm các mẫu đất, nước, lương thực thực phẩm kể cả các mẫu máu, tóc, móng tay, vảy da của bệnh nhân cũng cho thấy hàm lượng các kim loại nặng bao gồm thủy ngân, arsen, chì, đồng và một số kim loại khác ở mức giới hạn cho phép. Các yếu tố ngộ độc kim loại nặng có thể được loại bỏ.
Tuy nhiên, kết quả các nghiên cứu của Bộ Y tế cho thấy, tại khu vực sinh sống của người dân, đã phát hiện có hơn 200 loài ve, bọ chét. Đồng thời, tại xã Ba Điền và các khu vực có người nhiễm bệnh, các chuyên gia của Bộ Y tế đã phát hiện thấy có nhiều loại nấm mốc và Aflatoxin trong các gạo ủ, lúa ủ. Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh, trong y văn, Aflatoxin được coi là một tác nhân gây suy giảm hệ thống miễn dịch, suy gan, gan nhiễm mỡ, hoại tử tế bào nhu mô gan và có thể gây ung thư gan.
Đối chứng với biểu hiện bệnh lạ là viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân. Hầu hết bệnh nhân có men gan tăng trên cơ địa tình trạng dinh dưỡng kém, thiếu máu là phổ biến, Bộ Y tế xác định: Hội chứng viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân nhiều khả năng liên quan đến nguyên nhân nhiễm độc trên cơ địa người bệnh có tình trạng dinh dưỡng kém, 94 mẫu đã xét nghiệm cho thấy có tình trạng thiếu vitamin B3 trong máu.
Vẫn phải tìm nguyên nhân
Vì chưa có kết luận cuối cùng, đến thời điểm này, để đối phó với bệnh lạ, Bộ Y tế vẫn xác định có 3 vấn đề cần giải quyết bệnh lạ là: điều tra căn nguyên bệnh, đẩy mạnh các biện pháp giảm tử vong và giảm số ca mắc bệnh.
Các bệnh nhân mắc bệnh lạ tiếp tục được điều trị theo phác đồ Bộ Y tế đã công bố trước đó. Theo đó, các ca bệnh được chẩn đoán sống trong vùng dịch tễ, có các biểu hiện lâm sàng tổn thương cơ bản như: mảng da đỏ thẫm, ranh giới rõ với da lành, dày sừng nứt nẻ, bong vảy ở bàn tay, bàn chân. Có đau rát tại thương tổn, xét nghiệm có thể men gan tăng. Theo phác đồ này, bệnh được phân loại mức độ nặng nhẹ trong đó mức độ nhẹ được xác định có thương tổn da như mô tả ở trên, men gan trong máu tăng không quá 5 lần.
Cán bộ đoàn công tác của Bộ Y tế kiểm tra các triệu chứng bệnh nhân bệnh lạ
Các ca bệnh ở mức độ nhẹ được chỉ định điều trị tại bệnh viện huyện hoặc các đơn vị chuyên khoa da liễu bằng các biện pháp điều trị tại chỗ tổn thương da (sử dụng các loại mỡ hoặc kem có corticoid; thuốc bạt sừng bong vảy, kem làm mềm da, dịu da). Nếu có bội nhiễm, bôi các mỡ hoặc kem kháng sinh.
Trong quá trình điều trị bệnh nhân phải nghỉ ngơi, dinh dưỡng tốt (phối hợp đường ăn và đường truyền tĩnh mạch), bổ sung các khoáng chất và các vitamin B1, B6, B12 liều cao hoặc multivitamin; sử dụng thuốc hỗ trợ gan bằng đường uống.
Với mức độ nặng và biến chứng phải điều trị tại khoa hồi sức cấp cứu của các bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh hoặc trung ương. Khi cần phải hội chẩn với các chuyên khoa có liên quan. Bộ Y tế cũng lưu ý các đối tượng dễ có nguy cơ tiến triển nặng gồm trẻ em, người già, phụ nữ có thai, người mắc các bệnh mạn tính, suy dinh dưỡng, thiếu vi chất, thiếu máu.
Bác sĩ túc trực điều trị
Trả lời câu hỏi của báo chí liên quan đến phác đồ điều trị có thực sự hiệu quả khi số ca mắc bệnh không thuyên giảm, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cho rằng: không thể khẳng định là phác đồ mới không hiệu quả. Trong y học có những bệnh không tìm được nguyên nhân nhưng vẫn phải điều trị ngay, áp dụng ngay các biện pháp cần thiết để giảm tối đa số ca mắc cũng như số ca tử vong.
Bộ Y tế cho biết, hiện nay, hàng ngày vẫn có khoảng 4-5 bác sĩ của Bệnh viện Phong và Da liễu Tuy Hòa và Bệnh viện Da liễu Trung ương thường trực tại xã Ba Điền để hỗ trợ ngành y tế địa phương chủ động, sẵn sàng chăm sóc và điều trị cho người bệnh. Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện C Đà Nẵng hỗ trợ đào tạo chuyển giao kỹ thuật lọc máu và hồi sức cấp cứu người lớn; Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM hỗ trợ kỹ thuật lọc máu hồi sức cấp cứu trẻ em. Bộ Y tế đã chỉ đạo tất cả bệnh nhân nặng đều được chuyển về Bệnh viện Trung ương Huế để điều trị.
Thảo Vy - Phương Linh
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất