Em bé sơ sinh được chữa khỏi HIV: Chưa thể đảm bảo lâu dài

05/03/2013 07:11 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Các nhà khoa học Mỹ vừa gây chú ý khi thông báo một đứa trẻ sinh ra với virus HIV trong cơ thể dường như đã được chữa lành, bằng một hướng điều trị mới được cho là có thể giúp tạo đột phá trong cuộc chiến chống HIV/AIDS.

Trong báo cáo trình bày tại Hội nghị về Retrovirus và nhiễm trùng cơ hội (CROI) diễn ra hôm 3/3 tại thành phố Atlanta, Mỹ, các nhà khoa học thuộc Trung tâm Nhi khoa John Hopkins cho biết họ đã chữa cho một đứa trẻ sơ sinh nhiễm HIV từ khi còn trong bụng mẹ ở Mississippi khỏi bệnh.

Từ dương tính thành âm tính

Bé gái này là con của một người nhiễm virus HIV và đã bị lây virus qua cơ thể mẹ. Để chữa HIV cho bé, người ta chỉ sử dụng các loại thuốc kháng retrovirus (ARV) bình thường. Đây là loại thuốc hiện đang được sử dụng rộng rãi cho các bệnh nhân HIV/AIDS. Tuy nhiên, sự khác biệt nằm ở liều lượng và thời điểm điều trị.

Cụ thể, chưa đầy 30 giờ sau khi chào đời, người ta đã cho bé sử dụng ARV, với liều lượng tương đương liều của người lớn. Trước đó, các giải pháp điều trị thông thường với trẻ sơ sinh nhiễm HIV là sử dụng liều nhỏ thuốc ARV và việc sử dụng liều nhỏ kéo dài tới khi đứa trẻ được 6 tuần tuổi.

Ý định của các nhà khoa học là việc dùng ARV sớm sẽ ức chế hoạt động của HIV trong máu đứa trẻ trước khi chúng có thể hình thành được các cơ chế tự vệ và ẩn náu. Kết quả là chỉ sau 29 ngày, lượng virus HIV trong cơ thể đứa trẻ sơ sinh đã giảm mạnh và sau đó biến mất.

Trong 18 tháng tiếp theo, đứa trẻ liên tục được sử dụng ARV. Thế rồi các bác sĩ bị mất liên lạc với đứa trẻ và mẹ của bé trong 10 tháng. Thời gian này, bé hoàn toàn không được cho sử dụng thuốc ARV. Khi hai bên nối lại liên lạc, các bác sĩ đã lập tức tiến hành xét nghiệm và các kết quả thu được đều là âm tính với HIV.

Nhóm nghiên cứu của bác sĩ Deborah Persaud tin rằng họ đã tìm ra thêm một phương thức chữa HIV nữa cho thế giới

Chữa lành về mặt chức năng

Hiện đứa trẻ đã 2 tuổi rưỡi và vẫn không sử dụng thuốc trong vòng 1 năm trời mà không bộc lộ bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy bé đã nhiễm virus HIV. Được biết với những người nhiễm HIV thông thường, các tế bào nhiễm virus HIV ngủ đông trong cơ thể họ sẽ tái khởi động hoạt động lây nhiễm chỉ vài tuần nếu các bệnh nhân ngừng uống thuốc AVR. Về cơ bản người mang HIV sẽ phải uống thuốc suốt đời, nếu không virus sẽ phát triển gây bệnh AIDS.

Các nhà khoa học nói rằng trong trường hợp mới nhất, virus HIV vẫn còn tồn tại trong cơ thể đứa trẻ, nhưng ở một lượng rất nhỏ mà các xét nghiệm thông thường không thể phát hiện được. Họ không đảm bảo rằng đứa trẻ sẽ tiếp tục khỏe mạnh như hiện nay trong tương lai xa. Tuy nhiên đây vẫn là bằng chứng cho thấy đứa trẻ đã được "chữa khỏi" HIV.

Bác sĩ Deborah Persaud ở Trung tâm Johns Hopkins đánh giá về cơ bản đứa trẻ đã được "chữa lành về mặt chức năng". Điều này có nghĩa về lâu dài, lượng virus HIV vẫn duy trì ở mức thấp trong cơ thể đứa trẻ, dù bé không dùng thuốc.

Thời gian tới, nhóm của Persaud sẽ cố chứng minh rằng họ đã tìm ra phương thức điều trị HIV mới, bằng cách tiến hành các thử nghiệm tương tự trên những đứa trẻ có nguy cơ nhiễm HIV cao khác. Tuy nhiên các nhà khoa học khuyến cáo những người đã nhiễm HIV không nên ngừng sử dụng thuốc ARV sau vụ này. Họ cũng chỉ ra rằng hiện phương thức ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm HIV từ mẹ sang con hiệu quả nhất là cho các bà mẹ sử dụng thuốc ARV.




Timothy Ray Brown hiện là người duy nhất đã được chữa khỏi HIV thông qua việc ghép tủy hiếm

Mở ra niềm hy vọng mới

Ngăn chặn virus HIV phát triển một cách tự nhiên mà không cần dùng thuốc là hiện tượng vô cùng hiếm gặp, chỉ chiếm khoảng 0,5% các ca nhiễm HIV ở người trưởng thành. Ở những người này, hệ miễn dịch của họ có khả năng khống chế quá trình phát triển của virus và khiến lượng virus luôn nằm ở mức thấp, không thể phát hiện được bằng các xét nghiệm thông thường.  

Cho tới nay, người duy nhất trên thế giới được xem là đã chữa lành HIV là anh Timothy Ray Brown ở San Francisco. Anh đã được ghép tủy xương để chống lại bệnh ung thư máu và điều đặc biệt là tủy của người hiến tặng lại có một loại gene với khả năng đề kháng tự nhiên trước virus HIV. 5 năm sau khi ghép tủy, anh đã khỏi bệnh ung thư máu và cũng không còn phải dùng tới thuốc ARV.

Trong năm 2011, có khoảng 300.000 đứa trẻ đã chào đời cùng HIV, phần lớn là ở các nước nghèo.

Theo bác sĩ Rowena Johnston ở Quỹ nghiên cứu AIDS, trường hợp ở Mississippi cho thấy "có nhiều cách chữa trị cho các bộ phận người nhiễm HIV khác nhau". Theo bà, thành tựu mới đã "mở ra nhiều cánh cửa" để người ta có thể giúp đỡ những đứa trẻ khác, đặc biệt là các bé sinh ra tại những nước nghèo.

Johnton cũng cho rằng các nhà khoa học nên xem xét cả trường hợp của một số những đứa trẻ khác đã được điều trị ARV ngay sau khi sinh, bao gồm các bài báo nói về một số bé được chữa khỏi vào cuối những năm 1990, nhưng đã không thuyết phục được giới nghiên cứu khi đó.

Tường Linh (Tổng hợp)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm