V-League thời bão giá: Hình như, cả làng ôm bụng

06/12/2011 10:56 GMT+7 | V-League

(TT&VH) - Ngập ngừng một hồi, chủ tịch CLB HN.T&T Đỗ Quốc Hội hôm qua vẫn không đề cập trực tiếp đến nội dung của câu hỏi về khoản tiền thưởng cho vị trí á quân ở mùa giải trước CLB còn chưa thanh toán cho cầu thủ. “Chuyện nhỏ, ổn rồi ấy mà em”, ông Hội cho biết.

Thực tế là cho đến trước chuyến hành quân vào Nam tham dự Navibank Cup, các cầu thủ HN.T&T vẫn chưa nhận được khoản tiền bầu Hiển đã hứa thưởng cho thành tích á quân ở mùa giải trước. Đâu chừng 4 tỷ đồng. Trong khi tính tới ngày hôm qua, thì V-League 2010 đã kết thúc xong xuôi hơn 3 tháng. Nếu so với hình ảnh “tiền tươi, thóc thật” thường thấy ở HN.T&T, đây rõ ràng là một tình trạng gây xôn xao. Người ta đã quen với cảnh bầu Hiển, cứ xong mỗi trận thắng của đội lại xuống tận sân, xướng tên kèm tiền thưởng cho từng cầu thủ.

Ngay cả những tân binh của HN.T&T cũng tỏ ra băn khoăn khi thấy đội rơi vào hoàn cảnh trên, lật đật đi hỏi quanh. Theo giải thích của một đại diện HN.T&T, thì ngay sau Navibank Cup trở về Hà Nội, T&T sẽ lập tức giải ngân, cầu thủ sẽ nhận đủ tiền. Đích thân bầu Hiển đã đứng trước đội tuyên bố. Một động tác được coi là cần thiết để ổn định tình hình đội bóng trước mùa giải mới.


Đội bóng nổi tiếng là chịu chơi và chịu chi như HN.T&T (phải) giờ cũng có lúc phải nợ tiền thưởng cầu thủ đến mấy tháng. Ảnh: Quang Nhựt

Chỉ bằng vào câu chuyện trên, chưa thể cho rằng HN.T&T đang trong cảnh khó. Thậm chí ngay cả khi ở mùa giải này, khi ngoài tiền đạo Samson, HLV Phan Thanh Hùng chỉ mới được chi tiền chiêu mộ thêm một vài cầu thủ mới, thì lý giải từ những nguồn tin thân cận với đội bóng Thủ đô vẫn là HN.T&T đã chuyển hướng trong cách xây dựng lực lượng. Chuyện hờ hững với Công Vinh, để rồi chân sút xứ Nghệ chuyển sang thi đấu cho CLB bóng đá Hà Nội của bầu Kiên cũng được giải thích bằng lý do tương tự.

Tuy nhiên, nếu điểm lại hoạt động đầu tư của các đội bóng nổi tiếng bạo chi ở V-League các mùa giải gần đây, dễ nhận thấy tương tự như HN.T&T, nguồn kinh phí cho thị trường chuyển nhượng đang dần bị “co” lại. Nếu so với bảng thống kê của VFF mùa giải trước, thì khoản đầu tư vào thị trường chuyện nhượng của nhiều CLB đều giảm mạnh, từ V.Hải Phòng đến V.Ninh Bình hay cả HA.GL…Với HA.GL, bầu Đức ít nhiều còn học viện bóng đá HA.GL-Arsenal để hy vọng. Nếu không kể B.Bình Dương đang nỗ lực lấy lại vị thế ở V-League, hay FC Sài Gòn của bầu Lãm mới nhập cuộc, các thế lực cũ của V-League đều không còn giữ được “phong độ” ăn tiêu như trước kia.

Cũng có lẽ chưa bao giờ V-League lại đối diện với nhiều thông tin hậu trường về cảnh cơm áo, gạo tiền thiếu thốn của các đội bóng đến thế. Chủ tịch CLB N.SG Nguyễn Vĩnh Thọ sáng qua đã kịch liệt phản ứng khi nghe đề cập đến chuyện đội bóng nợ tiền ăn của cầu thủ. “CLB có nhà ăn, bếp ăn riêng, đâu có để cầu thủ ra ngoài ăn linh tinh mà lại có chuyện nợ nần. Người ta muốn phá đội nên đưa tin ra như thế”, ông Thọ bức xúc. Ấy thế nhưng bên ngoài vẫn nghe cầu thủ rỉ tai phàn nàn. Theo số liệu từ báo cáo tài chính quý 2 năm 2011 của Navibank, tổng lợi nhuận trước thuế của Navibank quý 2/2011 đạt 67,2 tỷ đồng; lũy kế 6 tháng đầu năm 2011 đạt 127,56 tỷ đồng, tăng 72% so với cùng kỳ năm 2010. Con số trên tưởng nhiều, nhưng nếu trừ đi khoản tiền trung bình mỗi đội bóng V-League phải chi một mùa giải, thì phần còn lại thấy thiếu hẳn.

Cách đây ít lâu, TT&VH từng đề cập đến chuyện nhiều đội bóng bắt đầu lâm vào hoàn cảnh khó khăn, do tình hình tài chính bất thuận. Với các đội bóng có doanh nghiệp mẹ hoạt động trong lĩnh vực đơn ngành thì còn có thể lấy chỗ nọ, đắp chỗ kia. Doanh nghiệp đơn ngành thì chuyện trụ lại được đã khó, chưa nói đến làm ăn có lãi. Trong khi đội bóng vẫn như “chiếc tàu há mồm”, bao nhiêu tiền đổ vào cũng không đủ.

Nay thì, hình như còn thảm hơn.

Vĩnh Xuân

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm