Bay đi, những tấm ảnh voi

29/09/2011 13:13 GMT+7 | Thế giới

(TT&VH) - Tận đáy lòng, tác giả Lê Văn Thao - Nguyễn Bá Ngọc chỉ muốn độc giả mạnh tay... rọc ra từng trang tác phẩm của mình - cuốn sách ảnh về voi - Những người bạn lớn. Khi đó, mỗi trang sách sẽ biến thành một tấm bưu thiếp (carte postale). Mặt trước thiếp là chân dung, mặt sau là câu chuyện về chính chú voi đó cùng chỗ để dán tem, viết lời tặng.

Một góc rừng Yook Đôn sực mùi lá, thoảng hơi nồng nồng đặc trưng của voi. Lê Văn Thao cùng hai người, trong đó có quản tượng Y Mức B’ya nhìn quanh quất xung quanh. Họ đi tới, đi lui hồi lâu để tìm Bun Khăm, “cô voi” đang bỏ trốn. Thông minh và ngỗ ngược đến nỗi chủ cũ chịu không nổi phải chuyển cho Vườn quốc gia, Bun Khăm có nhiều “tiền sự” về tội bỏ trốn lắm rồi.

Cô voi Bun Khăm

“Chúng tôi ngửi thấy mùi voi. Trước đó, một quản tượng khác đi xe máy qua khu vực đó cũng nhìn thấy nó. Như vậy, nó chỉ quanh quẩn quanh chỗ chúng tôi. Thế mà không tài nào tìm thấy”, anh Thao nhớ lại. Hai “kim chỉ nam” để tìm voi lại cũng không giúp gì được các anh. Một là tiếng của chiếc chuông đeo trên cổ voi, thứ sẽ phát ra tiếng kêu khi voi di chuyển. Rừng chỉ có tiếng lá va khẽ. Hai là vết súc gỗ gắn vào xích voi để lại trên mắt đất. Mặt đất không một vết trầy.

“Đành phải điện thoại yêu cầu quản tượng thì đã nhìn thấy nó quay lại”, anh Thao nói. “Khi đó, chúng tôi đi chừng 50 mét nữa “bắt ngay tại trận” cô nàng đang nấp trong một hốc đá lớn. Chắc chắn Bun Khăm đã nghe thấy và biết thừa chúng tôi đang truy tìm mình. Vì thế “nàng” đứng yên để chuông không kêu. Còn vết cây, vết xích không thể có vì Bun Khăm đã cuộn cả dây, cả xích lên không cho quết đất”.

Mỗi bức ảnh, một câu chuyện

Bun Khăm chỉ là một trong những chú voi góp mặt, góp chuyện mình trong cuốn sách dày chưa tới 60 trang của tác giả Lê Văn Thao - Nguyễn Bá Ngọc. Sách được làm với sự đỡ đầu của nhà sử học Dương Trung Quốc, với slogan: “Đừng để voi chỉ là ký ức”. Xuyên suốt cuốn sách là những ký ức voi tươi xanh, đầy nhân bản của nhóm tác giả. Các anh đã sống những ngày dài cùng voi, với những chuyến đi kéo dài hàng tháng.

“Chúng tôi đã gặp từng người quản tượng một, từng con voi nhà còn lại của Đắc Lắc ”, anh Thao cho biết. “Vì thế, hiện ở đây còn 52 con voi thì sách đã giới thiệu tới 51. Con còn lại do vào rừng quá lâu, chúng tôi lại hết tiền nên không thể chờ được. Hai chuyến đi, mỗi chuyến gần một tháng mà không gặp được bạn voi ấy. Tiếc ghê gớm”.

Ở như thế, cuốc bộ xuyên những vạt rừng lớn theo voi nên các anh rất thạo tính voi, chuyện voi, tướng voi. “Vẫn lại chuyện Bun Khăm nhé, cô nàng có quý tướng đấy”, anh Thao nói giọng dí dỏm. “Những mạch máu trên tai cô nổi gân lên tạo thành vệt như rẻ quạt - như thế là thông minh lắm. Ngoài khả năng bỏ trốn, xóa hiện trường như đã kể, cô nàng còn từng thức suốt đêm trông quản tượng say rượu ngủ trong rừng. Giờ đã biết nghe lời, chủ cũ tiếc lắm vì đã bán nó đi”.

Lê Văn Thao trong chuyến “săn ảnh” voi

Cũng vì thế, trên tấm bưu thiếp Bun Khăm được anh Thao đặt biệt danh là “Cô gái vàng”. Mỗi con voi đều có một tên “hiệu” tương đương với câu chuyện, tính cách của nó như vậy cả. Chẳng hạn, Y’Dor có biệt danh Y móm. Đáng ra, Y’Dor cũng là một chú voi đẹp mã, song không may nó lại bị sâu răng. Đến khi chiếc ngà bị rụng, trông nó móm mém.

Anh bạn Bun Nang lại có tên rất kỳ “Tên là voi”. Điều này được anh Ngọc giải thích rõ: “Sau khi chụp ảnh xong, tôi chạy theo hỏi anh ơi con voi tên là gì vậy? Với vẻ mặt khó đăm đăm, người quản tượng trả lời “tên là voi”. Sau này, khi tặng ảnh voi cho chủ Bun Nang, biết ý tốt của chúng tôi, họ mới mở lời kể thêm chuyện. Hóa ra, gia đình ấy trước có đến 3 con voi, rồi chúng già chết dần chết mòn hết, còn mỗi mình Bun Nang. Giờ cả nhà sống dựa vào nó”.

Ngụ ngôn voi

Nhưng câu chuyện của Bun Nang không chỉ dừng ở đó mà còn được nhóm tác giả mở rộng ra thêm nhiều. Theo họ, công ty du lịch lo tìm nguồn khách, quảng cáo, tổ chức tour... tỷ lệ ăn chia cho người có voi làm du lịch là 50%. Một con voi đi chở khách đều đặn, vào những tháng cao điểm có thể thu nhập hơn chục triệu, chưa kể tiền khách bo thêm. Tuy nhiên, số tiền đó chẳng thấm tháp gì với một chuyến vào rừng chở gỗ lậu. Điều đó khiến nhiều người có voi phải đắn đo cân nhắc, cưỡng lại những món lợi khổng lồ hoặc làm ăn lương thiện.

Ngụ ngôn voi còn có những cân nhắc “đời” hơn và cũng triết học hơn - (để voi) tồn tại hay không tồn tại? Bởi thu về trong tháng cao điểm là vậy, nhưng một năm còn nhiều tháng và nuôi một con voi nhọc công vô cùng. Ngày trước chỉ cần buộc voi quanh nhà là nó tự kiếm ăn được. Giờ, cảnh quan đã khác xưa, người ta phải buộc nó cách xa nhà chục cây số. Vì thế, không nghề gì khổ bằng nghề chăn voi.

Họ phải đi xe máy tới cách khu buộc voi 5 cây số rồi đi bộ tìm nó. Con voi được xích và kiếm ăn quanh quẩn 40 mét xích. Trong khi, con voi thường đi kiếm ăn trong khoảng 2 cây số. Nên tìm chỗ đủ đồ ăn cho voi cũng nhọc nhằn. Chưa kể, còn phải ngày hai lần đưa voi đi uống nước. Họ cũng nơm nớp lo voi đánh nhau, voi phá rừng phải đền tiền. Do đó, người ta nhanh chóng bán voi đi. Những sản phẩm từ voi lại có giá, từ sợi lông đến lớp da, từ cân thịt đến cặp ngà. Bán qua bán lại như thế nên con voi chết có giá hơn con voi sống. Vì vậy, người ta tiêu diệt dần đàn voi. Niềm hãnh diện của người Tây Nguyên giờ không còn là con voi nữa mà là cái nhà đúc, chiếc ô tô, con xe máy.

Tạp chí Xưa và Nay cùng với Enter Vietnam Group, Thư viện Quốc gia Việt Nam và chương trình “Hành trình Việt Nam xanh” đồng tổ chức cuộc triển lãm Hình ảnh những đại diện cuối cùng của voi nhà Tây Nguyên vào sáng 30/9. Đây chính là những bức ảnh trong cuốn sách Những người bạn lớn. Sau thời gian trưng bày tại đây, triển lãm sẽ được chuyển về Quán sáng tạo Trung Nguyên trên đường Trần Phú, Hà Nội.

“Theo dự báo của các nhà khoa học, chỉ chừng 20 năm nữa đàn voi này cùng với những buôn làng ở Tây Nguyên vang bóng một thời với nghề săn bắt và thuần dưỡng voi rừng sẽ chỉ còn là di sản”, nhà sử học Dương Trung Quốc cho biết. “Thống kê chưa đầy đủ năm 1985 Tây Nguyên có trên 500 con voi nhà thì đến nay không biết có còn được 100 con?”.

Cũng vì thế, những câu chuyện voi đã được in dưới dạng thức lạ - một tập sách không đánh số trang mà mỗi trang là một bưu thiếp. Người ta có thể tách từng trang để gửi cho bạn bè, tới nhiều miền đất. Nó mang những câu chuyện voi đã được nhân hóa bay đi đó đây để lay động tâm can bạn bè.

“Tôi mong bạn đừng giở sách khép nép thế. Hãy xé rời từng trang, rồi gửi đi đâu đó. Để trên đường đời, ai đó ghé Tây Nguyên sẽ thăm nom, góp tiền, góp công nuôi nấng từng chú voi mà mình có tình cảm qua câu chuyện. Có thế, chuyện bảo tồn voi sẽ bền vững hơn. Chứ còn, chờ ra một chính sách, một bộ luật bảo vệ voi cụ thể thì còn lâu lắm”, anh Thao giãi bày.

Ngữ Yên

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm