Bẫy cấp 3 bị cấm không phải vì “sex”…

11/05/2012 08:15 GMT+7 | Phim

 (TT&VH) - Sáu năm kể từ khi Luật Điện ảnh ra đời (vào năm 2006), Cục Điện ảnh mới ra văn bản đầu tiên cấm trình chiếu một bộ phim nội. Đó là sự việc đang thu hút sự quan tâm của đông đảo dư luận và giới làm nghề xung quanh Bẫy cấp 3 bị Hội đồng duyệt phim quốc gia “tuýt còi” dù phim đã được quảng cáo rầm rộ và lên lịch chiếu. Một thành viên Hội đồng thẳng thắn chia sẻ, sex đến như Chạm còn cho qua. Vậy thực sự thì Bẫy cấp 3 bị cấm có phải vì sex và bạo lực?

Để rộng đường dư luận, TT&VH đã tìm hiểu thông tin từ một thành viên Hội đồng duyệt phim quốc gia và nhà sản xuất.



* Cấm không vì sex…

Một thành viên Hội đồng duyệt phim quốc gia thẳng thắn, Mỹ có rất nhiều phim bạo lực, nhân vật phản diện xấu đến mức không thể chịu đựng được, nhưng luôn có một người tuyệt vời chống kẻ phản diện đó, xã hội phải có khả năng tự làm sạch thì mới tồn tại được đến ngày hôm nay. Tuy nhiên, theo nhận xét thì Bẫy cấp 3 không nói được điều ấy, thậm chí, phim rất vô bổ. Chỉ vì một phút tự ái mà người ta giết bạn bè, giết những người vô tội là điều không thể chấp nhận được.

Thêm vào đó, Bẫy cấp 3 còn bị đánh giá là một bộ phim rất tệ về nghiệp vụ. Chi tiết được dẫn ra là khi nhóm học sinh lạc vào một chỗ mà không biết mình đang ở đâu, cảm giác như mình bị bẫy thì phản ứng đầu tiên của những người bị lạc là phải sợ hãi, phải tìm đường thoát. Đằng này họ cởi quần áo nhảy ngay xuống nước để tắm, để bế nhau lên… khoe hàng. Cả hội đồng ngớ ra khi xem cảnh này vì không hiểu nổi sao sợ hãi mà lại tắm? Rồi còn chi tiết một bà già ngồi bơ vơ giữa đường thế rồi tự nhiên bị giết…

Đồng tình với ý kiến của một thành viên khác từng chia sẻ với TT&VH, người được hỏi ý kiến này cũng cho rằng phim mới là bán thành phẩm vì khi âm thanh lúc to lúc nhỏ, hòa âm rất kém. Thậm chí, họ còn hài hước cho rằng: “Đáng lẽ đạo diễn bộ phim phải mừng vì phim không được chiếu. Như vậy, người ta còn mơ hồ về tài năng của đạo diễn…”.

Trả lời câu hỏi phải chăng Bẫy cấp 3 bị cấm còn vì nhiều cảnh sex, người duyệt phim khẳng định, đó không phải lý do, bởi: “Sex đến như Chạm, Hội đồng cũng cho qua, và còn khen. Vì con người tìm đến sex để hiểu nhau, để thấy mình hạnh phúc. Những cảnh sex và bạo lực ở đây không có gì quá ghê gớm, vấn đề là nó không để làm gì cả, nó cho thấy một sự bế tắc mà thôi”.

* Nhà sản xuất: Bẫy cấp 3 có cách làm phim hơi khác

Đại diện nhà sản xuất của Bẫy cấp 3, ông Trần Trọng Dần cho biết: “Theo chuyên môn và quan sát của tôi về thị trường điện ảnh tại Việt Nam trong vài năm qua, thẳng thắn mà nói thì Bẫy cấp 3 không có bạo lực bằng một vài phim ngoại nhập và không có cảnh nóng bằng một, hai phim Việt khác. Có lẽ vấn đề của nó không thuộc về liều lượng mà là khả năng tạo hiệu ứng cảm xúc của từng phim, Bẫy cấp 3 có cách làm phim hơi khác, có thể làm nhiều người chưa quen hoặc e ngại.

Khi quyết định làm phim tại Việt Nam, chúng tôi đã nhận được nhiều tư vấn thực tế để làm sao “đo” được liều lượng từ các bên, nhằm đem đến cho khán giả một phim mới mẻ, hấp dẫn. Chúng tôi luôn lạc quan về một nền điện ảnh phong phú, đa dạng và có nhiều khác biệt”.

Cũng theo ông Dần, hiện nay chưa có những điều tra xã hội học và nghiên cứu cụ thể về thị hiếu điện ảnh của giới trẻ Việt Nam, nên thật khó để khẳng định sức tác động tốt/ xấu của một bộ phim là như thế nào? Vì thế, ông này cho rằng điều cần làm ngay với điện ảnh Việt Nam là tiến hành việc phân loại khán giả và dán nhãn mác cho từng phim, liều lượng nào thì khán giả đó.

“Hơn nữa, chúng ta cứ lo xa về việc khán giả không đủ tỉnh táo, chứ thực ra họ rất bản lĩnh và thực tế, phim nào thích thì đi xem, không thì ở nhà, vì vậy mới có phim ế, phim đắt khách. Đối với những khán giả trưởng thành, hy hữu mới có một người không phân biệt nổi phim và đời, nên sức tác động đến mức lệch lạc hành vi thì gần như không có” – ông Dần nói thêm.

Văn Bảy – Hà Chi

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm