VFF yêu cầu VPF đổi tên Super League là V-League: Thay một cái tên

08/02/2012 09:33 GMT+7 | Bóng đá Việt

(TT&VH) - Hôm qua, dư luận và người trong cuộc đón nhận thông tin VFF chính thức yêu cầu VPF đưa tên giải VĐQG từ Super League trở lại thành V-League với nhiều luồng ý kiến khác nhau, ủng hộ có, phản đối có mà trung dung cũng có. Có rất nhiều câu hỏi đặt ra về việc tại sao đến tận thời điểm này, khi giải VĐQG 2012 đã trôi qua được 4 vòng đấu thì VFF mới yêu cầu VPF đổi tên giải, bởi bất cứ sự thay đổi nào được thực hiện trong quá trình giải đấu đang diễn ra đều kéo theo rất nhiều hệ lụy phiền toái.

Để trả lời câu hỏi này, có thể dẫn lại lời của ông Vương Bích Thắng, Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT, trong cuộc trả lời phỏng vấn trên TT&VH số báo ra ngày hôm qua. Ông Thắng nói: “Trong buổi lễ ký kết hợp đồng tài trợ giữa VPF và Eximbank, tôi đã nhắc nhở các anh lãnh đạo VFF và VPF là phải có tên tiếng Việt của giải đấu. Lúc ấy VFF và VPF đều hứa sẽ sửa, nhưng mấy vòng đấu trôi qua mà không thấy sửa nên Tổng cục TDTT phải có yêu cầu bằng văn bản”.


Điều quan trọng nhất với giải VĐQG là chất lượng chứ không phải tên gọi của giải đấu

Thời điểm VPF tổ chức lễ ký kết hợp đồng tài trợ với Eximbank là ngày 22/12/2011, 9 ngày trước khi giải VĐQG 2012 khởi tranh (31/12/2011), quãng thời gian vừa đủ để VFF và VPF có thể điều chỉnh lại tên giải như lời nhắc nhở của lãnh đạo Tổng cục TDTT, nhưng cuối cùng đã không có ai làm việc đó, và phải tới khi Tổng cục TDTT có công văn hỏa tốc gửi VFF về việc chấn chỉnh lại công tác tổ chức các giải bóng đá chuyên nghiệp VN vào tuần trước thì đến tuần này VFF mới chính thức yêu cầu VPF đưa tên giải trở lại là V-League thay vì Super League.

Thực ra, việc giải VĐQG mang tên V-League hay Super League không quá quan trọng, mà chất lượng của giải đấu này như thế nào mới là vấn đề cơ bản, như quan điểm của những người trong cuộc mà TT&VH đã hỏi ý kiến. Sẽ chẳng có ý nghĩa gì nếu giải VĐQG khoác lên mình một cái tên thật kêu, thật hào nhoáng, nhưng trên sân cỏ thì xảy ra sự cố như cơm bữa, còn khán đài thì vắng bóng CĐV.

Bên lề cuộc nói chuyện với TT&VH hôm rồi, Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Vương Bích Thắng luôn nhấn mạnh rằng mục tiêu số một của lãnh đạo Bộ VH-TT&D: và Tổng cục TDTT khi đồng ý giao quyền tổ chức giải VĐQG cho VPF là hy vọng năng lực điều hành của VPF sẽ góp phần cải tiến và nâng cao chất lượng bóng đá VN, còn vấn đề tìm kiếm lợi nhuận chỉ là thứ yếu.

Thế nên, khi nhìn thấy Điều 2 trong Dự thảo Quy chế bóng đá chuyên nghiệp do VPF trình lên, trong đó ghi rõ: “Bóng đá chuyên nghiệp trong quy chế này được hiểu là một ngành kinh doanh, các CLB Ngoại hạng và hạng Nhất quốc gia là thành viên chính thức của Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp VN (sau đây viết tắt là CTCP BĐCNVN), thực hiện công việc kinh doanh đó để đạt mục tiêu của bóng đá chuyên nghiệp VN, tạo nguồn thu nhập và sinh lợi”, lãnh đạo Tổng cục TDTT không khỏi giật mình với cụm từ “tạo nguồn thu nhập và sinh lợi” và đấy là một trong những lý do khiến Quy chế bóng đá chuyên nghiệp của mùa giải 2012 đến nay vẫn chưa được thông qua.

Ông Thắng cho biết: “Vẫn biết doanh nghiệp nào khi thành lập cũng phải nhằm tới mục tiêu lợi nhuận, nhưng trong trường hợp này thì hơi đặc thù một chút. Trong văn bản của Bộ VH-TT&DL khi đồng ý cho VPF thành lập cũng nhắc nhở mấy điều, một là phải bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước trong lĩnh vực quản lý bóng đá, tuân thủ theo pháp luật VN, tuân thủ theo quy định của FIFA, Điều lệ của VFF, phải bảo đảm mục tiêu là vì sự phát triển của bóng đá VN”.

Hoàng Huy

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm