(TT&VH Online) - Đến thăm nhà văn Ngô Văn Phú, tác giả của “Mây và bông” (SGK lớp 1) và “Tí xíu” (SGK lớp 2), (chưa kể “Con voi ở công viên Thủ Lệ” (SGK lớp 9) được ông kể cho nghe mới biết hai tác phẩm được đưa vào SGK của ông cũng có những kỷ niệm thật thú vị. “Bài ‘Mây và bông’ của tôi thường vẫn bị “giật tít” thành “Bông và mây” và thường cho đó là bài ca dao nên không đề tên tác giả… Còn bài ‘Tí xíu’ thì bị chữa nhiều khi đưa vào SGK…”- ông nói.
* “Mây và bông” chứ không phải “Bông và mây”
Bài thơ “Mây và bông” tôi viết khi về nông trường Tam Đảo. Đến đây, tôi được ngắm nhìn những cánh đồng bông “trắng như mây” và thấy rất đẹp do các đơn vị bộ đội ở khu V, khu VI Nam Trung Bộ chuyển ngành đem trồng ở chân núi, từ đó tứ bật ra và viết hoàn chỉnh.
Trên trời mây trắng như bông Ở dưới cánh đồng bông trắng như mây Những cô má đỏ hây hây Đội bông như thể đội mây về làng |
Sau khi bài thơ này viết xong tình cờ có một cuộc thi ca dao của của báo Văn học (nay là báo Văn Nghệ) tôi gửi dự thi luôn và đoạt giải Nhì (không có giải Nhất) năm 1962. Đến năm 1963 “Mây và bông” được đưa vào SGK lớp 1. Chỉ có điều, không hiểu sao khi đưa vào SGK dưới bài thơ họ không đề tên tác giả.
Nhiều bạn, đọc “Mây và bông” xong vẫn cất lời khen bài “ca dao” ấy hay. Tôi chỉ cười và nghĩ chắc là do bài thơ ấy tham dự cuộc thi ca dao và cũng đậm chất ca dao nên mọi người chỉ nhớ nó theo thể loại chứ không nhớ tác giả. Sau này, ở những lần tái bản SGK đã in tên tác giả. Nhưng có điều, nhiều báo, tạp chí và bây giờ là mạng internet khi in lại bài “Mây và bông” của tôi họ cứ tự ý “giật tít” “Mây và bông” thành “Bông và mây”.
Câu: “Những cô má đỏ hây hây/ Đội bông như thể đội mây về làng” bị chữa lại thành “Mấy cô má đỏ hây hây/ Gánh bông như thể gánh mây về làng”. Cái từ “gánh” đúng là nó đúng với sự thật ngoài đời khi các cô, và có cả các anh nữa ở các nông trường sau khi hái bông thường sẽ gánh về. Nhưng như thế thì hình tượng không đẹp, không hợp với “Trên trời mây trắng như bông”. Phải “đội bông như thể đội mây” mới đẹp, mới ấn tượng và gợi hình ảnh”…(Về sau đã sửa lại đúng là “đội bông”.
Đặc biệt hơn là khi tôi đi đến các nông trường trồng bông không hiểu sao thấy mình lại được yêu quý đến thế. Tìm hiểu mới biết, hết nông trường này đến nông trường khác cứ tưởng bài “Mây và bông” là tôi viết về nông trường của họ. Thậm chí bài thơ “Mây và bông” còn được một nông trường trồng bông ghi vào bên cạnh bảng thành tích.
Thơ của nhà văn Ngô Văn Phú
* Bài “Tí xíu” bị chữa nhiều khi đưa vào SGK
Ở quê tôi, xã Nam Viêm, Mê Linh ngày xưa những đứa trẻ chịu khó lắm! Chúng chăm làm từ khi mới 7 – 8 tuổi. Nói chung là chúng làm đủ thứ, làm bất kể việc gì giúp được cha mẹ. Cứ thế những hình ảnh bọn trẻ cứ dội vào tâm thức tôi những xúc cảm thiết tha đối với chúng. Lại nhớ thời các em học sinh tham gia vót chông do nhà trường vận động năm 1979. Nhìn những đứa trẻ tay dao tay tre vót nhanh thoăn thoắt với một niềm hứng khởi lạ kỳ tôi đã không kìm được cảm xúc:
Gọi là tí xíu Mà chẳng bé đâu Vớt bèo trong ao Đem về cho lợn Tý biết nấu nướng Hai bữa cơm canh
Ngắt lá dứa xanh Tý làm chong chóng Nhà cửa sạch bóng Sách vở gọn gàng
Chăn bò, dỗ em Việc gì cũng giỏi… Tý xíu tý xíu Mà chẳng bé đâu! |
Sau này bài thơ được đưa vào SGK lớp 2, nhưng tôi không biết ai đã “chữa dùm” bài thơ “Tí xíu” như thế này:
Gọi là tí xíu Mà chẳng bé đâu Tí biết hái rau Mang về cho lợn Tí biết nấu nướng Hai bữa cơm canh Tí còn nhờ ông Pha thanh tre cật Tí ngồi tí vót Được mười cây chông Gửi đồn biên phòng Đánh quân cướp nước |
Nhà văn Ngô Văn Phú
Tôi không nói gì về việc người khác chữa thơ tôi. Tôi đoán người ta chữa để cho có tính giáo dục hơn, qua đó thấy được ý nghĩa tuổi nhỏ các em làm đối với việc bảo vệ đất nước lúc bấy giờ…
Tuy nhiên, chọn bài thơ “Tí xíu” đưa vào SGK với tôi chưa chuẩn lắm. Nói thực tôi có nhiều bài hay hơn thế . Ví dụ bài “Cua đồng” chẳng hạn:
Áo nâu và áo tím Lúc thụt vào nhô ra Làng cua trong bờ cỏ Mỗi con xây một nhà
Mắt thấp là mặt đất Mà nhìn thấu đục trong Tưởng mình là hiệp sĩ Xách gươm đi dọc đồng… |
Bài thơ như tôi vừa dẫn đó nó gần gũi với thiếu nhi hơn, hình tượng cũng hoạt hơn. Tôi dám chắc nhiều trẻ em sống ở thành phố rất khó tưởng tượng về những cái gần gũi với thiên nhiên, nông thôn nếu không muốn nói là chúng rất ít hoặc không tiếp xúc với những thứ thuộc về nông thôn. Tôi lấy ví dụ, một ông bạn tôi phàn nàn rằng cháu ông đi học được cô giáo giao về nhà bài tập làm văn hãy tả hình dáng con bò nhưng nó chịu không thể tượng tượng con bò nó như thế nào ngoài đời thực. Một số bạn bè nó khuyên lên mạng internet seach tìm nhưng vì trên mạng cũng chỉ toàn bò bằng hình ảnh nên đích thân ông phải đưa nó ra ngoại thành thành phố để đi ngắm bò.
Kỳ sau, Chủ Nhật (13/7): Trở lại với "Con voi ở Công viên Thủ Lệ"
YÊN KHƯƠNG