22/04/2024 07:00 GMT+7 | Giải trí
Đạo diễn Nguyễn Ngọc Lâm là cái tên quá mới trong làng phim, vợ anh - người mẫu Xuân Lan - chưa từng đóng chính trong phim điện ảnh. Do vậy sự kết hợp này đem lại bất ngờ khi phim Cái giá của hạnh phúc, với chất lượng tạm ổn so với nhiều phim Việt Nam ra rạp gần đây.
Phim ra rạp vào ngày 19/4 và theo thống kê của Box Office Vietnam, đến tối 21/4 đã thu về hơn 13 tỷ đồng - con số khả quan so với mặt bằng doanh thu phim Việt Nam tháng 3 và 4. Tác phẩm cũng chấm dứt chuỗi tuần quán quân phòng vé của phim bom tấn Godzilla x Kong: Đế chế mới.
Phim gây chú ý vì có sự góp mặt của "ông hoàng phòng vé" Thái Hòa, và "ngôi sao" 2 phim Việt Nam có doanh thu cao nhất lịch sử Uyển Ân. Nữ diễn viên - người mẫu Xuân Lan, ngoài vai trò nữ chính, còn là nhà sản xuất phim. Bên cạnh đó còn có những diễn viên trẻ như Hạ Anh, Lâm Thanh Nhã, Bé Quyên… cùng dàn diễn viên phụ rất thực lực gồm Trương Thanh Long, NSƯT Hữu Châu, Quang Minh...
Kịch tính dồn dập, twist chồng chéo
Phim xoay quanh câu chuyện gia đình bà Võ Thùy Dương (Xuân Lan thủ vai), một phụ nữ thành đạt trong ngành bất động sản. Trong mắt người ngoài, bà là hình mẫu đáng mơ ước, vì có người chồng hết lòng với vợ con, từng được giải Người đàn ông của năm là ông Đinh Công Thoại (Thái Hòa). Con trai Will Võ và con gái Nina Võ đều trưởng thành, đẹp trai, xinh gái.
Tổ ấm đó bắt đầu gặp sóng gió sau đám cưới của Will Võ. Trong đêm tân hôn, bà Dương phát hiện chồng mình "lên giường" với Linh, vợ của Will Võ. Quá sốc trước hành động vô đạo đức này của người chồng mẫu mực, bà bèn điều tra thêm về chồng mình và sốc tiếp khi phát hiện ông từng cặp bồ với 7 cô gái.
Vốn lớn lên trong hoàn cảnh cha mẹ không hạnh phúc, bà Dương thấu hiểu nỗi đau của những đứa con sống thiếu tình cảm gia đình, nên bằng mọi cách bà quyết níu kéo người chồng bội bạc, đồng thời tìm cách xử lý các "tiểu tam". Cuối cùng cả "thủ phạm" lẫn "nạn nhân" đều trả giá đắt cho hai chữ "hạnh phúc".
Phim có nhịp điệu ban đầu khá chậm, giới thiệu đến người xem bức tranh gia đình hạnh phúc của bà Dương. Đây là một gia đình bề thế, được trọng vọng. Nhưng mấy ai biết đó chỉ là vỏ bọc. Ông Thoại ra ngoài lăng nhăng. Cậu con trai Will Võ khổ sở giấu mẹ mối tình đồng tính. Cô con gái Nina Võ chán ghét tính trăng hoa của cha đã bỏ nhà ra nước ngoài nhiều năm không về. Chỉ có bà Dương cứ ngỡ mình hạnh phúc.
Câu chuyện Cái giá của hạnh phúc có thể bắt gặp nhiều trong đời sống xã hội, nên ít nhiều tạo sự đồng cảm nơi người xem. Nào là quan hệ đổi tình lấy tiền, chuyện người đẹp cặp đại gia, làm đám cưới giả để che giấu thân phận đồng tính, hoặc người nổi tiếng bị bóc phốt trên truyền hình, "tiểu tam" bị đánh ghen, chồng mua nhà cho bồ nhí…
Gần 2/3 thời lượng phim diễn ra với nhịp điệu khá chậm, kịch tính dồn vào 1/3 đoạn cuối phim, để rồi 5 phút cuối lên đỉnh điểm cao trào với nhiều "twist". Trong đó, cái kết bi đát của người chồng bội phản, cách hắn "tự xử" khiến người xem hả hê, nhưng cũng bất ngờ vì quá táo bạo, máu me. Thông điệp chính "Hạnh phúc nào cũng phải đổi bằng nỗi đau, nhưng có đau cũng là xứng đáng" được chuyển tải rõ ràng.
Dấu ấn Xuân Lan
Trong buổi họp báo ra mắt phim Cái giá của hạnh phúc, diễn viên - người mẫu Xuân Lan từng cho biết cô chủ động "xí" vai bà Dương, dù chồng - đạo diễn Nguyễn Ngọc Lâm phản đối. Cô cũng tiết lộ phim lấy chất liệu từ cuộc đời mình, từng trải qua ngoài đời một vài tình huống giống bà Dương trong phim, nên tự tin chạm được vào nỗi đau của nhân vật. Và cô làm được.
Những chuyển biến tâm lý từ một người phụ nữ mạnh mẽ, cứng rắn, sống theo khuôn khổ, biến thành một người đàn bà yếu đuối nhưng vẫn phải tỏ ra kiên định được Xuân Lan thể hiện uyển chuyển. Các phân cảnh đứng chung với "ông hoàng diễn xuất" Thái Hòa, cô không bị lép vế.
Ngoài vai trò diễn viên, Xuân Lan còn đảm nhận vị trí nhà đầu tư, sản xuất, nên cô chăm chút cho phim đầu tay. Cùng với chồng, cả 2 đem đến một tác phẩm chỉn chu, có dụng công.
Bối cảnh trong phim thể hiện sự tỉ mỉ trong sắp đặt từ cách sắp xếp chiếc bàn chải trên lavabo đến thứ tự các khung hình trong nhà. Cũng không hổ danh là người mẫu lâu năm, phần phục trang trong phim được cô chọn lựa đẹp mắt, phù hợp cho các nhân vật. Trong đó ấn tượng nhất, dĩ nhiên là những bộ váy dài, phụ kiện mà bà Dương mặc, toát lên sự sang trọng, màu sắc hợp tâm trạng. Lần đầu thử sức làm phim điện ảnh, vợ chồng Xuân Lan - đạo diễn Nguyễn Ngọc Lâm cho thấy họ xứng đáng được khán giả ủng hộ ở những phim sau.
Thông điệp sắc, nhưng khắc họa chưa "nét"
Phim đề cập đến gánh nặng của mấy chữ "danh gia vọng tộc" - thứ khiến những người trong dòng họ Võ bị đè nén, xa rời hạnh phúc bản thân.
Trong phim, bối cảnh chính là căn biệt thự được thiết kế nhìn như lồng chim, tọa lạc ở vị trí biệt lập và nội thất mang tông màu lạnh lẽo, lột tả tốt ý đồ mô tả cảnh sống "chim lồng cá chậu" của các nhân vật.
Tiếc là sự khắc họa này chỉ rõ nét ở phần bối cảnh. Thế giới nhân vật được xây dựng còn nhiều khoảng "mờ". Khán giả chưa thấy được sự cay nghiệt, áp đặt mà bà Dương dành cho chồng con, để hiểu cho tâm lý dồn nén, bức xúc, phản kháng của họ.
Tầm ảnh hưởng, vị thế gia đình nhà họ Võ trong giới kinh doanh ra sao cũng chỉ được các nhân vật nhắc suông. Việc một người phụ nữ quyền lực, quan hệ rộng rãi như bà Dương, nhưng mấy chục năm trời không phát hiện được chồng cặp bồ với hàng tá cô gái trẻ là điều khó hiểu. Tình huống mở màn cho chuỗi kịch tính (drama) sau này là chuyện ông Thoại "lên giường" với bồ nhí giờ là con dâu ngay trong đêm tân hôn, trên giường của con trai, trong lúc vợ con, cha vợ đang tề tựu đầy đủ trong nhà là hơi bị phi lý.
Ông Thoại được mô tả là đại gia lâu năm, "sõi" trên thương trường lẫn tình trường, nhưng lại hớ hênh để lọt những khoảnh khắc thân mật với các cô bồ nhí ở chốn đông người và bị chụp hình cũng là tình tiết thiếu thuyết phục.
Ngoài ra, tình huống đẩy nhân vật ông Thoại "tự xử" theo cách bạo lực, máu me, diễn ra khá vội vàng, khiên cưỡng. Cái kết có hậu của cặp đôi đồng tính trong phim diễn ra lê thê, gượng gạo, dưới diễn xuất thiếu tự nhiên của hai diễn viên Trương Thanh Long và Lâm Thanh Nhã.
Liên quan đến diễn xuất, Uyển Ân nổi bật nhất trong dàn diễn viên trẻ của phim này. Lần đầu "rời xa" phim của anh trai Trấn Thành, Uyển Ân chứng tỏ cô có thực lực, chứ không phải mang mác diễn viên nhờ được ưu ái. Với vai Nina Võ trong Cái giá của hạnh phúc, Uyển Ân lột tả tốt tâm trạng của một người con bất lực khi nhìn thấy mẹ cố gắng gồng mình để giữ thể diện trước người ngoài mà quên đi cảm xúc của bản thân và những người thân yêu bên cạnh.
Tuy nhiên, như đã nói từ đầu, dù còn vài chỗ chưa ổn, nhưng đây là màn "chào sân" điện ảnh khá ổn của vợ chồng đạo diễn Nguyễn Ngọc Lâm và người mẫu - diễn viên Xuân Lan.
"Đẳng cấp" Thái Hòa
Phim đánh dấu sự trở lại màn ảnh rộng của Thái Hòa sau thành công thương mại lẫn nghê thuật của phim Con Nhót mót chồng. Vai Thoại trong phim là lần hiếm hoi anh vào vai phản diện, khiến người xem ghê sợ. Trước đó, ở phim Lấy chồng người ta, anh từng làm khán giả khiếp sợ khi vào vai một người đàn ông rất "Chí Phèo", dùng nắm đấm để yêu và hận đời, nhưng đi trả thù người.
Tuy không có ngoại hình phù hợp với chân dung một đại gia thường thấy trong Cái giá của hạnh phúc, nhưng diễn xuất của Thái Hòa đủ sức lôi cuốn người xem quên đi điều đó. Mới phút trước còn ngọt ngào với bồ nhí, xưng chồng gọi vợ, phút sau đã thẳng thừng bỏ rơi cô vợ "hờ" khi bị cô nàng ép buộc bỏ vợ. Vừa quỳ gối van xin vợ đúng kiểu "chó chui gầm chạn", chỉ một lát sau đã quay lại chỉ trích, mắng nhiếc đổ hết tội lên người đầu ắp tay gối, dù bản thân là kẻ có lỗi.
Ở cảnh "đinh", khi ông Thoại tự hành hạ mình, lúc phát hiện sự thật động trời về cô vợ mới cưới, diễn xuất của Thái Hòa như lên đồng. Ánh mắt của anh trong phân cảnh cuối để lại ấn tượng khó quên. Nhìn chung, so với bà Dương, tuyến vai ông Thoại không được kịch bản khai thác sâu để anh "bung thỏa" nhiều hơn, nhưng mỗi lần xuất hiện, Thái Hòa đều "đắt" về diễn xuất.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất