12/03/2013 18:41 GMT+7
(Thethaovanhoa.vn) - Ba thất bại đến dồn dập trong vòng 10 ngày với rất nhiều biểu hiện cho thấy Barcelona đã quá chủ quan nhờ sở hữu trong tay một triết lý bóng đá đi trước thời đại, tiki-taka.
10 ngày trước, họ vẫn là đội bóng mạnh nhất thế giới, được cho là không cần huấn luyện viên cũng thành công. Lionel Messi chưa có dấu hiệu chững lại, một tháng sau khi nhận Quả bóng Vàng thứ tư liên tiếp. Tiki-taka vẫn là lối chơi không thể bị giải mã.
Ngược lại, AC Milan bị đánh giá thấp hơn hẳn sau một mùa hè chảy máu lực lượng toàn diện. Còn Real Madrid, với sự độc đoán của huấn luyện vien Jose Mourinho, bị bủa vây trong sự nghi kỵ và chia rẽ, thua Barca đến 16 điểm ở Liga. Đội trưởng Iker Casillas dính chấn thương và được chẩn đoán phải ngồi ngoài ba tháng.
Nhưng bối cảnh thuận lợi ấy hóa ra lại đánh dấu điểm dừng của Barca. Khái niệm “xe bus trước khung thành” không còn tồn tại trong ba thất bại vừa qua: AC Milan và Real Madrid đã không khắc chế Barca bằng phòng ngự tiêu cực, mà bằng phòng ngự có chiều sâu, với sự tương trợ ở cả ba tuyến và luôn chủ động, hiệu quả trong những đợt phản công chớp nhoáng.
Barca chỉ sút trúng đích một lần ở trận gặp Milan (tổng số lần sút cầu môn chỉ là năm). Messi không sút nổi quả nào ở trận ấy, và ở trận lượt về Cúp Nhà Vua trước Real Madrid (Barca thua 1-3), cầu thủ người Argentina chỉ được chấm 3/10 điểm. Thất bại mới đây trước một Madrid chỉ tung ra đội hình hai ở Liga còn đi kèm bảy thẻ vàng và một thẻ đỏ vì lỗi phản ứng trọng tài. Những phản ứng cho thấy Barca đã mất kiên nhẫn với chính bản thân mình và không chuẩn bị đầy đủ khi tiki-taka vấp phải sự phản kháng có hiệu quả.
Barca thất bại vì thiếu sự chuẩn bị kỹ lưỡng để phòng ngừa những biến cố có thể xảy ra?
Barca đã chủ quan
Trận thua Madrid vừa qua ở Liga là trận thủng lưới thứ 13 liên tiếp của Barca. Họ là đội phòng thủ tệ nhất trong tốp năm Liga mùa này. Khả năng cầm bóng của Barca (trung bình gần 70% mùa này) không thể triệt tiêu được sức công phá của các đối thủ nữa: AC Milan chỉ cần 27% thời lượng kiếm soát bóng để chọc thủng lưới Victor Valdes hai lần, Real Madrid cầm bóng 35% và ghi ba bàn tại Camp Nou, trước khi quật ngã Barca tại Bernabeu cũng với chỉ 27% thời lượng kiểm soát bóng.
Đội bóng xứ Catalunya đã đi quá nửa mùa giải với hàng thủ mong manh như thế. “Đội hình mẫu” hậu vệ của họ là Dani Alves, Gerard Pique, Carles Puyol và Jordi Alba, và tất cả các cầu thủ trên đều không có phương án B xứng đáng ở vị trí của họ. Ở giai đoạn đầu mùa bóng, giải pháp sử dụng các tiền vệ phòng ngự (đặc biệt là Javier Mascherano) ở vị trí trung vệ đã bị lạm dụng. Barca cũng không có lựa chọn nào khác ở hai cánh hàng thủ, khi các hậu vệ quá thiên về tấn công như Alves và Alba không thể đáp ứng được những tình huống mà Barca cần một thế trận phòng ngự an toàn.
Trận thua Real Madrid vừa qua ở Liga cũng là lần ra sân thứ 39 liên tiếp của Messi. Anh “mất tích” ở trận gặp Milan, chơi thiếu hiệu quả ở cả hai trận kinh điển mới đây và chỉ lóe sáng trong đúng một khoảnh khắc, bàn gỡ 1-2 vào lưới Madrid một tuần trước. Bị vây ráp, cô lập, mệt mỏi và bế tắc, Messi không có ai thực sự có thể chia sẻ trách nhiệm tấn công với anh.
Thay Messi ra hoặc cho anh ngồi dự bị đều là chuyện hiếm có. Tiền đạo người Argentina từng bảo “không nghỉ ngơi thậm chí còn khiến tôi cảm thấy tốt hơn”. Vậy thì cả anh và Barca đều đang quá chủ quan. Messi chủ quan với chính bản thân anh, còn Barca không hề có phương án B thật sự hiệu quả khi Messi vắng mặt. Chân sút cắm duy nhất mà họ sở hữu lúc này, David Villa, được sử dụng khá hạn chế và thậm chí còn được coi là người thừa tại Camp Nou. Khi Samuel Eto’o, Thierry Henry, hay thậm chí là Zlatan Ibrahimovic còn ở đây, điều này không xảy ra.
Hãy nhớ rằng, trong hơn một năm qua, khi Barca vẫn được coi là đội bóng mạnh nhất thế giới và Messi là cầu thủ hay nhất, họ chỉ giành được đúng một chiếc Cúp Nhà Vua.
Cần phương án B
Trận gặp Milan, phải đến phút 75, Barca mới tung ra cú sút xa đầu tiên (từ Andres Iniesta). Milan có khuynh hướng bỏ lỏng khoảng trống cách khung thành từ 20-25 mét để tạo áp lực tốt hơn lên các đạo diễn lối chơi của Barca ở giữa sân, và sút xa là phương án mà đáng ra Barca phải tính đến sớm hơn, khi các đường chuyền trở nên bế tắc.
Đó là hình ảnh tiêu biểu cho thấy sự cứng nhắc đến bảo thủ của Barca. Có thể là thế trận trước Milan và Madrid sẽ đổi khác, nếu Barca có một tiền đạo biết làm tường để tạo ra khoảng trống cho Messi, có một tiền vệ trung tâm dâng cao sút bóng sống tốt (Yaya Toure trước đây là chuyên gia), hoặc một tiền vệ cánh đích thực, thay vì các tiền đạo cánh luôn có xu hướng bó vào trung lộ.
Trở ngại lớn nhất của Barca lúc này là tư thế của đội bóng đang “lãnh đạo” lối chơi cả thế giới, và bất kỳ sự can thiệp nào vào “độc quyền” lối chơi của họ đều bị loại bỏ |
Trở ngại lớn nhất của Barca lúc này có lẽ là tư thế của một đội bóng đang “lãnh đạo” lối chơi cho cả thế giới, và bất kỳ sự can thiệp nào vào “độc quyền” lối chơi của họ đều sẽ bị loại bỏ, thậm chí chỉ là can thiệp về mặt chi tiết trong một tình huống cụ thể (cho một tiền đạo giàu sức mạnh vào sân khi lối chơi chuyền bóng bế tắc chẳng hạn). Nó thể hiện nhất quán từ chính sách loại bỏ các nhân tố không trưởng thành từ La Masia những năm gần đây, bất chấp đẳng cấp của họ (Eto’o, Toure, Ibra), cho đến việc thiếu (hay không muốn?) chuẩn bị những phương án B để giảm bớt gánh nặng của lối chơi nền tảng.
Barca đã định hướng lại lối chơi cho một thời đại mới của bóng đá thế giới bằng cách trung thành với các nguyên tắc bất di bất dịch mà họ tự đặt ra, nhưng xin nhắc lại, trở thành nô lệ của nguyên tắc sẽ khiến họ ngủ quên rất lâu trên chiến thắng và lờ đi những mặt trái của nó.
Phạm An
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất