Barca: Rosell = một chu kỳ thành công mới

17/07/2010 19:08 GMT+7 | Bóng đá Tây Ban Nha

(TT&VH cuối tuần) - Vậy là Joan Laporta đã ra đi khỏi Nou Camp sau 7 năm đầy những  biến cố trên ghế chủ tịch. 7 năm ấy rất ngọt ngào với 12 danh hiệu ở  tất cả các đấu trường mà Barca tham dự…

Và cũng là 7 năm của những sóng  gió, mà nổi bật nhất là 2 cuộc từ chức  hàng loạt của các giám đốc trong năm  2005 và 2008, những đợt phản kháng  đã tạo động lực để Laporta đưa Barca  lên đỉnh cao châu Âu ngay trong mùa  bóng đầy phong ba ấy. 


Laporta và Cruyff bên lề World Cup 2010, Ảnh Getty
Không thể đưa ra một nhận xét  cụ thể nào với cặp phạm trù “đúng  hay sai” hoặc “tốt hay xấu” về 7 năm  làm chủ tịch của Laporta. Người ta  chỉ có thể nói về ông bằng một lựa  chọn trong một cặp phạm trù khác  là “thích hay ghét” mà thôi. Đơn giản,  những danh hiệu cao quý mà Laporta  mang lại nhiều hơn bất kể vị chủ tịch  nào của câu lạc bộ (CLB) đã từng tại vị.  Nhưng những “vết nhơ” trong triều đại  của ông cũng chẳng ít đến mức người  ta có thể bỏ qua nó.

Trong thắng lợi của bóng đá Tây  Ban Nha (TBN) hai năm vừa qua, người  ta ca ngợi nhiều những Xavi, Puyol,  Iniesta mà quên mất rằng người đáng  ngợi ca chính là Laporta. Khi ông đặt  chân đến Nou Camp, Nunez để lại  cho ông một tàn dư màu da cam mà  để giải quyết nó, Laporta vấp phải rất  nhiều lực cản từ nhiều phía. Ai cũng  hiểu, với việc người đàn ông có ảnh  hưởng nhất trong làng bóng đá Hà  Lan - Johan Cruyf, coi Catalan như quê  hương thứ hai, sự yêu mến màu cam ở  Nou Camp lớn lao như thế nào. Nhưng  kế hoạch của Laporta khi ấy là “lấy lại  tinh thần Catalan” cho một đội bóng  mà trong mắt ông là “mất gốc trầm  trọng”. Chính kế hoạch đó đã giúp đẩy  mạnh cơ hội phát triển cho một loạt  những cầu thủ “home-grow” (trưởng  thành từ lò đào tạo của CLB) như Iniesta, Xavi, Pedro, Busquet… trở thành  nòng cốt của tuyển TBN hôm nay, đội  tuyển mà mỗi lần ra sân, ít nhất phải  có từ 6 cầu thủ Barca trở lên. Và với độ  tuổi còn trẻ trung của lớp cầu thủ ấy,  Seleccion sẽ còn gặt hái thành công ít  nhất trong một chu kỳ 4 năm nữa.

Nhưng trong tổng thể chiến lược  của mình, Laporta đã đi chệch hướng  rất xa, đến mức Sandro Rossel, người  đóng vai trò quan trọng nhất trong  chiến dịch đưa Laporta lên ghế chủ  tịch, phải ra đi trong sự bất bình mạnh  mẽ. Cụ thể, Laporta thiếu những bài  toán kinh tế, tài chính đủ khôn ngoan  cho một tương lai lâu dài. Hôm nay  đây, khi ông ra đi và Rossel tiếp quản  cái CLB vĩ đại ấy, lương cầu thủ đang  là khoản nợ ngắn hạn thúc ép rất dữ  dội vào hầu bao của cả hệ thống. Hơn  nữa, sự tập trung quá mức vào bóng  đá của Laporta khiến CLB mất ưu thế  rất nhiều ở môn bóng rổ và đó chính là  điểm mà những người yêu mến Barca  bất bình với Laporta nhiều nhất. Tổng  hòa lại, họ kết án Laporta đã biến Bar- ca thành “một CLB hỗn loạn với một  hệ thống cai trị không có dân chủ”.

Laporta ra đi để trả lại sự dân chủ  cho Rossel, người từng là bạn đồng  hành rồi sau đó thành kẻ thù của  chính ông. Không phủ nhận rằng  cuốn tự truyện hé lộ sự thực mang tựa  đề Benvingut al món real (Chào mừng  đến với thế giới thực) mà Rossel ấn  bản năm 2006 đã góp phần hạ gục  những uy tín cuối cùng của Laporta. Rossel đã thắng, vào phút cuối cùng,  khi thực sự Laporta đã kiệt sức và kiệt  cùng cả niềm hưng phấn để vị tân chủ  tịch ấy bắt đầu thế giới thực của chính  mình. Thế giới thực ấy là gì? Một Pep  chỉ ký hợp đồng đúng 1 năm như thể  thăm dò và một loạt cầu thủ như Yaya  Toure, Henry… sẽ ra đi. Rossel chống  đỡ nổi sự sụp đổ mơ hồ ấy không? Câu  hỏi lớn…

Chắc chắn là Rossel sẽ làm được  điều đó và hãy tin như thế. Còn nhớ,  khi Laporta tranh cử, chiêu bài Beck- ham được đưa ra để mua phiếu và  cuối cùng Barca thất bại trước Real.  Nhưng Rossel đã giải quyết cực êm  đẹp vụ Ronaldinho ngay trước sức ép  cạnh tranh nghẹt thở của M.U để từ  đó, Barca lần thứ hai lên ngôi ở Champions League/C1. Rossel cứu Laporta  ở phi vụ ấy và cho dù sau này, khi ông  thành đối thủ lớn của Laporta, ông  vẫn luôn ủng hộ Laporta nếu như  kình địch của mình lựa chọn đúng.  Nên nhớ, hai quyết định rất quan  trọng của giai đoạn nửa cuối Laporta  cầm quyền là bổ nhiệm Pep và ký hợp  đồng với UNICEF đều nhận được sự  ủng hộ nhiệt tình của Rossel. Điều đó  cho thấy, Rossel dường như mang một  tính cách quyết liệt để luôn đấu tranh  cho cái đúng, cho lợi ích chung. 

Chỉ cần Rossel làm được điều  ông cam đoan, tức đưa Barca trở lại  với chiến lược căn bản mà ông và  Laporta từng toan tính, là người hâm  mộ Catalan có thể vững tin vào một  chu kỳ thành công mới. Đơn giản thôi,  trong chiến lược căn bản ấy, việc nhấn  mạnh bản sắc Catalan thông qua sự  phát triển các tài năng nội bộ (hoặc đã  từng nội bộ như Fabregas) đã đủ hứa  hẹn một con đường phát triển bóng  đá bền vững; cho Barca, cho Catalan  và cho chính cả TBN.

Hà Quang Minh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm