La Masia: Bầu trời trong lòng đất

09/06/2011 06:15 GMT+7 | Hành tinh bóng đá

(TT&VH Cuối tuần) - Bầu trời lồng lộng của Barca hiện nay bắt đầu từ mặt đất, từ ngay trong lòng đất. Barca, đấy là nơi con người được dạy dỗ để từ mặt đất vững chắc và khiêm nhường có thể bay lên bầu trời cao vời vợi.

Chúng ta đang nói về La Masia, cái tên đã nổi danh trên toàn thế giới. Giám đốc cơ sở đào tạo này là Carles Folguera, Huy chương Bạc Thế vận hội 1992 về khúc côn cầu, năm nay 42 tuổi. Hỏi: “Siêu sao Cristiano Ronaldo có cơ hội nào ở chỗ ông không?”. Trả lời: “Nếu Ronaldo tới đây vào lúc 14-15 tuổi, chắc rằng chúng tôi có thể giúp cậu ấy trưởng thành nhiều trong quá trình giáo dục. Trước hết, phải làm cho anh ấy hiểu rằng, người ta chỉ có thể trở thành “tốt nhất”, nếu có đủ sự khiêm tốn và độ tin cậy”. Barca là một cái gì đó hơn cả bóng đá.

Con người

Phó giám đốc La Masia là Ruben Bonastre, 35 tuổi, người phụ trách công tác sư phạm. Hứng thú lớn nhất của anh là dẫn khách đi thăm thư viện, dành cho các em trong độ tuổi từ 11 cho đến 19, 20. Đấy là một căn phòng rộng 50m2 nằm trong tòa biệt thự xây từ 300 năm trước. Trong hàng trăm cuốn sách, có thể dễ dàng nhìn thấy cả những tác phẩm của Nietzsche, Sartre, Newton và Marx. Bonastre giải thích: “Barca dành cho các em sự đào tạo toàn diện. Không chỉ bóng đá, mà cả văn hóa, và thế giới quan”. Tài năng bóng đá hoàn toàn không đủ để có thể cạnh tranh trong câu lạc bộ tốt nhất thế giới hiện nay.

Lứa cầu thủ nhí mới vào lò La Masia - Ảnh Getty

Anh trình bày tiếp những điều khiến chúng ta từng nghĩ tới nhưng biết rằng chưa nơi đâu có thể làm một cách đầy đủ: “Chúng tôi muốn đào tạo các em trở thành những con người có lòng kính trọng, có sự khiêm tốn, có thái độ sẵn sàng hy sinh và ý thức trách nhiệm. Tất cả phải thống nhất trong một bản lĩnh nội tại”. Bạn đã mấy khi nghe nói đến phẩm chất ấy ở một cầu thủ ngôi sao? “Khiêm tốn”, như Messi, và không giống như Ronaldo. Rồi Bonastre lấy ra một mảnh giấy, vẽ sơ đồ về những yếu tố làm nên chu trình sư phạm: “Đứa trẻ đứng ở trung tâm! Chung quang em là gia đình, giáo viên, huấn luyện viên và nhà giáo dục. Chỉ khi tất cả các yếu tố này là hoàn hảo, ta mới mong thu được kết quả tốt. Nhưng điều quan trọng nhất ở đây là ý chí của con người”.

Ai không đáp ứng sự hoàn hảo ấy, thì sẽ phải ra đi. Rượu bia, thuốc lá, bạn gái trong phòng, chỉ một lần thôi, là thu xếp khăn gói ngay lập tức. Ngay cả trò chơi điện tử, cũng chỉ được chơi vào ngày nghỉ cuối tuần. Cán bộ bảo vệ Josep Bartralot, 55 tuổi, ghi chính xác từng phút vào sổ theo dõi, ai ra khỏi ký túc xá lúc nào và trở về lúc nào. Lòng tin là tốt, nhưng sự kiểm tra còn tốt hơn.

Lionel Messi là học sinh xuất sắc về kỷ luật, dù em ở ngoại trú, trong một căn hộ cho thuê. Thời khóa biểu của Messi ngày ấy giới hệt như các em nội trú: Dậy - 6h00, ăn sáng - 7h00, xe bus đón đến trường - 8h00, ăn trưa - 14h00. Sau đó là 3 giờ làm bài tập với thầy giáo riêng trong thư viện. Ngoài ra, các em còn thường xuyên nghe nhiều buổi nói chuyện của các nhà báo, các bác sĩ hay các chuyên gia dinh dưỡng. “Chẳng có lý do gì ngăn cản các em sau này trở thành bác sĩ, luật sư hay kỹ sư”. Giám đốc Folguera khẳng định, vì theo thống kê thì chỉ có 1/3 các em vượt ngưỡng để trở thành cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp, mà nhiều em thi đấu ở các câu lạc bộ khác. Ngay cả sau khi hoàn tất sự nghiệp cầu thủ của mình, ai được đào tạo ở La Masia đều có một cuộc sống tốt đẹp ngoài bóng đá.

Ngôi nhà

Từ năm 1979, trẻ em năng khiếu của Barca dọn về ở trong một ngôi nhà nông dân cũ, nằm cách sân Nou Camp huyền thoại chỉ khoảng “một cái quăng dao”. Trên diện tích chừng 600m2 có đủ văn phòng, nhà ăn, nhà tắm, phòng học, phòng trò chơi (chỉ có bóng đá bàn và bi-da), nhà bếp. Những Messi, Xavi, Iniesta tương lai ngồi ăn trên những chiếc ghế gỗ tầm thường, khăn ăn giản dị. Không có bất cứ thứ gì có thể gợi cho bạn ý nghĩ rằng, đây là những ngôi sao, những triệu phú của tương lai. “Con em nông dân” là từ thích hợp nhất để mô tả tình trạng ở đây.

Lứa năng khiếu bé nhất trong lứa tuổi 11 đến 15 của La Masia sống ngay trong ngôi nhà nông dân này. Còn lứa lớn nhất, những cầu thủ đang thi đấu trong đội hình B và thi thoảng cũng được đá trong đội hình một, thì chuyển sang sống ngay trong tầng hầm ở sân vận động Nou Camp. Đến cổng vào số 81, bạn đừng đi lên, mà hãy chui xuống, sâu dưới các bậc khán đài là chỗ nghỉ của họ. Tường bê tông dày không cho âm thanh lọt qua. Không khí như đặc quánh lại.

Mở chiếc cửa gỗ bước vào trong, bạn sẽ cảm thấy ngay mùi mồ hôi nồng nặc. Không có mùi nước hoa, không có mùi keo xịt tóc. Người đến đây lần đầu luôn luôn ngạc nhiên: Các cầu thủ dự bị kế cận của đội bóng hay nhất thế giới đang sống trong môi trường như thế này ư? Nhưng nếu hỏi ai trong bất cứ số cầu thủ được sống ở đây, họ sẽ hớn hở bảo rằng, không, chúng tôi đang sống trong bầu trời lộng gió mơ ước của Nou Camp.

Huấn luyện viên trưởng của Barcelona, bây giờ là Pep Guardiola, ngày nào cũng để mắt tới các cầu thủ tương lai. Sân tập của tất cả các đội bóng, tất cả các lứa cầu thủ nằm cạnh nhau. Và cả khu này mang tên “Joan Gamper”, con người vĩ đại đã lập ra câu lạc bộ nổi tiếng này. Guardiola biết ông đang hy vọng và chờ đợi những ai. Các em bé trong khi tập luyện càng ngày càng biết rõ sau này mình mong muốn trở thành một cầu thủ như thế nào. Ông Giám đốc Folguera một lần nữa cao giọng: “Trong số 20 cầu thủ ra sân của Barca tại Champions League mùa bóng năm nay, thường có tới 14 cầu thủ trưởng thành từ La Masia”.

Những con số

Đã từ lâu, chúng ta biết những con số không hề khô khan, mà biết nói. Riêng những con số ở La Masia thì rất đẹp, và luôn ca hát.

Toàn bộ công tác đào tạo trẻ ở Barca tốn 20 triệu euro/năm. Giá trị thị trường của đội hình Barca hiện nay là 554 triệu euro, tiền mua cầu thủ về những năm qua là 173 triệu. Như vậy, thôi thì tính toán theo kiểu “con buôn” một chút, La Masia mang về khoản dư 381 triệu euro. Đầu tư xứng đáng đấy chứ?

La Masia hiện nay có 230 cầu thủ trẻ. Ở nội trú là 48 em, số còn lại ở với gia đình. Chi phí cho “ngôi nhà nông dân” là 1 triệu euro/năm, không phải là nhiều lắm. Hơn 50 chuyên gia “săn đầu người” (scout) làm việc cho La Masia ở trên toàn thế giới. Tuy nhiên, chỉ những em nào tài năng hơn hẳn số học sinh hiện có mới có thể mơ tới một chỗ trong La Masia.

Số huấn luyện viên làm việc tại La Masia là 34 người, trong đó có cựu ngôi sao Sergi, hậu vệ ngày nào năm nay vừa 39 tuổi. Điều đặc biệt: Đến năm 16 tuổi, các em chỉ tập với bóng, chơi với bóng. Tập thể lực ư? Quên đi, Barca không có triết lý đó. Chuyên gia điều phối toàn bộ công tác huấn luyện Albert Puig, 43 tuổi, khẳng định: “Điều quan trọng nhất là sự hiểu biết về lối chơi và kỹ thuật. Mục đích cuối cùng là các em phải hòa nhập ngay vào lối chơi của đội chuyên nghiệp: Có bóng và kiểm soát bóng, cướp bóng, chơi thật nhanh. Đấy là phong cách Barca”.

Phong cách Barca còn một điểm đặc biệt hơn: Khiêm tốn nhưng đầy khao khát, lên đỉnh cao bằng sự hy sinh chứ không cướp đoạt. Khẩu hiệu các em để trên đầu giường: Dâng hiến tất cả là tốt, nhưng dâng hiến gấp đôi cái tất cả ấy mới là tốt nhất. Barca có một cái gen truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Bắt đầu từ một chiếc giường đơn sơ ở trong lòng đất, nằm sâu dưới khán đài ở cổng vào số 81.

Đấy là bầu trời trong lòng đất! Barcelona!

Vũ Chí Anh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm