Thiago bỏ Barca đến Bayern: Những câu hỏi khó trả lời

28/07/2013 06:11 GMT+7 | Barcelona

(Thethaovanhoa.vn) - Cuối cùng thì Barcelona đã không thể giữ chân được Thiago Alcantara, cầu thủ xuất sắc nhất trong lứa U21 Tây Ban Nha và được coi là truyền nhân của Xavi Hernandez.

Tiền vệ người Brazil đã quyết định đến với Bayern Munich của ông thầy cũ Pep Guardiola để chứng minh anh xứng đáng là một VIP, chứ không phải là dạng cầu thủ phải mài đũng quần trên băng ghế dự bị như ở sân Camp Nou.

Vì hàng loạt sai lầm từ phía đội bóng xứ Catalunya, từ chủ tịch Sandro Rosell tới giám đốc thể thao Andoni Zubizarreta và huấn luyện viên Tito Vilanova, cầu thủ được đánh giá là tương lai của tuyến giữa áo đỏ-xanh trong 10 năm tới đã ra đi với một cái giá bèo: 25 triệu euro, chưa bằng hai phần ba giá của Asier Illarramendi, và ít hơn cả Isco, cả hai đều là phó tướng cho Thiago tại đội tuyển U21 Tây Ban Nha, khi họ về khoác áo Real Madrid.

Thiago không phải Xavi

Năm 1999, khi mà tay đua xe đạp Lance Armstrong giành danh hiệu vô địch Tour de France đầu tiên trong sự nghiệp của mình và ca sĩ Britney Spears bắt đầu nổi tiếng thì cầu thủ Xavi Hernandez cùng bố anh đang đau đầu về một quyết định khó khăn: có nên sang Milan hay ở lại với Barcelona, nơi anh đang phải trải qua những ngày tháng khó khăn trên băng ghế dự bị, bất chấp là nhà vô địch thế giới của U20 Tây Ban Nha và là một tài năng không thể tranh cãi. Rốt cuộc, Xavi đã chọn ở lại để rồi trở thành tiền vệ kiến thiết chủ chốt của Barca và người giữ nhịp của tiki-taka cả ở Barca và La Roja.


 Guardiola (trái) đã rất trọng dụng Thiago khi ông còn ở Barca, điều mà người kến nhiệm ông Tito Vilanova không làm được và không được làm

Mười bốn năm sau, câu chuyện của Xavi đang lặp lại với Thiago, nhưng kết cục lại đi theo hướng hoàn toàn ngược lại: rời Barca để đến Bayern Munich cùng  Pep Guardiola, người đã đưa Thiago từ tuyến trẻ lên đội hình chính thức khi còn là huấn luyện viên của Barca và cũng là người cách nay một thập kỷ rưỡi, khi còn chơi bóng, đã khiến Xavi phải chịu phận dự bị.

Đó là một chu kỳ của “số 4”, với Guardiola, Xavi, Andres Iniesta, Cesc Fabgregas và Thiago, tất cả đều trưởng thành từ lò La Masia nổi tiếng. Ngày hôm nay, sự kế tục đó đã đứt đoạn ở Barca.

Đây là một cuộc chia tay vội vã, về hình thức bởi sai lầm của một chi tiết trong hợp đồng nhưng thực chất lại khiến các cule phải trải qua cảm giác cay đắng: ban lãnh đạo Barca và cả Vilanova hoặc đã không còn đặt niềm tin vào các cầu thủ “made in Masia”, hoặc đã không dám đụng đến các công thần, để rồi làm thui chột những tài năng trẻ.

Do không được thi đấu đủ 60% số phút như thỏa thuận, điều khoản giải phóng hợp đồng của Thiago đang từ 90 triệu euro đã hạ xuống chỉ còn 18 triệu euro. Là một con cáo già và một huấn luyện viên chuyên nghiệp, Guardiola không thể đánh mất một cơ hội như thế. Tận dụng nỗi đau không được đá chính và khát vọng trở thành một nhân vật VIP của Thiago, Pep dễ dàng lôi được cậu học trò cũ về vòng tay của mình.

Lận đận số phận chim công

Sinh ra ở San Pietro Vernotico, Ý vào năm 1991, bóng đá đã đi cùng Thiago từ thời còn nằm nôi. Là con của Mazinho, một nhà vô địch thế giới với đội tuyển Brazil và anh trai của Rafinha, cũng là cầu thủ Barca, Thiago lớn lên cùng trái bóng và theo đuổi nghề quần đùi áo số như một lẽ tự nhiên. Thứ bóng đá của anh luôn gây ra sự thán phục, vừa có vẻ đẹp nghệ thuật của vũ điệu samba vừa màu sắc vừa ầm ĩ như như một chú chim công đang múa.

Năm 2005, khi 14 tuổi, Thiago được đưa về đào tạo tại đội trẻ hạng B của Barca. Ngay lập tức, chàng trai trẻ mạnh mẽ và khéo léo này đã lọt vào mắt xanh của Guardiola để rồi nhanh chóng được đưa lên tuyến trên và bắt đầu thỉnh thoảng được thi đấu cho đội hình một từ tháng 5/2009, rồi ký hợp đồng chuyên nghiệp với Barca từ tháng 6/2011. Lúc đầu, Thiago mang áo số 4, nhưng sau đó phải nhường cho Fabregas khi cựu đội trưởng của Arsenal quyết định trở lại ngôi nhà xưa. Dưới thời Pep, Thiago được chơi khá đều, thậm chí được bố trí đá chính trong trận Clasico vào tháng 5/2012 trước Real Madrid.

Nhưng khi mùa bóng 2011-12 kết thúc, mệt mỏi sau bốn năm chinh chiến và đứng trên đỉnh cao của bóng đá thế giới, Guardiola đã quyết định rời Barca sang New York nghỉ ngơi một năm trước khi trở lại cầm quân, nhưng lần này với Bayern Munich.

Từ lúc đó, con đường thăng tiến của Thiago chựng lại do huấn luyện viên kế nhiệm Vilanova ít khi thay đổi đội hình mẫu trong các trận đấu và tiền vệ gốc Brazil không thể tranh được một vị trí chính thức với Xavi, Iniesta và Sergio Busquets. Ở mùa bóng đầu tiên của Tito, Thiago chơi ít hơn chín trận so với mùa bóng cuối cùng của Pep. Anh cũng không được đá chính trong các trận quan trọng tại vòng knock-out và tứ kết Champions trước Milan và Paris Saint Germain, cũng như chỉ được đá nửa giờ tại bán kết lượt về trước Bayern. Khi giá trị của điều khoản phá vỡ hợp đồng chỉ còn 18 triệu euro, việc Thiago ra đi là điều không thể tránh khỏi.

Là một cầu thủ đầy tham vọng và có tư chất của một thủ lĩnh, Thiago không thể cam phận dự bị. Anh cần một nơi được chơi bóng nhiều hơn, được mà thấy mình là một VIP, được trui rèn trong thi đấu để tỏa sáng và để đi tới giấc mơ: góp mặt cùng tuyển Tây Ban Nha ở World Cúp 2014 tại Brazil. Guardiola và Bayern có thể cho Thiago điều mà Barca và Tito không dám hứa. Và cuộc chia ly đã diễn ra.

Đâu rồi niềm tự hào La Masia?

Việc đánh mất Thiago là do lỗi của lãnh đạo Barca. Trước tiên là Vilanova, người đã không thuyết phục nổi tài năng trẻ của mình, không chỉ bằng lời nói mà cả hành động. Kế tiếp là giám đốc thể thao Zubizarreta vì không thông báo cho Tito  thời gian tối thiểu Thiago cần ra sân để không kích hoạt điều khoản giải phóng hợp đồng 18 triệu euro kia và cuối cùng là chủ tịch Rosell vì chấp nhận một điều khoản bất lợi khiến đội bóng không kịp trở tay.

Tuy nhiên, cần nhìn nhận rõ rằng Thiago ra đi không vì tiền mà chỉ vì muốn khẳng định mình. Anh là Thiago, chứ không phải là thợ học việc của Xavi hoặc Iniesta. Có thể coi đây là bàn thắng đầu tiên Guardiola ghi vào lưới Barca sau khi chỉ trích Rosell đã lợi dụng bệnh tật của Vilanova để nói xấu ông.

Nhưng sâu xa hơn cả là lãnh đạo của Barca đã không còn tin dùng các cầu thủ được đôn lên từ tuyến trẻ như dưới thời của Guardiola. Kể từ khi Tito cầm quân, hàng loạt cầu thủ của lò Masia gần như hết cơ hội được chơi trong đội hình một, dù đó là những người đã tương đối có danh tiếng, hay là những viên ngọc thô.

Tổng cộng đã có 11 cầu thủ trẻ phải tìm cách kiếm sống ngoài sân Camp Nou dưới dạng chuyển nhượng hoặc cho mượn, hoặc mài đũng quần trên ghế dự bị. Ngoài Thiago còn có thể kể ra Gerard Deulofeu, Bojan, Rafinha, Marc Muniesa, Andreu Fontas, Jonathan dos Santos và Oier Olazabal. Vì không dám đụng đến các công thần, Tito đang làm thui chột nhiều tài năng trẻ được đào tạo từ lò La Masia, lâu nay vẫn là niềm tự hào của đội bóng xứ Catalunya.

Ở chiều đối nghịch, Real Madrid đang trọng dụng trở lại các tài năng trẻ thông qua việc ký một loạt hợp đồng với những Daniel Carvajal, Isco, Jese và Illarramendi bên cạnh việc tin dùng Alvaro Morata, tất cả đều là người Tây Ban Nha và còn rất trẻ.

Mùa tới, Barca vẫn sẽ là một thế lực lớn ở La Liga và châu Âu, nhất là khi trong đội hình của họ đã có cặp song sát Lionel Messi-Neymar, nhưng những dấu hiệu rạn nứt ở nền móng của một đế chế vĩ đại đang rõ ràng hơn bao giờ hết, với cuộc chia tay Thiago Alcantara.

Khang Chi
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm