Bảo vệ di sản để giữ bản sắc văn hóa dân tộc

28/01/2009 21:17 GMT+7 | Văn hoá

(VietNamPlus) - Giáo sư Trần Văn Khê, người đã dành hơn 50 năm tìm hiểu và nghiên cứu về âm nhạc truyền thống Việt Nam, luôn trăn trở với việc làm thế nào để các giá trị văn hóa phi vật thể được bảo tồn một cách hiệu quả, từ đó, trong sự tiến bộ, trong sự phát triển quốc gia, chúng ta “không làm mất bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam.”
 
Nhân dịp Tết Nguyên Đán Kỷ Sửu, Giáo sư Khê đã có buổi trò chuyện với chúng tôi về vấn đề này.

Giáo sư Trần Văn Khê
* Những năm gần đây, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong công tác bảo tồn các giá trị văn hóa phi vật thể. Theo ông, nỗ lực này mang lại cho Việt Nam điều gì? 
 
Có hai giá trị là giá trị vật chất và giá trị tinh thần. Các di sản phi vật thể là báu vật của đất nước và nếu chúng ta bỏ mất thì ngàn vàng cũng không mua được. Đó là giá trị vật chất, mà bên trong nó cũng pha cả giá trị tinh thần, bởi báu vật ở đây còn có nghĩa là báu vật tinh thần.

Khi bảo vệ một di sản vật thể thì nó hàm chứa giá trị vật chất rất nhiều nhưng đối với di sản phi vật thể thì giá trị tinh thần lại rất cao. Người xưa đã chắt chiu, sáng tạo rồi dạy dỗ, trao truyền những di sản phi vật thể này từ thế hệ này qua thế hệ khác. Các giá trị văn hóa phi vật thể đã chịu thử thách của thời gian thì giá trị đó quý vô cùng. Đối với chúng ta, những giá trị văn hóa phi vật thể có một giá trị đích thực bởi đây là nhân chứng của lịch sử, của một thời kỳ đã qua. Đây cũng là một tư liệu để ta căn cứ vào đó ta có thể so sánh về văn hóa ngày nay đang đi như thế nào, để làm sao, trong sự tiến bộ, trong sự phát triển không làm mất bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam.

* Thưa ông, trong nỗ lực này, ta đang đi trên con đường gồ ghề hay trơn tru? 
 
Quá trình bảo tồn văn hóa phi vật thể đòi hỏi ngân quỹ, cơ ngơi, tuy nhiên, những cơ ngơi, những trung tâm làm công tác này ở ta chưa có máy móc tối tân. Chúng ta còn thiếu nhân sự, những người hết lòng hết dạ, có khả năng đi ra làm việc. Chúng ta không chỉ thiếu nhân sự, thiếu chuyên gia, thiếu chuyên môn mà khó khăn nhất là chúng ta thiếu cả di sản để bảo vệ bởi ngày càng khó tìm lại được những di sản phi vật thể của ngày xưa trong khi những giá trị đó lại đang bị biến chất rất nhiều.

Chúng ta nghiên cứu quan họ có đúng là quan họ ngày xưa hay không, chúng ta nghiên cứu chầu văn vậy có đúng chầu văn ngày xưa hay là đã bị biến chất, thay đổi, hay đã bị làm cho giản dị hóa hoặc thương mại hóa. Điều khó khăn nhất của chúng ta bây giờ là không phải dễ tìm ra được những di sản phi vật thể đúng như danh từ của nó là từ xưa để lại và không thay đổi.

* Khó khăn là thế, xin ông cho biết điều cần thiết phải làm ngay lúc này là gì? 
 
Nhất định chúng ta phải nỗ lực hết sức để làm sao từ cái đã biến chất trở lại cái thực chất. Rất cần thiết là toàn dân và các cấp chính quyền cùng tham gia vào công tác này.

Không những vậy, điều cần thực hiện ngay tại thời điểm này là ghi âm ghi hình toàn diện tất cả kiến thức, những điều còn nhớ được của nghệ nhân của các loại hình phi vật thể hiện đang còn sống, không chỉ ở cồng chiêng Tây Nguyên, mà còn cả hát xẩm, hát quan họ, hát chèo, hát tuồng, hát bội, hay là nhạc cung đình cũng vậy. Việc ghi âm, ghi hình phải được thực hiện một cách khoa học và toàn diện.

Trong công tác bảo tồn giá trị văn hoá phi vật thể, nghệ nhân đóng vai trò hết sức quan trọng. Một khi người nghệ nhân không cảm thấy thoải mái thì họ cũng khó lòng mà nói ra hết bí quyết. Người nghệ nhân, không phải lúc nào cũng hứng, mà lúc hứng thì diễn mới hay. Tôi có thể lấy ví dụ ở Ba Tư (Iran), để đạt được hiệu quả trong công tác bảo tồn, các kỹ sư luôn túc trực đến 2,3 giờ đêm bên cạnh nghệ nhân, lúc nào nghệ nhân thích đàn, thích hát là có thể ghi âm luôn. Người ghi âm phải là người có kinh nghiệm, cách hỏi phải khéo léo, phải biết mở cửa nhà người nghệ nhân, mở cửa lòng của người nghệ nhân, phải làm sao cho họ thấy rằng mình thích thú, mình muốn nói, muốn hát chứ không bị bắt buộc.

Chúng ta cần tạo điều kiện để người nghệ nhân sống một cách thoải mái, có nhà cửa, có ăn mặc, có đủ điều kiện để sinh sống hằng ngày, có như vậy, họ mới có thể đem hết tâm trí để mà trả lời và hát, đàn, biểu diễn để cho chúng ta ghi âm lại. Đồng thời, chúng ta cũng cần phải nói cho nghệ nhân biết rằng đây là một công việc hết sức cần thiết, giúp truyền lại cho thế hệ mai sau.

Vai trò của nghệ nhân, các nhóm xã hội đã quan trọng nhưng vai trò của chính quyền cũng rất quan trọng bởi chính quyền mới đủ khả năng tạo nên một phong trào, cấp cho ngân quỹ đồng thời tôn vinh người nghệ nhân đúng mức để người nghệ nhân cảm thấy thú vị khi làm vĩiệc.

* Trong thời gian qua, chúng ta cũng đã có nhiều cố gắng trong bảo tồn các giá trị văn hóa phi vật thể, nhận xét của ông về công tác này như thế nào?  
 
Chúng ta có hội văn nghệ dân gian, viện âm nhạc, trung tâm văn hóa và thông tin rồi có cả Cục Di sản Văn hóa Phi Vật thể nữa… tất cả những cơ quan này đều đang tập trung cho việc bảo tồn loại hình văn hóa này. Nhìn vào đây, tôi cho rằng từ chính quyền đến thương gia, giáo sư, sinh viên đều có những nỗ lực đáng kể, mà không chỉ ở ngoài Bắc mà còn ở trong Nam nữa. Chúng ta không thể nêu hết tên những cơ quan hay những cá nhân nhưng rõ ràng những nỗ lực đó đáng được ghi nhận đặc biệt trong vòng 10 năm trở lại đây.
 

Nhã nhạc - Âm nhạc Cung đình Việt Nam và Không gian Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên đã chính thức được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Phi vật thể đại diện của Nhân loại. Hồ sơ của Dân ca Quan Họ Bắc Ninh cũng đã được đệ trình đề nghị ghi vào danh sách các Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Trong lớp trẻ tôi thấy nổi lên là Bùi Xuân Hiền với nghiên cứu ở miền bắc và trên Tây Nguyên rất rành rẽ, Nguyễn Xuân Diện với văn bia ca trù. Ngoài ra, Việt Nam cũng sinh ra những con người như giáo sư Tô Ngọc Thanh, Đặng Hoành Loan. Đây là những người có công trong việc bảo tồn các giá trị văn hoá phi vật thể.

Các giá trị văn hóa phi vật thể là của báu vô giá, nó có thể bị lớp thời gian làm cho đóng bụi nhưng bên trong là cả một sự kết tinh của tư tưởng tài năng sáng tạo của cha ông chúng ta từ trước. Báu vật đó được truyền lại cho chúng ta từ đời này sang đời khác, đã chịu sự thử thách của thời gian và ngày nay, nếu chúng ta bỏ lơ, làm mất đi, có nghĩa chúng ta mang tội với lịch sử, mang tội với tổ tiên.
 
Việt Giang

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm