Bảo tồn, phát huy giá trị nghệ thuật Tranh dân gian Đông Hồ trong đời sống đương đại

01/11/2019 19:08 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 1/11, tại Bắc Ninh, Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh phối hợp với Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế "Bảo vệ và phát huy giá trị nghệ thuật tranh dân gian Đông Hồ trong đời sống đương đại".

Bất ngờ với 'Tranh dân gian Đông Hồ xưa và nay'

Bất ngờ với 'Tranh dân gian Đông Hồ xưa và nay'

Chiều nay (31/10) tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (66 - Nguyễn Thái Học, Hà Nội) đã diễn ra lễ khai mạc triển lãm Tranh dân gian Đông Hồ xưa và nay do Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Bắc Ninh tổ chức.

Hội thảo có sự tham dự của đại diện lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh, Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam, cùng hơn 100 chuyên gia, nhà nghiên cứu trong nước và quốc tế.

Tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Văn Phong cho biết: Bắc Ninh là vùng đất cổ, có một kho tàng di sản văn hóa phi vật thể phong phú, đa dạng như nghệ thuật trình diễn dân gian, lễ hội, làng nghề truyền thống, ẩm thực, tranh dân gian... Những di sản này thể hiện đời sống, sinh hoạt văn hóa tinh thần phong phú của người dân vùng đất Kinh Bắc.

Làng tranh Đông Hồ (xưa gọi là làng Mái), thuộc thôn Đông Khê, xã Song Hồ, huyện Thuận Thành là cái nôi của nghề làm tranh dân gian. Tranh Đông Hồ là một loại hình nghệ thuật truyền thống có từ lâu đời, được cộng đồng người dân nơi đây sáng tạo, kết tinh, phát triển và tồn tại cho đến nay. Trước đây, làng tranh Đông Hồ có 17 dòng họ làm tranh. Sau năm 1945, các dòng tranh dân gian Đông Hồ cùng với Hàng Trống, Kim Hoàng bị suy thoái, đứng bên bờ phá sản. Khi ấy, làng Đông Hồ chỉ còn 3 gia đình nghệ nhân duy trì nghề làm tranh. Đến năm 1990, một số nghệ nhân như Nguyễn Đăng Chế, Nguyễn Hữu Sam đã sưu tầm tranh và các bản khắc chế để khôi phục lại dòng tranh dân gian Đông Hồ.

Chú thích ảnh
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Văn Phong phát biểu khai mạc hội thảo. Nguồn: Báo điện tử Tổ Quốc

Đến nay, nghề làm tranh dân gian Đông Hồ đã được các cấp, các ngành quan tâm khôi phục, bảo vệ và phát huy giá trị trong cuộc sống đương đại. Năm 2013, nghề làm tranh dân gian Đông Hồ được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Năm 2014, UBND tỉnh Bắc Ninh đã phê duyệt Đề án "Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa tranh dân gian Đông Hồ, huyện Thuận Thành, giai đoạn 2014-2020, định hướng đến năm 2030", Dự án "Xây dựng Trung tâm bảo tồn và phát huy giá trị tranh dân gian Đông Hồ. UBND tỉnh Bắc Ninh đang chỉ đạo đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá về tranh dân gian Đông Hồ; chủ trì phối hợp xây dựng hồ sơ ứng cử quốc gia trình UNESCO đưa vào danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp.

Nhấn mạnh việc tổ chức hội thảo này có ý nghĩa quan trọng, góp phần giữ gìn, bảo vệ các giá trị của nghệ thuật dòng tranh Đông Hồ trong xã hội đương đại, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh mong muốn được lắng nghe các ý kiến tâm huyết, khách quan của các chuyên gia, các nhà khoa học, các nghệ nhân trong việc nghiên cứu di sản tranh dân gian nói chung và công tác bảo vệ, phát huy giá trị nghệ thuật tranh dân gian Đông Hồ trong cuộc sống đương đại nói riêng.

Báo cáo đề dẫn hội thảo, Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam Bùi Hoài Sơn khẳng định, tranh Đông Hồ là một trong những dòng tranh nổi tiếng được nhiều người biết đến, là sản phẩm được người Việt Nam, bạn bè quốc tế ưa chuộng, dùng trang trí và làm quà tặng. Tranh Đông Hồ được tạo nên từ nguyên liệu tự nhiên như giấy dó, lá tre, sò điệp, sỏi màu. Màu sắc trong tranh Đông Hồ mộc mạc, giản dị với 5 màu sắc cơ bản, gồm xanh, vàng, đỏ, trắng và đen. Đặc biệt, tranh Đông Hồ được in trên chất liệu giấy điệp, có độ xốp, nổi, tạo nên những bức tranh mang đặc trưng riêng.

Tranh Đông Hồ phản ánh sâu sắc, nhiều mặt đời sống tinh thần của người Việt ở vùng Đồng bằng Bắc Bộ. Đây là những bức tranh khắc họa tài tình về một cuộc sống ấm no, hạnh phúc, một xã hội công bằng, tốt đẹp; đồng thời, phản ánh lịch sử hào hùng của dân tộc, ca ngợi các vị anh hùng, lên án những thói hư tật xấu của con người.

Chú thích ảnh
Tranh Đông Hồ. Ảnh: Minh Quyết – TTXVN

Tại hội thảo, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận 4 nội dung gồm: Vấn đề lý luận, cách tiếp cận nghiên cứu tranh dân gian và tranh dân gian Đông Hồ dưới góc độ liên ngành (Nghệ thuật học, Nghiên cứu văn hóa, Nhân học văn hóa và Văn hóa dân gian...); nhận diện, giá trị, ý nghĩa của tranh dân gian nói chung và tranh dân gian Đông Hồ nói riêng; thực trạng, quản lý nghề làm tranh và tranh dân gian Đông Hồ; vấn đề bảo vệ, phát huy giá trị của di sản tranh dân gian và tranh dân gian Đông Hồ.

 Tiến sỹ Nguyễn Văn Đáp( Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh) cho biết, tranh dân gian Đông Hồ đang đứng trước nguy cơ mai một do tác động của nền kinh tế thị trường, nhu cầu thẩm mỹ của người dân thay đổi, "đầu ra" cho tranh gặp nhiều khó khăn nên chỉ còn một vài gia đình duy trì nghề cũ. Vì vậy, việc bảo vệ, giữ gìn nghề làm tranh dân gian này là vấn đề cấp thiết.

 Trước mắt, các sở, ban, ngành tỉnh Bắc Ninh cần đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá giá trị của tranh dân gian Đông Hồ trong nhà trường, các địa điểm du lịch và các phương tiện thông tin đại chúng những cái hay, cái đẹp của tranh dân gian Đông Hồ so với các dòng tranh khác. Bên cạnh đó, tỉnh hỗ trợ các gia đình, nghệ nhân làm tranh Đông Hồ mở rộng cơ sở sản xuất, miễn hoặc giảm thuế thuê đất giá rẻ và tìm đầu ra cho sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ...

Về lâu dài, tỉnh Bắc Ninh cần phát triển mô hình du lịch cộng đồng, kết hợp các tour, tuyến du lịch văn hóa tâm linh và du lịch làng nghề. Cùng với đó, tỉnh cần hoàn thiện hệ thống giao thông, nâng cấp các dịch vụ du lịch, gìn giữ môi trường sinh thái, cảnh quan không gian làng nghề.  Cùng với đó là nâng cao chất lượng đội ngũ làm nghề theo hướng chuyên môn hóa, phát triển, hỗ trợ phát triển những Câu lạc bộ làm tranh Đông Hồ trẻ...

Đồng quan điểm, Thạc sỹ Nguyễn Thăng Long, Trường Đại học Thủ Đô Hà Nội cho rằng, hiện nay, một số sản phẩm ứng dụng tranh Đông Hồ không phù hợp gây phản cảm, hiệu ứng mỹ thuật thấp. Một số sản phẩm ứng dụng bị phá cách, mất đi cái hồn của tranh Đông Hồ. Do vậy, cần nâng cao vai trò công tác quản lý văn hóa trong các sản phẩm mỹ nghệ ứng dựng tranh Đông Hồ, trong đó, công tác thanh tra, thẩm định nghệ thuật, giám sát việc ứng dụng tranh là yếu tố then chốt.

Ngày 2/11, các đại biểu sẽ đi tham quan làng tranh dân gian Đông Hồ, thôn Đông Khê, xã Song Hồ, huyện Thuận Thành (Bắc Ninh).

    Đinh Văn Nhiều/TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm