Bảo tồn di sản nhà cổ trong dòng chảy hiện đại

05/11/2024 13:42 GMT+7 | Văn hoá

Quá trình khai phá, xây dựng và phát triển vùng đất phương Nam đã để lại cho nơi đây nhiều di sản văn hóa, trong đó, có những ngôi nhà cổ gắn với đời sống các thế hệ cộng đồng dân cư. 

Trong dòng chảy cuộc sống hiện đại, bảo tồn, gìn giữ di sản nhà cổ như thế nào không còn là vấn đề mới song vẫn được nhiều chuyên gia, nhà quản lý quan tâm nhằm thực hiện hài hòa phát huy hiệu quả giá trị truyền thống văn hóa, lịch sử của di sản vừa đem lại lợi ích về kinh tế.

Nét xưa lưu dấu

Trải qua thăng trầm lịch sử, tại nhiều địa phương, những ngôi nhà cổ còn tồn tại đến ngày nay lưu giữ nhiều nét truyền thống cho không gian các đô thị hoặc vùng nông thôn. Nhiều chuyên gia khẳng định, mỗi vùng miền do ảnh hưởng của điều kiện kinh tế-xã hội khác nhau nên mỗi nơi, nhà cổ mang một dáng vóc riêng biệt.

Nhà cổ - những nếp nhà ở truyền thống lâu đời, không đơn thuần là nơi tránh mưa, nắng, sinh hoạt của mỗi gia đình mà còn là nơi tích tụ hàm lượng văn hóa rất đặc biệt của chính những con người ở nơi đó. Từ những ngôi nhà cổ, thế hệ sau hiểu thêm về văn hóa, phong tục, tập quán, đời sống sinh hoạt của người xưa.

Theo Thạc sĩ Kiều Đào Phương Vi (Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh), nhà ở truyền thống của người Việt là một trong những kiến trúc cổ gắn bó mật thiết với đời sống, sinh hoạt hằng ngày của các thành viên qua nhiều thế hệ của một dòng họ. Đây là nơi chứng kiến những thăng trầm trong lịch sử không chỉ của một gia đình, dòng họ mà là của cả vùng đất.

Bảo tồn di sản nhà cổ trong dòng chảy hiện đại - Ảnh 1.

Nhà cổ Đông Hòa Hiệp ở Tiền Giang còn lưu giữ nhiều vật dụng quý giá cổ xưa. Ảnh: Hữu Chi/TTXVN

Thông tin từ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Tháp, toàn tỉnh còn khoảng trên 70 ngôi nhà cổ. Một số ngôi nhà cổ được xếp hạng là di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia hoặc cấp tỉnh như: Nhà cổ Huỳnh Thủy Lê, nhà cổ Nguyễn Thành Giung… Trải qua hàng trăm năm tồn tại, yếu tố về nghệ thuật kiến trúc, văn hóa, tâm linh cũng như cảnh quan môi trường liên quan đến những ngôi nhà cổ ở Đồng Tháp còn nguyên giá trị, có vai trò quan trọng đối với đời sống cộng đồng hôm nay và thế hệ mai sau.

Đến với Đồng Tháp, ngoài nhà cổ Huỳnh Thủy Lê vẫn thường được mọi người nhắc đến, nhà cổ Nguyễn Thành Giung cũng là một trong những ngôi nhà cổ có tuổi đời gần 100 năm tiêu biểu còn lại ở vùng đất sen hồng.

Bà Lê Thị Hồng Hạnh, cán bộ văn hóa - xã hội UBND Phường 4, thành phố Sa Đéc cho biết, nhà cổ Nguyễn Thành Giung cùng nhà cổ Huỳnh Thủy Lê ở thành phố Sa Đéc là nơi từng được đạo diễn Jean Jacques Annaud chọn quay một số cảnh trong phim L’Amant (Người Tình) nổi tiếng thế giới. Ngôi nhà cổ nằm trên đường Trần Văn Voi, nhìn ra dòng Sa Giang thơ mộng, đối diện phía bên kia bờ là chợ Sa Đéc sầm uất. Phía sau nhà là vườn cây ăn trái của gia đình, tiếp giáp sông Tiền mênh mông, phù sa bồi đắp. Ngôi nhà có vị trí đúng theo quan niệm văn hóa phong thủy của người Việt “nhất cận thị, nhị cận giang, tam cận lộ, tứ cận điền” (nhất gần chợ, nhì gần sông, ba gần đường, bốn gần đất vườn).

Được xây dựng với kiến trúc tinh xảo, mang phong cách Pháp - Việt xưa, ngôi nhà khiến du khách đến tham quan như ngược dòng thời gian trở về quá khứ, hòa mình vào lịch sử văn hóa dân tộc và chiêm ngưỡng nét giao thoa trong nghệ thuật kiến trúc đặc sắc, độc đáo.

Tiền Giang cũng là địa phương có nhiều ngôi nhà cổ đang được lưu giữ. Riêng tại làng cổ Đông Hòa Hiệp (xã Đông Hòa Hiệp, huyện Cái Bè) có hàng chục ngôi nhà cổ hơn trăm năm tuổi. Sở hữu nhiều ngôi nhà cổ quý giá, không gian mang đậm nét truyền thống làng quê miệt vườn Nam Bộ, di tích kiến trúc nghệ thuật làng cổ Đông Hòa Hiệp được công nhận là di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia từ năm 2017.

Một trong những ngôi nhà cổ nổi bật ở Đông Hòa Hiệp là Nhà cổ Ba Đức được xây dựng từ năm 1850, trong khuôn viên rộng khoảng hơn 19.000 m2. Ngôi nhà mang lối kiến trúc kết hợp giữa văn hóa Nam Bộ và Pháp, lưu giữ nhiều cổ vật quý hiếm như, các cây cột bằng gỗ căm xe, bộ tủ thờ, bộ liễn khảm xà cừ, chiếc hộp gỗ khảm hình rồng bên trong có bản “Sắc phong thần” do Vua Tự Đức ban vào khoảng thời gian từ năm 1848 đến năm 1860, các bức tranh tường tuyệt đẹp phác họa khung cảnh làng quê bình dị bên dòng sông.

Hài hòa bảo tồn và khai thác

Trong bối cảnh cuộc sống hiện đại, việc bảo tồn những ngôi nhà cổ đang đứng trước nhiều thách thức. Bởi lẽ, nhiều ngôi nhà cần được tu bổ hoặc mở rộng để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của các thế hệ chủ nhân ngôi nhà. Song bảo tồn thế nào, kết hợp khai thác ra sao để hài hòa các lợi ích, góp phần phát triển kinh tế du lịch mà vẫn đảm bảo giá trị, không làm biến dạng di sản là vấn đề đang được đặt ra đối với nhiều di sản nhà cổ.

Giáo sư Từ Thị Loan, Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam cho rằng, bảo tồn tốt không có nghĩa là giữ nguyên di sản mà không biết khai thác, phát huy giá trị. Thực tế cho thấy, nếu chỉ bảo tồn theo kiểu “đóng băng” di sản sẽ rất khó phát huy các giá trị của di sản, không khai thác được phương diện kinh tế, không phục vụ mục tiêu phát triển.

Bảo tồn di sản nhà cổ trong dòng chảy hiện đại - Ảnh 2.

Ngôi biệt thự "Nhà lầu ông Phủ" được xây dựng vào năm 1924, đến nay đã tròn 100 năm tuổi, nhiều hạng mục của căn nhà đã xuống cấp do từ lâu không được trùng tu, tôn tạo. Ảnh: Lê Xuân/TTXVN

Tại làng cổ Đông Hòa Hiệp, từ “vốn” di sản nhà cổ và những nét văn hóa đặc sắc, nhiều hoạt động du lịch được triển khai, vừa giới thiệu bản sắc văn hóa, vừa góp phần tạo thêm thu nhập cho chủ nhân từng ngôi nhà, cùng địa phương phát triển kinh tế. Trung bình mỗi năm, làng cổ Đông Hòa Hiệp đón khoảng 100.000 lượt du khách đến tham quan, tìm hiểu.

Phó Chủ tịch UBND huyện Cái Bè Lê Văn Ý cho biết, từ ngôi nhà cổ Ba Đức, Công ty TNHH Nhà cổ Ba Đức được thành lập, phục vụ du khách đến tham quan nhà cổ, mua sắm đồ lưu niệm, nông sản và thưởng thức ẩm thực. Điểm tham quan du lịch Nhà cổ Ba Đức và sản phẩm bánh phồng tôm nhà cổ được công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao, góp phần tăng uy tín, sức hấp dẫn du lịch địa phương, đồng thời khẳng định bản sắc văn hóa xã nông thôn mới nâng cao Đông Hòa Hiệp.

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tiền Giang, quan tâm bảo tồn gắn với khai thác hiệu quả di sản, tỉnh tạo nhiều thuận lợi, tranh thủ nguồn lực, sự trợ giúp của cơ quan chức năng, tổ chức trong và ngoài nước để công tác bảo tồn đạt hiệu quả cao nhất. Làng Đông Hòa Hiệp cùng với làng Đường Lâm (Hà Nội) và làng Phước Tích (Thừa Thiên - Huế) được Tổng cục Du lịch (nay là Cục Du lịch quốc gia Việt Nam) cùng Tổ chức Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) chọn thực hiện Dự án “Hỗ trợ phát huy vai trò của cộng đồng trong phát triển bền vững tại Việt Nam, thông qua du lịch di sản”.

Dựa trên lợi thế tài nguyên thiên nhiên và văn hóa, tỉnh Tiền Giang định hình các không gian phát triển du lịch phù hợp, trong đó có không gian phía Tây của tỉnh gồm các huyện Cai Lậy, Cái Bè, Tân Phước với điểm nhấn là khu vực Chợ nổi Cái Bè, Làng cổ Đông Hòa Hiệp và Khu Bảo tồn sinh thái Đồng Tháp Mười.

Với tỉnh Đồng Tháp, bà Huỳnh Thị Hoài Thu, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho hay, tỉnh đang tích cực triển khai đề án phát huy giá trị nhà cổ và đình làng trên địa bàn giai đoạn 2021 - 2025 nhằm bảo tồn, giữ gìn loại hình di sản kiến trúc - nghệ thuật độc đáo mang đậm bản sắc văn hóa.

Đồng Tháp ưu tiên tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị của 44 ngôi nhà cổ niên đại ít nhất từ 80 năm tuổi, có giá trị tiêu biểu về lịch sử - văn hóa và kiến trúc nghệ thuật. Cơ quan chức năng và các địa phương thực hiện số hóa thông tin, chuẩn hóa hệ dữ liệu di sản văn hóa các ngôi nhà cổ tiêu biểu bằng những bài thuyết minh, câu chuyện thể hiện nét văn hóa truyền thống bản địa, tạo sản phẩm du lịch văn hóa đưa vào phục vụ tour, tuyến du lịch, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân.

Thanh Trà - Minh Hưng/TTXVN

Tags:
Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm