Dựng bảo tàng tư nhân đầu tiên về tranh Đông Hồ

03/04/2008 18:28 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH Online) - 15 năm trước, ông là người duy nhất bỏ tiền túi, hì hục mua bản khắc cổ rồi phục dựng lại dòng tranh dân gian Đông Hồ tưởng đã mai một hẳn. Để rồi bây giờ, khi đã sống sung túc bằng nghề, ông lại là người đầu tiên nghĩ tới chuyện mở một bảo tàng tư nhân để giới thiệu dòng tranh này cho khách phương xa.
 
Dự kiến vài tuần tới, “Trung tâm lưu giữ, bảo tồn dòng tranh dân gian Đông Hồ” của nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế sẽ khai trương tại xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh.
 
Tiền mồ hôi nước mắt một đời

Trời mưa, đường vào xã Song Hồ lép nhép những bùn. Bảo tàng của ông Chế nằm ở một góc làng, sân gạch lát bê bết vệt giày. Vừa nãy, có một tốp khách du lịch người Úc qua đây. Họ vào xem tranh, hỏi han rồi mua mấy bộ tranh nhỏ. Ít tiền thôi, nhưng có khách Tây tới thăm, xuýt xoa khen là mình vui rồi - ông Chế cười khà khà.
 
Tranh Đông Hồ

Trung tâm lưu giữ, bảo tồn dòng tranh dân gian Đông Hồ gồm 3 ngôi nhà dựng theo kiểu 5 gian. Một để tiếp khách, một để bán tranh và một để trưng bày tranh cổ nhưng bây giờ vẫn trống huơ trống hoác. Ông Chế lắc đầu: báo chí cứ vội đưa tin là trung tâm khai mạc vào 15/3. Đã xong đâu, tất cả còn ngổn ngang ra đấy. Rồi ông thở dài: thú thật với anh, giá có thêm độ dăm bảy chục triệu nữa thì xong lâu rồi. Nhưng làm đến thế này, chúng tôi cũng bắt đầu cạn tiền. Lại còn lễ khai mạc, phải chờ thêm đã.
 
“Bảo tàng” của ông Chế rộng chừng hơn 5.000m2, cạnh đó là một chiếc ao lớn. Ít người biết, cả cái ao đấy cũng nằm trong diện tích tỉnh Bắc Ninh cho ông thuê. Tất cả là 11 ngàn m2, vốn là một ao thả cá. Ông Chế lo phần san lấp để làm mặt bằng: Tát cạn nước, đào sâu xuống gần 2m, đóng cọc chịu lực, rồi xe cát về đổ lên. Tiền của “rót” vào cũng chỉ đủ lấp một nửa ao. Nửa còn lại, ông bảo sẽ làm khi có dịp.

“Ai gặp cũng hỏi, ông xây “bảo tàng” hết bao nhiêu tiền? Tôi từ chối trả lời. Nói ra, người ta lại hỏi mấy tỷ đồng ấy ở đâu? Thú thật, đấy là tiền mồ hôi nước mắt cả một đời. “Thế còn tiền được Nhà nước đầu tư và hỗ trợ?” “Làm gì có. Tôi thuê đất trong vòng 50 năm, rồi tự bỏ tiền ra làm. Đến bây giờ đã làm gì có ai cho đồng nào. Tất nhiên, cũng có những nơi hứa hẹn. Nhưng trước mắt mình phải làm tốt thì mới kêu gọi họ được chứ.
 
Vực dậy một làng tranh
 
Ông Chế kể: Trước cách mạng tháng Tám, ở làng Đông Hồ, nghề hàng mã và làm tranh cùng song song tồn tại. Trước kia tranh được bán ra chủ yếu phục vụ cho dịp Tết Nguyên đán, người dân nông thôn mua tranh về dán trên tường, hết năm lại lột bỏ, dùng tranh mới. Từ tháng Giêng đến tháng 7, dân làng làm hàng mã. Đến tháng 8, họ chuyển sang làm tranh để chuẩn bị bán vào dịp Tết về. Thế rồi, chiến tranh, tản cư và cuộc sống khắc nghiệt khiến hơn 100 hộ làm nghề ở đây tan mất cả. Không còn người mua tranh Đông Hồ, cả làng đều chuyển sang nghề làm hàng mã để kiếm sống cho mình.
 
Ông Chế học Trường Mỹ thuật công nghiệp, sau đó làm cán bộ tại NXB Mỹ thuật. Năm 1991, khi về hưu, ông nghĩ tới ý tưởng khôi phục lại nghề làm tranh truyền thống của Đông Hồ. “Thú thật, tôi không nghĩ sâu xa gì. Lúc ấy cơ chế kinh tế mở ra rồi, tôi thấy mình có thể tìm lại nghề để sống và cũng là giữ lộc của các cụ tổ. Nghề truyền thống có sẵn, dù sao vẫn hay hơn hàng mã là thứ dễ kiếm tiền nhưng ăn xổi”.
 
5 năm trời sau đó, ông Chế hì hục đi tìm lại các bản khắc gỗ cổ. Tranh Đông Hồ được in bằng các ván khắc gỗ, mỗi bản chỉ in được một màu lên giấy điệp. Từ hơn 100 hộ trước kia, cả làng Đông Hồ lúc ấy chỉ còn 11 gia đình giữ trong nhà những bản khắc này. “Muốn mua được những bản ấy thì phải kiên trì. Gia đình nào không chịu, tôi phải viện đến chuyện bảo tồn nghề tổ để họ bán cho mình. Còn những người chỉ nghĩ đến tiền thì dễ hơn, dù mình phải bấm bụng mua lại với giá cao”. Có nhà mua được 15 bộ có nhà mua được 20 bộ, đến năm 1994 ông Chế đã có trong tay gần 200 bộ bản khắc gỗ. Có bản khắc gỗ, lại sẵn có nghề pha chế màu được gia đình truyền lại, ông Chế mau chóng bắt tay vào việc làm tranh. Mỗi bản khắc gỗ chỉ in được một màu.
 
Vì vậy, một bức tranh có bao nhiêu màu là có bấy nhiêu ván khắc in sơn hồ lên giấy. Hàng loạt công đoạn khá phức tạp: Phơi giấy cho khô hồ, quết điệp rồi lại phơi giấy cho khô lớp điệp, khi in tranh phải in từng màu lần lượt, nếu có 5 màu thì 5 lần in, mỗi lần in là một lần phơi... Nhân lực chính trong nhà ông Chế là 8 người, bao gồm 2 vợ chồng và 6 người con cả dâu lẫn rể. Có đợt, nhận được đơn hàng 1 vạn tranh, cả nhà phải xúm vào làm trong 3 tháng.
 
Từ năm 1995, tranh Đông Hồ của ông Chế bắt đầu được chú ý. Rồi họ mở thêm cả một văn phòng giao dịch tại HN để cung cấp nguồn tranh cho những nơi có nhu cầu. Nhưng không vì thế mà khách mua tranh không tìm tới tận nhà ông. Bởi, họ muốn xem công nghệ làm tranh, xem những bản khắc gỗ hoặc tranh Đông Hồ cổ. Cách đây vài năm, một nhóm chuyên gia Nhật Bản tới làng Hồ, sống tại đó gần 3 tháng để tìm hiểu về các bước làm tranh của ông Chế.

Ý tưởng thành lập một bảo tàng tư nhân nhằm giới thiệu tranh Đông Hồ ra đời từ đó.
 
Giữ bản khắc cổ = giữ lấy nghề!
 
Bây giờ, trong tay ông Chế có gần 100 bộ ván khắc có độ tuổi từ 50-100 năm. Và bộ ván cổ nhất có độ tuổi hơn 400 năm, do cụ tổ 9 đời nhà ông để lại. Những bộ ván khắc ấy được ông Chế bày trang trọng trong tủ kính. Cùng với đó là vài chục bức tranh Đông Hồ cổ. “Có người đến nhà nhất định đòi mua. Số tiền họ trả cũng khá cao, lên tới cả ngàn đô. Nhưng tôi không chịu. Bán đi thì đủ tiền làm bảo tàng, nhưng bao giờ mới sưu tầm lại được. Mà giữ bản khắc cũng chính là giữ lấy nghề tổ”.
 
Ông Chế kể: Nét đặc sắc nhất của tranh Đông Hồ là việc sử dụng toàn bộ những chất liệu thiên nhiên để làm tranh. Chẳng hạn, giấy điệp làm bằng vỏ điệp nghiền nhỏ, trộn với hồ nếp rồi quét lên. Màu đỏ là sỏi đỏ nhặt từ núi Thiên Thai, nghiền nát. Màu đen làm bằng than của rơm nếp... Bây giờ, điều khiến ông buồn là việc một số nơi làm tranh Đông Hồ theo kiểu công nghiệp. Họ trộn thêm phẩm công nghiệp vào đỡ tốn màu hoặc bột điệp. “ Tôi cấm con cháu làm như thế. Làm vậy thì chẳng thể bền”...
 
Ông Chế nói: Khi mở bảo tàng, nhiều người can tôi: cụ 77 tuổi rồi, mất công để làm gì. Tôi cũng đắn đo. Nhưng nghĩ đơn giản, mở bảo tàng như vậy vừa giới thiệu được nghề tổ, vừa để cháu mình theo nghề sau này thì có sẵn đường mà đi...
Cúc Đường

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm