“Mặt vàng như nghệ”

10/05/2011 12:16 GMT+7 | V-League

(TT&VH) - Có thể nói ngay rằng dù tình trạng bạo lực gia tăng trên sân cỏ đang là vấn đề nan giải và nổi cộm, nhưng đấy không phải là đặc sản của riêng V-League, bởi khi theo dõi bóng đá châu Âu qua truyền hình, khán giả VN cũng dễ dàng được chứng kiến những hình ảnh tương tự, thậm chí còn kinh khủng hơn rất nhiều, đến mức truyền hình còn không dám quay lại vì mức độ rùng rợn của pha bóng. Hẳn vẫn còn rất nhiều người nhớ tới Eduardo và Aaron Ramsey, 2 cầu thủ Arsenal từng bị gãy chân ngay trên sân sau những pha vào bóng ghê rợn của Martin Taylor và Ryan Shawcross.

Chuyện này ở V-League thì ít xảy ra, bởi các cầu thủ VN từ khi còn học năng khiếu đã được dạy cho cách ra đòn và né đòn, nên khi va chạm trên sân dù có thể xảy ra chấn thương nặng nhẹ ở mức độ khác nhau, nhưng tới độ bị gãy gập cả chân như Eduardo hay Ramsey thì rất hiếm. Phải chăng nói như thế nghĩa là V-League đang ghi điểm trước Premier League về khả năng bảo vệ đôi chân cho cầu thủ?

Câu trả lời là không, bởi ở giải Ngoại hạng Anh, những trường hợp như của Eduardo và Shawcross là rất hãn hữu, và sau khi xảy ra sự cố, cá nhân thủ phạm thường phải chịu sức ép rất lớn từ nhiều phía. Tất nhiên, các cầu thủ đang chơi bóng ở Anh không phải là “thánh”, bằng chứng là họ cũng có những pha va chạm hoặc vào bóng nảy lửa và dữ dội, nhưng không tới mức độ có thể làm huỷ hoại cả sự nghiệp như ở V-League.

Hôm qua, trên một diễn đàn của Yahoo Tin tức, các CĐV Nghệ An đã phản ứng một cách rất dữ dội về một bài báo trong đó nói rằng SLNA là đội bóng xấu chơi nhất V-League vì đang dẫn đầu về số thẻ phạt sau khi kết thúc lượt đi. Những CĐV này cho rằng SLNA phải nhận nhiều thẻ thì không có nghĩa là đội bóng xứ Nghệ có lối chơi xấu xí, song thực tế trên sân thì không phải như vậy.

Trọng Hoàng bị phạt thẻ đỏ ở trận Việt Nam-Singapore tại AFF Cup 2010

Chẳng phải tới khi HLV Hữu Thắng lên dẫn dắt thì SLNA mới đá rắn theo triết lý “bóng đá là cuộc chơi của những người đàn ông” của cựu trung vệ thép này, mà từ trước đó rất lâu, khi HLV Nguyễn Văn Thịnh còn tại vị thì SLNA cũng đã chơi như thế. Tuy vậy, nếu nói rằng ở V-League chỉ có SLNA mới đá xấu thì cũng có phần oan uổng cho đội bóng xứ Nghệ, bởi đây là căn bệnh kinh niên của giải VĐQG từ nhiều năm nay.

Rất nhiều tuyển thủ QG mà TT&VH không tiện nêu tên ở đây hiện đang được coi là những “võ sư” có hạng ở V-League và khi lên ĐTQG, họ cũng chơi theo kiểu như thế. Và trong gần 3 năm qua, khi ĐTQG thấm nhuần tư tưởng “fighting” của HLV Henrique Calisto thì độ nóng trong các pha va chạm trên sân lại càng được nâng lên bội phần. Dưới thời HLV Calisto, dù là ĐTQG hay ĐT Olympic QG cũng đều có tình trạng các cầu thủ ẩu đả với nhau ngay trên sân tập sau những cú vào bóng luôn được ông thầy yêu cầu “Maximum” (Tối đa), thậm chí có cả trường hợp 2 cầu thủ cùng CLB hoặc là đồng hương của nhau.

Dông dài như vậy để thấy vấn nạn bạo lực trên sân cỏ không phải là chuyện riêng của bất cứ CLB nào, mà nó cần phải được giải quyết một cách triệt để từ gốc đến ngọn. Không thể viện dẫn lý do “giải ngày một quyết liệt và căng thẳng, và các CLB cũng ngày càng thi đấu thật hơn” để giải thích cho tình trạng bùng phát thẻ phạt ở lượt đi V-League 2011 như một quan chức VFF đã nêu lên trong buổi sơ kết mới đây, bởi đá thật và quyết liệt không đồng nghĩa với đá bậy, đá láo.

Hãy thử tưởng tượng, nếu ở V-League chúng ta không nghiêm khắc với cầu thủ, để mặc họ chơi rắn một cách vô lối thì khi lên ĐTQG hoặc ra sân chơi châu lục, hậu quả sẽ là thế nào nếu như các cầu thủ tiếp tục sử dụng những pha bóng thô bạo như vậy, trong khi các trọng tài nước ngoài thì không hề nương tay như những đồng nghiệp ở VN?

Chắc hẳn vẫn chưa ai quên trận thắng nhọc nhằn của ĐTQG trước Singapore ở lượt trận cuối cùng vòng bảng AFF Cup 2010, trận đấu mà thầy trò HLV Calisto phải nhọc nhằn lắm mới bảo toàn được chiến thắng 1-0 sau khi phải đá trong thế 10 chống 11 vì Trọng Hoàng bị truất quyền thi đấu ở giữa hiệp 2 do lỗi chơi bóng thô bạo một cách rất không cần thiết. Nên nhớ rằng đấy là trận đấu mà ĐTQG được đá trên sân nhà Mỹ Đình, giữa một biển CĐV chủ nhà mà trọng tài còn chẳng ngại ngần rút thẻ đỏ, vậy nếu chúng ta chơi trên sân khách với cùng kiểu như vậy thì hậu quả sẽ ra sao?

Chẳng phải ngẫu nhiên mà người xưa vẫn nói: “Chưa đánh được người mặt đỏ như vang. Đánh được người rồi, mặt vàng như nghệ”. Chẳng lẽ phải đợi đến khi “mặt vàng như nghệ” thì chúng ta mới thấm thía được hậu quả của việc dung túng lối chơi bạo lực?

Hoàng Huy

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm