Bạo lực, hiện tượng hay bản chất nền bóng đá?

24/09/2015 14:09 GMT+7 | Bóng đá Việt

(Thethaovanhoa.vn) - Chia sẻ với Thể thao & Văn hoá cuối tuần, cựu danh thủ “thế hệ vàng”, HLV Trần Minh Chiến khẳng định, vấn nạn bạo lực trên các sân cỏ Việt Nam trước đây còn nhiều gấp bội lần so với bây giờ. Theo HLV của lò đào tạo PVF, cầu thủ Việt Nam thế hệ trước “manh động” hơn lúc này, khi luật lệ, chế tài còn khá lỏng lẻo. Trần Minh Chiến thậm chí đã dùng từ “mọi rợ”.

Với vụ Quế Ngọc Hải đạp vỡ gối Anh Khoa mới đây, chúng ta phải đặt ngược lại câu hỏi, phải chăng bạo lực sân cỏ đã là bản chất, là căn bệnh thâm căn cố đế của nền bóng đá?

Thiếu Quế Hải cũng chẳng ít đi bạo lực

Bóng đá Việt Nam thời gian vừa qua dậy sóng với vụ Quế Ngọc Hải và nó thậm chí còn làm lu mờ những chỉ trích của Phó Chủ tịch (PCT) VFF, Đoàn Nguyên Đức, nhằm vào HLV Miura. Chức vô địch V-League năm thứ hai liên tiếp của B.Bình Dương và việc Đồng Nai phải xuống hạng, cũng không được nhắc nhiều như Quế Hải, Anh Khoa…

Nhưng, như Thể thao & Văn hoá đã từng phản biện, rằng với đặc thù bóng đá xứ Nghệ, có thêm trường hợp Quế Ngọc Hải triệt hạ đối phương, lãnh án kỷ luật thì cũng không nhiều hơn và không có Quế Hải, các pha bóng kiểu võ thuật ở SLNA cũng chẳng ít đi. Nó thuộc về bản chất lối chơi mà đội bóng xứ Nghệ theo đuổi, trong quá khứ cũng như hiện tại. Đầy tai tiếng.


Những pha bay người phá bóng là "thương hiệu" của các hậu vệ SLNA

Xứ Nghệ thời của Thuỷ “nghêu” (thủ môn), các hậu vệ Hải “vẩu”, Thắng “Mạch”, Phi Hùng (còn gọi là Phi “lao”)…, đã nổi tiếng với lối chơi “chém đinh chặt sắt”. Tư tưởng ấy được cấy vào các thế hệ sau này, với Huy Hoàng, Cao Xuân Thắng, Trần Đình Đồng, Trọng Hoàng, Văn Bình, Mạnh Hùng, Quế Hải…

Khi còn “cầm” SLNA, rất thường xuyên HLV Hữu Thắng yêu cầu các cầu thủ đá “chắc chân”, trước là phòng hờ mình khỏi các chấn thương và sau đó là… Ở trên sân, theo quan sát của người viết không hiếm lần Huy Hoàng, Xuân Thắng, rồi Đình Đồng ra dấu cho đồng đội “phang” thẳng chân, bằng động tác 2 bàn tay đập vào nhau theo hướng vuông góc.

Còn nhớ là sau trận đấu trên sân Cao Lãnh cách đây mấy mùa, trận đấu mà vài cầu thủ SLNA cũng đã mất máu, trong khi vài người khác phía Đồng Tháp đi viện, HLV Hữu Thắng đã trả lời Thể thao & Văn hoá khi chúng tôi đề cập đến lối chơi nhuốm màu bạo lực, rằng bóng đá là môn thể thao chỉ dành cho những người đàn ông dũng cảm?!

Không phải tự nhiên, rất nhiều các ca chấn thương nặng của mà cầu thủ gặp phải, thậm chí đối diện với nguy cơ giải nghệ, đều đến từ các trận đấu với SLNA. Hết anh em nhà Carlos và Antonio (ĐTLA), đến Thế Anh (B.Bình Dương), rồi Anh Hùng (HV An Giang), giờ là Anh Khoa (SHB Đà Nẵng) và vẫn chưa có biểu hiện dừng lại.

Đi đêm nhiều, sẽ có ngày gặp ma!. Cầu thủ SLNA cũng nhiều lần chịu án phạt nặng, với điển hình là Đình Đồng ở mùa giải năm ngoái và Quế Ngọc Hải gần đây. Đình Đồng sau vụ đạp gẫy chân Anh Hùng, không còn được cất nhắc lên ĐTQG nữa, dù bản thân vẫn là một hậu vệ tốt; còn Quế Hải, tiền đồ trên Tuyển phải đặt dấu chấm hỏi.

Tai hại không kém, đấy là trường hợp dính đòn hồi mã thương của cựu trung vệ đội trưởng Huy Hoàng. Trận đấu vòng 3, V-League 2012, Huy Hoàng lao ra như thuộc tính bằng tốc độ kinh hoàng đến camera và máy ảnh kỹ thuật số hiện đại cũng không thể lấy nét, với 2 chân tạo hình chữ V nhằm vào Samson, để rồi bị phản đòn, biến dạng khuôn mặt.

Cao thủ cỡ Huy Hoàng mà còn phải chuốc vạ vào thân, không những phải nghỉ dài hạn để thẩm mỹ lại khuôn mặt, mà còn phải chịu án phạt của VFF, thì đừng nói thế hệ đàn em, hậu bối. Nếu ai đó còn có ý định triệt hạ đối phương, hãy nhìn vào Huy Hoàng mà làm gương. Bảo lực không phải hành động dũng cảm, mà chỉ là biểu hiện của kẻ yếu.

Trên chẳng nghiêm...

Trở lại với vấn đề mà cựu danh thủ Trần Minh Chiến, người đã phải giải nghệ trên đỉnh vinh quang vì chấn thương ở tuổi 22 đề cập ở đầu bài viết, ngoài ý thức của cầu thủ cũng như các đội bóng kém, thì một trong những lý do cơ bản dẫn đến bạo lực sân cỏ leo thang, đấy là điều lệ giải lỏng lẻo và quy chế bóng đá chuyên nghiệp nhiều chỗ hổng.


Lê Công Vinh - Mẫu cầu thủ có lối sống lành mạnh

“Trước đây, BTC thường rất yếu ớt trong việc đưa ra các chế tài với đội bóng và cầu thủ, nên mới xảy ra vấn đề đuổi đánh trọng tài, rồi cầu thủ đánh nhau trên sân. Việc kỷ luật treo giò vĩnh viễn với anh Chu Văn Mùi (đồng đội – đàn anh của Minh Chiến trong màu áo Công an TP.HCM) là chưa có tiền lệ”, danh thủ họ Trần cho biết thêm.

Chu Văn Mùi lúc ấy đang là đương kim tuyển thủ QG và vài năm sau, khi BTC giải và VFF gỡ án cho anh, thì Mùi “Tàu” đã hết đát, chuyển qua làm cảnh sát giao thông.

Bóng đá những năm thế hệ trước, Bắc có Chính “cối” (Lê Khắc Chính), Trung có Hải “vẩu” (Quang Hải) và Nam có Ba Tam (Hồ Văn Tam, từng chơi cho cả Cảng Sài Gòn và Công an TP.HCM, cũng có thời gian được gọi lên dự Tuyển QG), rồi Lâm “phi tiêu” (Đại Lâm, Công an TP.HCM), Tùng “ba tô” (Thanh Tùng, Công an TP.HCM)…, nổi tiếng với tiểu xảo và những pha vào bóng rợn người.

Có lẽ, chỉ Thể Công (cũ), lò đào tạo trứ danh từng sản sinh ra những trung vệ đẳng cấp cỡ Nguyễn Trọng Giáp và sau này là Mạnh Cường, Tiến Dũng, Nguyễn Mạnh Dũng, Như Thành…, gần như nói không với bạo lực trong thi đấu. Theo tìm hiểu, thế hệ Thể Công 1970 được cho là hay nhất mọi thời đại của ông Vũ Mạnh Hải, có nhiều cầu thủ “cả đời trong trắng”, tức chưa từng dính thẻ phạt hay “phốt”.

“Cha mẹ sinh con, trời sinh tính”, nhưng trong bóng đá và các trận đấu từ phong trào đến đỉnh cao, nếu HLV hoặc cao hơn là lãnh đạo không “cấp quota”, thì cầu thủ có dám manh động không?! Chúng tôi muốn đề cập trở lại các vấn đề của Quế Ngọc Hải, cũng như một bộ phận mấy “ông sao” măng non của SLNA, vừa ở trên Tuyển về.

Trận đấu với S.Khánh Hoà BVN trên sân 19/8, Nha Trang, Quế Hải thậm chí đã phi ra sát đường piste để hét vào tai HLV Ngô Quang Trường rằng, không được cho cầu thủ nọ vào sân, khi ngoại binh này đã cầm giấy thay người tiến lại gần trọng tài bàn. Ông Trường sau đó phải rút lại quyết định và hiệu đính bằng một cái tên khác.

Điển tích câu nói của HLV Đặng Trần Chỉnh: “Ghế 4 chân, cầu thủ nắm hết 3” từ đâu mà ra?! Trước phải trách mình không nghiêm, nên mới dễ sinh ra loạn. Thân là tuyển thủ QG giống như người dẫn lối, là hình ảnh đại diện, cũng phải xem lại mình. Trẻ em hay bắt chước và phụ huynh nào tin rằng con họ sẽ không học “thần tượng”?!

“Một trận bóng ở V-League tiêu hao rất nhiều thể lực cầu thủ và bất cứ ai cũng có thể gặp chấn thương, nếu cơ địa quá tải hoặc gặp tai nạn, đó là lý do cầu thủ phải biết giữ mình, phải biết ý thức nghề nghiệp.

Ở kỷ nguyên chuyên nghiệp, khi các hậu vệ Việt Nam phải đối chọi với “Tây” cao to, càn lướt, vì đuối sức, thua thiệt đối phương nên mới dùng tiểu xảo. Xong tôi cho rằng, tính chuyên nghiệp là yếu tố quyết định. Cầu thủ chuyên nghiệp thì không uống bia, rượu và không hút thuốc lá”, tiền đạo đội trưởng ĐTQG, Lê Công Vinh.


Tùy Phong
Thể thao & Văn hóa cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm